Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Ngành du lịch “khát” nhân sự: Cơ hội chuyển nghề cho hàng trăm nghìn công nhân mất việc
Nhung Bùi - 17/06/2023 08:19
 
Lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú của Việt Nam ước tính thiếu hụt 100.000 người lao động. Điều này mở ra cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp cho không ít công nhân nhà máy đã mất việc làm.

Ngành du lịch bước vào cuộc "đại tuyển dụng"

Sau giai đoạn ảnh hưởng bởi Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đang từng bước phục hồi và đối mặt với vấn đề thiếu nhân lực. Những nhân sự cốt cán của ngành-sau khi nghỉ việc, chuyển nghề dưới tác động của đại dịch, đã không quay lại làm việc, tạo nên khoảng trống cung-cầu trên thị trường lao động trong mảng du lịch.

Bà Nguyễn Thanh Bình, Phó vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết Việt Nam hiện có gần 38.000 cơ sở lưu trú với 700.000 buồng phòng, thuộc nhiều loại hình như khách sạn, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, homestay,.... Tính trung bình, tỷ lệ lao động trên một buồng phòng sẵn sàng phục vụ với công suất 70% chỉ rơi vào khoảng 0,5-0,6.

“Với sức chứa hiện nay, Việt Nam cần khoảng 460.000 người lao động trong lĩnh vục du lịch, và đang thiếu 100.000 người”, bà Nguyễn Thanh Bình chia sẻ tại Talkshow “Chuyển đổi việc làm 2023 - Cơ hội cho người lao động & doanh nghiệp” do Báo Đầu tư tổ chức.

Talkshow “Chuyển đổi việc làm 2023 - Cơ hội cho người lao động & doanh nghiệp” do Báo Đầu tư tổ chức. Ảnh: Chí Cường.

“Theo dự báo, đến 2025 chúng ta cần 800.000 lao động; năm 2030 cần gần 1 triệu người, tức là mỗi năm cần bổ sung thêm 60.000 người, đặt ra nhu cầu tuyển dụng vô cùng cao với các cơ sở lưu trú”.

Trong khi ngành du lịch, khách sạn thiếu nhân lực trầm trọng thì ở chiều ngược lại, hàng trăm nghìn lao động Việt Nam bị mất việc do ảnh hưởng của các biến động về môi trường làm việc.

Theo thống kê từ Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, số lao động bị mất việc lên tới gần 280.000 người chỉ trong vòng 5 tháng, chiếm khoảng 55% tổng số lao động bị ảnh hưởng. Trong khi đó, số lao động bị giảm giờ làm khoảng 195.000 người, hơn 17.000 người phải nghỉ việc không lương và hơn 8.300 người bị tạm hoãn hợp đồng.

Đây là những người lao động thuộc các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử.

Ông Lê Quốc Việt, Tổng giám đốc Santa Việt Nam, đơn vị sở hữu hai website tìm việc là Vieclamnhamay.vn và hoteljob.vn, tiết lộ sau khi Covid-19 chấm dứt, nền tảng hotel.vn gặp khó khăn trong vấn đề tìm nguồn ứng viên mới để đáp ứng nhu cầu của các đơn vị trong mảng nhà hàng, khách sạn trên toàn quốc.

Trái ngược với tình trạng này, website Vieclamnhamay.vn ghi nhận nhu cầu tuyển dụng các công việc trong nhà máy hiện chỉ còn 1/3 so với trước đó, trong khi hồ sơ tìm việc tăng gấp 3 lần.

Cả ông Việt và bà Bình đều đồng ý rằng chuyển đổi nguồn lao động phổ thông vốn làm việc trong nhà máy sang khu vực nhà hàng, khách sạn là một phương án khả thi trong bối cảnh hiện nay.

Chìa khóa quan trọng cho sự chuyển đổi

Thực tế không chỉ nhìn vào bức tranh cung-cầu lao động của từng ngành mà bản thân người lao động mất việc cũng có nhu cầu tìm kiếm phương án chuyển đổi nghề nghiệp.

Báo cáo khảo sát nhu cầu chuyển đổi việc làm sang ngành khách sạn, do Santa Việt Nam phối hợp với tổ chức Oxfam thực hiện trên 1.000 người lao động phổ thông, trong khoảng thời gian tháng 4 đến giữa tháng 6/2023 cho thấy 77% người lao động có nhu cầu hỗ trợ tìm việc, trong khi chỉ 23% tự thu xếp được. Trong số những công nhân nhà máy bị mất việc, có tới 41% trả lời rằng bản thân phù hợp với ngành du lịch, khách sạn; 25% dự định tự kinh doanh, và chỉ 15% muốn tiếp tục làm việc trong nhà máy.

“Chuyển đổi lao động là phương án khả thi với điều kiện người lao động phải được đào tạo”, Bà Nguyễn Thanh Bình, Phó vụ trưởng Vụ Khách sạn nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thanh Bình, Phó vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch Việt Nam. Ảnh: Chí Cường.

Theo bà Bình, để làm trong ngành du lịch, ngay cả những công việc đơn giản như dọn dẹp buồng phòng, chăm sóc cây cảnh,…cũng cần được đào tạo. Tuy nhiên ưu điểm là thời gian đào tạo cho dạng công việc này không dài, thường chỉ khoảng 1 tháng.

Bên cạnh vấn đề về kỹ năng, kiến thức, bà Bình đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố cần có của người lao động khi chuyển đổi sang mảng dịch vụ, đó là thái độ làm việc. Bà đánh giá rằng những nhân sự có tính cách nóng nảy, thiếu chỉn chu, ngại khó, ngại khổ,…sẽ không phù hợp với ngành du lịch, khách sạn. Đặc thù ngành này cần tiếp xúc nhiều với khách, cần làm việc vào các dịp lễ, tết và làm ngoài giờ hành chính khá nhiều vì các cơ sở lưu trú vận hành 24/7.

“Chỉ những ai chịu được áp lực, có thái độ tốt thì mới bước chân và ngành du lịch được”, đại diện Vụ Khách sạn khẳng định.

Đồng quan điểm với bà Bình, ông Nguyễn Hoàng Hà, đại diện ILO Việt Nam tin rằng nền tảng để người lao động nhà máy chuyển đổi sang ngành du lịch thành công là phải hiểu đặc thù của ngành, có thái độ phục vụ tốt. Nếu trước đây khi làm trong nhà máy, họ chỉ tương tác với máy móc là chính thì nay, người lao động cần các kỹ năng để phục vụ khách hàng tốt hơn. Điều này thể hiện ở khả năng lắng nghe, thấu hiếu tâm lý khách hàng, biết cách ứng xử linh hoạt, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng xử lý tình huống, khả năng kiên nhẫn, làm chủ cảm xúc bản thân,…

“Ngoài nền tảng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, khi người lao động phát triển các kỹ năng mềm như trên, họ có thể áp dụng sang nhiều ngành khác nhau chứ không chỉ riêng ngành du lịch, khách sạn”, đại diện ILO Việt Nam khẳng định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư