Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Ngành đóng tàu biển “sóng sánh” trở lại Việt Nam
Vũ Anh - 05/07/2023 18:55
 
Các tên tuổi trên thế giới đang tìm kiếm cơ hội đầu tư, làm nóng trở lại ngành đóng tàu biển đầy tiềm năng tại Việt Nam.

Hơn 100 tên tuổi trong ngành đóng tàu từ nhiều quốc gia như Việt Nam, Mỹ, Anh, Singapore, Thái Lan, Đức, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… có mặt tại Triển lãm Thiết bị Máy móc Hàng hải và Đóng tàu (VIMOX) 2023 đang diễn ra từ ngày 5-7/7. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong ngành đóng tàu trên toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Đặc biệt, nó chứng minh tiềm năng phát triển về ngành hàng hải tại Việt Nam.

Với việc cập nhật những công nghệ tiến bộ và đổi mới cũng như chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ hàng hải và đóng tàu, triển lãm được kỳ vọng trở thành cầu nối giao thương quan trọng giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận thông tin, tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm thúc đẩy hơn nữa ngành đóng tàu.

Theo Tiến Sĩ Hoàng Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Hội Khoa học Kỹ thuật Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (VISIA), nghành công nghiệp tầu thủy Việt Nam bị chậm lai và gặp nhiều khó khăn trong những năm đầu của những năm 2000 do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và những khó khăn riêng của nền kinh tế Việt Nam.

Các chủ hàng trong nước cũng như quốc tế  khó khăn về thu xếp vốn để phát triển các đội tầu. Việc này kéo theo các đơn đặt hàng cho ngành đóng tầu Việt Nam giảm đi nhiều, thậm chí có những giai đoạn không có, dẫn đến nhiều nhà máy đóng tầu phải chuyển đổi sản xuất kinh doanh hoặc phá sản.  

Điển hình, sau 13 năm được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tiếp nhận, Nhà máy Đóng tàu Dung Quất (DQS) ở Quảng Ngãi vẫn nợ hàng nghìn tỷ đồng do các khoản nợ, thua lỗ từ thời Vinashin để lại. Đây là một trong 12 đại dự án làm ăn thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương đang được yêu cầu rà soát, xử lý…

Hiện ngành đóng tàu vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức về tiếp cận nguồn vốn, thiếu nhân lực đặc biệt là thụ động về nguồn vật tư, thiết bị, máy móc…

Tuy nhiên, ông  Kenny Yong, CEO Fireworks Trade Media cho rằng, ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam đã nổi lên như một thế lực cạnh tranh không thể xem thường, thể hiện sự tăng trưởng, khả năng phục hồi và thích ứng đáng kể.

“Với đường bờ biển trải dài, lực lượng lao động lành nghề và vị trí địa lý chiến lược, Việt Nam sở hữu lợi thế độc nhất trong việc nắm bắt các cơ hội do ngành hàng hải toàn cầu mang lại”, ông Kenny Yong nhận định.

ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền sẽ
Ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền sẽ "nóng" trở lại khi các du khách quốc tế tăng mạnh.

Các chuyên gia cho rằng, có một thế hệ tàu chở hàng mới được thiết kế và đóng tại Việt Nam. Đặc biệt, với tiềm năng du lịch biển, cộng với tầng lớp trung lưu thì ngành công nghiệp du thuyền giải trí sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành du thuyền thế giới đang phát triển mạnh, toàn ngành du thuyền thế giới đang rơi vào tình trạng quá tải đơn hàng đến năm 2026-2027. 

Ví dụ Đà Nẵng có nhiều ưu thế vị trí địa lý để phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền. Việc xây dựng, phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ du thuyền sẽ góp phần thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, đồng thời tạo động lực phát triển mới cho thành phố này.

Theo báo cáo của Viện chiến lược và phát triển Giao thông vận tải, giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến 2045 tại Đà Nẵng có 19 dự án ưu tiên đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền.

Tổng mức đầu tư các dự án khoảng 6.850 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hoá, liên quan đến ngành công nghiệp đóng, sửa chữa du thuyền, công nghiệp hỗ trợ sản xuất, lắp ráp và dịch vụ thương mại, dịch vụ cảng bến và dịch vụ du lịch. Theo đó, doanh thu từ công nghiệp du thuyền và dịch vụ bến du thuyền chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2022-2025, ước tính đạt 400 tỷ đồng/năm. Giai đoạn 2026-2030, ước tính đạt 1.000 tỷ đồng/năm, chủ yếu từ công nghiệp hỗ trợ và sản xuất linh kiện, phụ kiện…

Hiện các đội tàu biển trên thế giới đã và đang hoạt động trên các tuyến hàng toàn cầu có rất nhiều con tàu xuất xứ tại Việt Nam, qua đó là minh chứng rõ nét về năng lực của ngành đóng tàu trong nước. Hơn một năm qua, doanh nghiệp đóng tàu của Việt Nam có thêm hy vọng để phát triển mạnh trở lại khi có được những hợp đồng đóng tàu lớn.

Cuối năm ngoái, Công ty Đóng tàu Phà Rừng thuộc Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (SBIC) “chốt” được hợp đồng đóng mới series gồm 5 chiếc tàu chuyên dụng chở dầu và hóa chất có trọng tải 13.000 tấn/chiếc cho Công ty Yentec xuất khẩu sang Hàn Quốc. Hợp đồng được thực hiện trong 3 năm, trong đó có 3 tàu sẽ được triển khai đóng mới trong năm nay, 2 tàu còn lại sẽ được hoàn thành bàn giao cho Yentec vào năm 2025.

Cần cơ chế thu hút đầu tư đội tàu biển quốc tế
Là cường quốc xuất nhập khẩu, lại có thế mạnh về cảng biển, Việt Nam cần thiết phải có đội tàu vận tải biển tương xứng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư