Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 26 tháng 12 năm 2024,
Ngành dược Việt Nam chuyển mình, dấu ấn dòng vốn SCIC
Anh Việt - 24/05/2024 11:27
 
Ngành dược Việt Nam đang có những bước tiến mạnh mẽ, trong đó các doanh nghiệp có vốn của SCIC đóng góp những gam màu sáng cho bức tranh đa sắc này.

Tìm kiếm đại dương xanh

Sau khi đạt vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực đông dược, với sự ủng hộ của các cổ đông lớn bao gồm SCIC, Daewoong (Hàn Quốc), CTCP Traphaco đã bắt tay vào triển khai tái cấu trúc với chiến lược mới "Giữ vững vị thế số 1 Đông dược - đầu tư phát triển Tân dược chất lượng cao".

Công ty tập trung vào làm mới các dòng sản phẩm đông dược hiện hữu, cho ra mắt sản phẩm cao cấp vừa gia tăng hiệu quả sử dụng vừa gia tăng giá trị sản phẩm. Doanh số nhóm này tăng trưởng mạnh năm 2023 đã chứng minh các dòng sản phẩm chất lượng cao có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Đối với thuốc tân dược, Traphaco và Daewoong thực hiện 8 giai đoạn chuyển giao công nghệ với khoảng 70 sản phẩm, thuộc các nhóm thuốc có dung lượng thị trường lớn nhất Việt Nam như điều trị tiểu đường, gan mật, huyết áp… Tính đến nay, đã có 29 sản phẩm nhận chuyển giao công nghệ ở các giai đoạn khác nhau từ nghiên cứu, đăng ký đến triển khai ra thị trường.

Đại hội cổ đông Traphaco 2024.

Thành công của chiến lược này được thể hiện ở những con số phát triển vượt bậc. Năm 2023, Traphaco bán ra thị trường 13 sản phẩm mới, doanh số vượt 19% kế hoạch. Doanh số nhóm ngoài đông dược của Traphaco tăng trưởng hơn 48% trong giai đoạn 2021-2023.

Tại Dược Hậu Giang, theo chia sẻ của ông Đoàn Đình Duy Khương, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Điều hành (COO), việc đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu sản phẩm mới luôn được Công ty ưu tiên. DHG đã đầu tư máy móc, chuẩn hóa dây chuyền sản xuất lên EU/Japan-GMP nhằm tăng cường chất lượng thuốc phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Mạng lưới phân phối của Dược Hậu Giang phát triển sâu, rộng qua các kênh Pharmacy, Hospital, kênh hiện đại với khoảng 34 chi nhánh trên toàn quốc, xuất khẩu sản phẩm trên 16 quốc gia.

2 năm liên tiếp 2022-2023, Dược Hậu Giang giữ vững vị thế trong nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận nghìn tỷ, lần lượt đạt 1.100 tỷ đồng và 1.159 tỷ đồng.

Buổi làm việc giữa SCIC, Vinapharm với đối tác chiến lược Sanofi

Làn gió mới cũng thổi đến Vinapharm, doanh nghiệp hiện có vốn góp tại 23 công ty thành viên, một cách mạnh mẽ.

Trong năm 2023, Vinapharm và các công ty con chủ động tìm kiếm, hợp tác với các đối tác tại các nước phát triển nhằm thúc đẩy phân phối sản phẩm mới, chất lượng cao tại Việt Nam.

Cụ thể, Vinapharm ký kết hai Biên bản ghi nhớ với các đối tác trong lĩnh vực dược sinh học tại Hoa Kỳ. CPC1 (công ty con của Vinapharm) ký kết Biên bản ghi nhớ với 2 đối tác Nga về phân phối các loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường, điều trị ung thư, hợp tác với AriBio (Hàn Quốc) - một trong những công ty phát triển sản phẩm về mảng công nghệ sinh học có những thành tựu công nghệ vượt trội trên toàn cầu, về kinh doanh, tiếp thị và phân phối sản phẩm tại Việt Nam sau khi được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép lưu hành.

Thúc đẩy sự nhạy bén, năng động và quyết liệt đổi mới đã đem lại hiệu quả kinh doanh vượt trội cho Vinapharm. Năm 2023, Vinapharm đạt 5.868,2 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, lợi nhuận trước thuế đạt 425 tỷ đồng, bằng 103,5% và 322,2% so với thực hiện năm 2022.

Tầm nhìn thúc đẩy sự thay đổi

Điểm chung của những doanh nghiệp trên là bề dày vài thập kỷ hoạt động, có sự am hiểu sâu sắc về ngành. Dù vậy, những hào quang quá khứ có thể trở thành điểm hạn chế gây sức ỳ nếu doanh nghiệp ngại đổi mới. Đặc biệt, khi sự thay đổi cần đi đường dài mới ra quả ngọt, đòi hỏi sự ủng hộ của các cổ đông.

Theo bà Đào Thúy Hà, Phó tổng giám đốc Traphaco, doanh nghiệp có được sự ủng hộ của các cổ đông lớn khi triển khai chiến lược mới. Trong đó, SCIC luôn xác định Traphaco là doanh nghiệp được đầu tư để phát triển bền vững và lâu dài. Cổ đông nhà nước đồng hành và hỗ trợ Traphaco thông qua người đại diện vốn trực tiếp tham gia quản trị, điều hành, tham gia quá trình hoạch định chiến lược phát triển dài hạn, trung hạn, đặc biệt là chiến lược tái cấu trúc mới với nhiều thay đổi đột phá, giúp doanh nghiệp phát huy được các giá trị truyền thống, đồng thời có thay đổi phù hợp với thị trường.

Ông Đoàn Đình Duy Khương cũng cho rằng, sự tham gia của SCIC trong doanh nghiệp là rất quan trọng, cân bằng vai trò của đối tác nước ngoài và nhà nước trong doanh nghiệp, tham gia xây dựng chiến lược dài hạn cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản trị, từ đó giúp phát triển ngành y tế Việt Nam ngày càng phát triển và hoàn thiện hơn.

Việc các doanh nghiệp như Dược Hậu Giang, Traphaco hay các công ty có vốn góp của Vinapharm mạnh tay đầu tư cho R&D là xu hướng đáng khích lệ của ngành dược Việt Nam, được kỳ vọng đem đến nhiều sản phẩm và giải pháp chăm sóc sức khỏe chất lượng cho người dân trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, đây là cuộc chơi không đơn giản, yêu cầu kinh phí đầu tư lớn và mất nhiều thời gian để hoàn thành, đặc biệt là đối với những dự án phức tạp. Do đó, cổ đông phải có tầm nhìn xa để thúc đẩy và ủng hộ ban điều hành tại các doanh nghiệp.

Hiện SCIC đang nắm giữ phần vốn trực tiếp/gián tiếp tại các doanh nghiệp dược có thương hiệu, uy tín trên thị trường Việt Nam (Vinapharm, Dược Hậu Giang, Sanofi, Traphaco, Imexpharm, Domesco…). Bà Hàn Thị Khánh Vinh, Tổng giám đốc Vinapharm, kỳ vọng, là nhà đầu tư Chính phủ, SCIC sẽ có những kiến nghị, đề xuất đối với các cơ quan quản lý để tiếp tục hoàn thiện về thể chế, pháp luật về sản xuất, kinh doanh, cung ứng, phân phối dược phẩm. Đơn cử như việc rút ngắn thời hạn cấp, gia hạn hoặc thay đổi, bổ sung Giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc…

Quả ngọt cho các bên liên quan

Tại kỳ họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của 3 doanh nghiệp trên, cổ đông trong và ngoài nước đều có những đánh giá rất tích cực. Ngoài năng lực cạnh tranh cốt lõi được cải thiện, lương thưởng người lao động gia tăng, cổ tức trả cho cổ đông cũng tăng trưởng. Cụ thể, tại Dược Hậu Giang, tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2023 lên tới 75%, tại Traphaco là 40%, tại Vinapharm là 7%.

Như vậy, cổ đông nhà nước không chỉ có thêm cổ tức mà những chuyển động xu thế tại các doanh nghiệp trên đang góp phần làm gia tăng giá trị cổ phiếu doanh nghiệp, gia tăng giá trị phần vốn nhà nước mà SCIC đang quản lý.

“Sự cạnh tranh của một công ty dược phẩm không khác biệt lớn với khả năng Nghiên cứu và Phát triển của nó. Để thực hiện điều này, chúng tôi sẵn lòng hỗ trợ tối đa bằng mọi cách có thể cho công ty”, thông điệp mà ông Chung Ji Kwang, Chủ tịch Traphaco, chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên 2024 của Công ty đã khẳng định sự thống nhất và tầm nhìn nhất quán của các cổ đông thúc đẩy doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ và bền vững. Đây cũng là mục tiêu mà SCIC luôn chú trọng thực hiện tại các doanh nghiệp có vốn góp của Tổng công ty.

SCIC sẽ trở thành tổ chức đầu tư tài chính có quy mô hàng đầu tại Việt Nam
Đó là mục tiêu trong Chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035; Kế hoạch kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển đến năm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư