Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 07 năm 2024,
Ngành đồ uống đối mặt nhiều thách thức lớn
Linh Đan - 17/07/2024 07:56
 
Ngành đồ uống đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, khi Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế một cách đột ngột, cùng với chính sách nồng độ cồn bằng không.

Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) mà Bộ Tài chính đang lấy kiến của các cơ quan, đơn vị không nhận được sự đồng thuận của ngành đồ uống.

Theo Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Lâm Đồng, việc điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo Dự thảo đề xuất sẽ tác động rất lớn đến ngành bia, rượu, nước giải khát.

Công ty này cho rằng, trong bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều bất ổn, biến động, các doanh nghiệp ngành đồ uống nói chung và đồ uống có cồn nói riêng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Cụ thể, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, người tiêu dùng ngày càng giảm tiêu thụ các sản phẩm có cồn và đường; đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu do chiến sự xảy ra tại Ukraine, các lệnh cấm vận về kinh tế, đặc biệt là về năng lượng và vận chuyển làm cho giá nguyên vật liệu tăng cao bất thường; chính sách phòng chống tác hại của rượu bia (cụ thể là Nghị định 100/2019/NĐ-CP) làm cho sức tiêu thụ bia sụt giảm rất mạnh.

Các doanh nghiệp trong ngành đều ghi nhận doanh thu, lợi nhuận giảm nghiêm trọng trong năm 2023. Mới đây, một doanh nghiệp lớn trong ngành là Nhà máy bia Heineken Quảng Nam đã phải tạm dừng hoạt động. Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, thị trường tiêu thụ của hãng này tại Việt Nam sụt giảm hai con số.

Còn với Sabeco - doanh nghiệp sở hữu 26 nhà máy tại 20 tỉnh, thành phố, từ năm 2021 đến nay, doanh nghiệp này tăng trưởng âm so với năm 2019 cả về sản lượng, doanh thu. Các nhà máy sản xuất gia công trong hệ thống kiệt quệ bởi giá đầu vào tăng 20 - 40%, trong khi giá bán không thể tăng.

Tương tự, Habeco phản ánh, năm 2023, sản lượng tiêu thụ giảm khoảng 30% so với năm 2019, ngân sách giảm 10% và phải cắt giảm 25% lao động. Habeco liên tục thua lỗ từ nhiều năm nay, đến cuối năm 2023 ghi nhận lỗ quý thứ 27 liên tiếp, luỹ kế lên đến 457,7 tỷ đồng.

Chỉ số tồn kho toàn ngành đồ uống năm 2023 ước tính tăng 120% so với năm 2022. Quý II/2024 ghi nhận chỉ số tồn kho ngành đồ uống tăng gần 128,9%.

Theo Hiệp hội Bia - Rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA), ngành đồ uống là mặt hàng chịu nhiều sự quản lý, ít nhất từ 4 luật lớn: Luật Phòng chống tác hại rượu bia; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật Thương mại; Luật Quảng cáo. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ cắt giảm thuế giá trị gia tăng không được áp dụng đối với ngành đồ uống có cồn.

VBA cho rằng, khi tăng thuế khiến giá sản phẩm tăng cao, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang các mặt hàng khác rẻ tiền hơn, tiêu dùng các sản phẩm trôi nổi, chất lượng kém, hàng lậu, hàng giả... Việc tăng thuế còn làm giảm tính cạnh tranh của các sản phẩm trong nước.

Các chuyên gia kinh tế kiến nghị, chính sách điều chỉnh đối với ngành đồ uống có cồn (trong đó bao gồm việc chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời điểm hiện tại) cần tính toán kỹ lưỡng, nếu không sẽ lợi bất cập hại.

Ông Nguyễn Việt Trác Châu, Giám đốc Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Lâm Đồng cho rằng: “Chúng tôi nhận định đây là thời điểm cần tiếp tục thực hiện những chính sách hợp lý nhằm hỗ trợ, thúc đẩy quá trình phục hồi của doanh nghiệp”.

Theo ông Châu, việc điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo đề xuất tại dự thảo nếu được áp dụng sẽ là cú sốc chưa từng có đối với ngành bia rượu và có thể gây ra những tác động tiêu cực, làm tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm chính thống sản xuất trong nước; ảnh hưởng đến việc làm; mức thuế suất dự kiến tăng quá cao so với khuyến nghị của WHO.

Cùng với phản ánh những khó khăn hiện tại của ngành bia rượu, Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Lâm Đồng kiến nghị các cơ quan chức năng lùi thời gian điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm bia, rượu, nước giải khát có đường đến năm 2027 để doanh nghiệp có thời gian thích ứng và chuẩn bị cho chính sách thuế mới này.

Nghiên cứu xem xét lại mức thuế tiêu thụ đặc biệt được đề xuất áp dụng, đảm bảo mức thuế hợp lý và phù hợp với tình hình thực tế, trên cơ sở đánh giá đầy đủ các tác động một cách toàn diện (ảnh hưởng đến tiêu dùng, mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tác động đến ngân sách, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp, phản ứng của người tiêu dùng, tác động kinh tế - xã hội) cũng như khuyến nghị của WHO là nên tăng giá bán rượu, bia lên 10%.

Trong khi đó, VBA đề nghị Bộ Tài chính và Ban Soạn thảo xem xét thời điểm hiệu lực của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) từ năm 2027.

Đối với sản phẩm rượu, bia, VBA đề xuất xem xét giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng một cách hợp lý để tránh gây “sốc”, ổn định thị trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp thích nghi với việc tăng thuế trong thời gian tới.

Đồng thời, VBA cũng đề xuất Bộ Tài chính xem xét bỏ điểm l, khoản 1, Điều 2 của Dự thảo Luật. Theo đó, không bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào  đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Doanh nghiệp đồ uống “kêu cứu” trước đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt 100%
Các doanh nghiệp đồ uống tiếp tục đối diện với đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức cao nhất là 100%, khiến hàng loạt doanh nghiệp lo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư