Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Bài toán giá điện - mấu chốt để thu hút đầu tư
Hoàng Nam - 22/07/2020 10:05
 
Để huy động được nguồn lực mới ngoài vốn nhà nước đầu tư cho năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng, đòi hỏi cơ chế giá điện phải hấp dẫn và mang tính thị trường hơn.
Bộ Công thương đang nghiên cứu thêm phương án một giá điện.
Bộ Công thương đang nghiên cứu thêm phương án một giá điện.

Lúng túng chọn phương án

Đang hoàn thiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá bán điện theo hướng còn 5 bậc thang thay cho 6 bậc thang hiện hành, Bộ Công thương bất ngờ nghiên cứu  thêm phương án “một giá điện”.

Theo ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương, việc nghiên cứu thêm phương án một giá điện được đưa ra trước những phản ánh hoá đơn tiền điện tăng cao vừa qua và đề xuất “có thêm phương án để lựa chọn” từ người tiêu dùng.

Theo đó, điện một giá sẽ dựa trên giá điện bình quân 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT).

Ông Vượng cũng cho biết, những người sử dụng nhiều điện, trên 400 kWh/tháng, sẽ chọn phương án một giá điện. Trong khi đó, những người dùng dưới 400 kWh/tháng, hiện chiếm 70-80% tổng số khách hàng sẽ chọn giá điện bậc thang do được hưởng lợi hơn.

Chia sẻ vấn đề này, PGS-TS. Bùi Xuân Hồi, Giảng viên cao cấp bộ môn Kinh tế công nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, ý tưởng “điện 1 giá” được kỳ vọng khắc phục được  nhược điểm của biểu giá bậc thang, nhưng các mục tiêu quan trọng khác như chính sách xã hội, phản ánh chi phí cung ứng, sử dụng hiệu quả tiết kiệm điện sẽ khó đạt được với phương án đồng giá.

“Nếu điện sinh hoạt chỉ có 1 mức giá sẽ rất nhàn cho EVN, nhưng hộ nghèo và người giàu sẽ trả cùng một mức giá. Như vậy, việc thực hiện mục tiêu chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước trong giá điện không được thực thi và nếu chỉ có một giá thì có tới 80% số hộ tiêu dùng sẽ trả giá cao hơn so với giá bậc thang hiện nay”, ông Hồi phân tích.

Theo các chuyên gia, nếu đồng thời có hai loại biểu giá  , các hộ dùng ít sẽ chọn giá bậc thang để hưởng các mức giá thấp, còn các hộ dùng nhiều đương nhiên chọn đồng giá để tránh hiệu ứng bậc thang làm tăng hóa đơn tiền điện của họ. Tuy nhiên, điều này khiến cân bằng tài chính của EVN gặp vấn đề, lại phải dẫn tới việc tăng giá điện để bù đắp chi phí và đủ sức thu hút vốn đầu tư xã hội vào ngành điện.

Giá điện - mấu chốt hút đầu tư

Trong giai đoạn 2007-2017, tổng đầu tư vào ngành năng lượng đạt khoảng 2,1 triệu tỷ đồng, chiếm 18,4% tổng đầu tư toàn xã hội (khoảng 11,4 triệu tỷ đồng).

Giai đoạn này ghi nhận đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ lực. Sự có mặt của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước trong ngành năng lượng cũng rất tích cực. Hiện công suất phát điện được tư nhân trong và ngoài nước đầu tư chiếm khoảng 28% tổng công suất nguồn điện.

Song, thực tế cũng cho thấy, để tiếp tục huy động được nguồn lực mới ngoài nhà nước cho năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng, đòi hỏi cơ chế giá điện phải hấp dẫn và theo thị trường hơn.

Đơn cử, việc hút được gần 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư vào các dự án điện mặt trời trong năm 2018 - 2019 chính là nhờ có giá mua điện cao ngất ngưởng, với mức tương đương 9,35 UScent/kWh (khoảng 2.086 đồng/kWh), cao hơn giá bán lẻ điện bình quân đang ở mức 1.864,44 đồng/kWh và chưa tính chi phí truyền tải.

Khi còn là Trưởng nhóm chuyên gia năng lượng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Franz Gerner cho hay, kinh nghiệm chung trên thế giới là quy định mức giá phản ánh đúng chi phí và hợp lý chính là chính sách kinh tế đúng đắn. Qua đó, đảm bảo rằng, cả nhà sản xuất và người tiêu dùng đều hướng tới tiết kiệm năng lượng và đầu tư vào các công nghệ tiết kiệm năng lượng hơn.

“Trước đây, Việt Nam đã phát triển thành công các nguồn sản xuất điện bằng than, khí và thủy điện với giá thành thấp. Nhưng nay, do cầu về điện tăng nên các nguồn trong nước không đủ đáp ứng nữa. Ngoài ra, các nguồn mới như than và điện nhập từ Lào, Trung Quốc và các nguồn trong nước như các mỏ khí mới, điện gió, điện mặt trời đều có giá thành cao hơn trước đây. Vì vậy, giá thành sản xuất điện và giá bán lẻ sẽ phải tăng thì mới đảm bảo phát triển ngành điện bền vững và cấp điện ổn định”, ông Franz Gerner nói.

Nghị quyết 55/NQ-TW đã yêu cầu đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ, cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp, đặc biệt trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới; minh bạch giá mua bán điện. Có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia. Vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia độc lập dưới sự kiểm soát của Nhà nước.
Việt Nam cần chuẩn bị chiến lược “rút lui” cho nhiệt điện than
Việt Nam cần chuẩn bị chiến lược “rút lui” cho nhiệt điện than, bao gồm cả chính sách hỗ trợ cho chuyển đổi tại các khu vực có nền kinh tế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư