Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 21 tháng 06 năm 2024,
Ngành tài chính - kế toán chuyển đổi mạnh mẽ từ “làn gió mới” công nghệ
Hưng Anh - 03/06/2024 08:15
 
Nằm trong chuỗi sự kiện của Diễn đàn ACCA châu Á - Thái Bình Dương, chủ đề “Công nghệ đã làm thay đổi như thế nào ngành tài chính - kế toán” thu hút sự quan tâm của nhiều diễn giả đến từ các quốc gia trên thế giới.
Diễn đàn ACCA châu Á - Thái Bình Dương 2024, diễn ra ngày 28 - 29/5/2024

Công nghệ làm thay đổi toàn diện việc dạy và học kế toán

“Công nghệ được ví như cuộc cách mạng làm thay đổi toàn diện việc học và dạy”, ông Pulkit Abrol, Giám đốc khu vực ACCA châu Á - Thái Bình Dương mở đầu cuộc thảo luận.

Đến từ Trường đại học Quản lý Singapore, PGS-TS Yuanto Kusnadi cho biết: “Trường chúng tôi hiện có 8.000 sinh viên học trực tiếp và 15.000 - 20.000 sinh viên học từ xa. Nhờ công nghệ, sinh viên đến từ các quốc gia vẫn được học tập các chương trình của Trường đại học Quản lý Singapore. Đó là điều vô cùng tuyệt vời mà công nghệ mang lại”.

Trước câu hỏi “ChatGPT và trí tuệ nhân tạo ảnh hưởng như thế nào với sinh viên của trường?”, TS. Nuwan Gunarathne, Đại học Sri Jayewardenepura (Sri Lanka) cho biết: “ChatGPT và trí tuệ nhân tạo đã mang đến nhiều thay đổi trong việc giảng dạy của chúng tôi và việc học của sinh viên. Chúng tôi phải học tập để thích ứng với sự thay đổi này và sử dụng công nghệ vào việc nghiên cứu cũng như trong hệ thống kiểm tra, đánh giá. Một số thuật toán đã thay đổi để trí tuệ nhân tạo thao tác được như là phân tích hay tổng hợp kết quả”.

Đánh giá sinh viên, PGS-TS Yuanto Kusnadi cũng như TS. Nuwan Gunarathne đều nhìn nhận, các em tiếp nhận bài học một cách chủ động hơn, thú vị hơn, từ đó có nhiều vấn đề để trao đổi với giảng viên hơn.

Ngành tài chính, ngân hàng được tiếp cận khoa học, thú vị hơn Với ngành tài chính - ngân hàng, công nghệ số có vai trò ra sao, các trường áp dụng như thế nào là điều mà hơn 500 đại biểu đến từ các quốc gia quan tâm tại Diễn đàn ACCA châu Á - Thái Bình Dương.

PGS-TS Budi Waluyo, Phó giám đốc Công tác sinh viên (Trường đại học Polytechnic of State Finance (STAN) của Indonesia cho biết: “Trước đây, giáo viên nói về kế toán trong suốt 60 phút học và thực tế là sinh viên rất chán, thậm chí có em ngủ gật trên lớp. Hiện nay,  yêu cầu sinh viên đeo tai nghe, học về nguyên tác kế toán và các em sẽ cùng nhau xem cái gì thực sự ẩn đằng sau những con số đó. Chúng tôi đặt sinh viên vào thế chủ động và các em thấy hấp dẫn hơn, có trách nhiệm với việc học hơn và thích tìm hiểu cũng như trao đổi với giảng viên hơn”.

Nhờ công nghệ số mà sinh viên có thể tạo được ra các doanh nghiệp ảo của mình và áp dụng vào việc học thực tế, tính toán các con số cụ thể như thật. Cách học mới này thật sự thú vị và các em đón nhận trong sự hào hứng, chứ không nhàm chán như trước đây.

- TS. Maredi Lamet, Trường đại học Anh quốc Việt Nam (BUV)

Vẫn là các con số đặc thù của chuyên ngành tài chính - kế toán, nhưng sinh viên học theo hình thức khác. Ví dụ, Tập đoàn Adidas có các con số biến động theo từng thời kỳ, các em phải đặt mình vào vị trí ban quản trị tập đoàn để đưa ra những phương án, cách làm mới để tối ưu hoá lợi nhuận…

Đối với sinh viên Trường đại học Anh quốc Việt Nam, TS. Maredi Lamet chia sẻ, có nhiều mô hình thực tế được xây dựng để thu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên chuyên ngành tài chính, kế toán, ngân hàng. Với sự hỗ trợ của công nghệ, sinh viên hoàn toàn có thể làm chủ các trang trại bò sữa, tự nghiên cứu đầu ra, đầu vào của thực phẩm để đạt các điểm lợi nhuận.

Bền vững là xu hướng trong tương lai

Các giáo sư đặc biệt nhấn mạnh thuật ngữ “bền vững” và xác định đó là một xu hướng bắt buộc và phải tích hợp với công nghệ số. Các kế toán viên trong tương lai, ngoài việc nắm vững kiến thức chuyên ngành, phải biết vận dụng công nghệ số một cách bền vững để có thể làm tốt công việc của mình.

“Bên cạnh kỹ năng chuyên môn, phát triển kỹ năng mềm, sinh viên phải được đào tạo để biết cách trình bày, phát biểu trước công chúng… Sự chuyên nghiệp mang tính bền vững phải được đưa vào giảng dạy trong nhà trường để các em vững vàng khi rời ghế giảng đường”, PGS-TS Yuanto Kusnadi nhấn mạnh.

Để làm tốt điều này, theo ông, phải coi nhà trường như một doanh nghiệp để để sinh viên lên tiếng với những vấn đề của doanh nghiệp. Chúng ta sẽ tạo thế 3 bên: sinh viên - giáo viên - khách hàng, đồng thời ngồi lại với nhau để đưa ra giải pháp nhằm mang lại lợi ích cho mọi người.

Trong khi đó, theo TS. Nuwan Gunarathne, tính bền vững chắc chắn là xu thế trong tương lai, vì đây là điều các doanh nghiệp hướng đến và là cái gốc của sự thành công. Trong đó, những người làm chuyên ngành kế toán, tài chính phải là những người tiên phong vì họ giữ vị trí vô cùng quan trọng trong doanh nghiệp đó.

Ý kiến đánh giá của các chuyên gia nhận được sự đồng tình của đại diện đến từ các quốc gia khác. Công nghệ mang đến một cuộc cách mạng, nhưng con người vẫn giữ vai trò làm chủ và điều khiển công nghệ phục vụ mình.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư