Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 10 tháng 09 năm 2024,
Ngành than tích cực khắc phục hậu quả bão Yagi để quay lại sản xuất bình thường
Thanh Hương - 10/09/2024 14:41
 
Với tinh thần chủ động, tự lo là chính, các hoạt động khắc phục bão lũ của TKV đang được triển khai khẩn trương. Dù vậy, vẫn cần thêm thời gian để doanh nghiệp trở lại hoạt động sản xuất bình thường.

Dọn dẹp cây xanh bị gãy đổ trong bão để thông thoáng đường lên khai trường lộ thiên. Không tiếc tiền mua dầu để chạy máy phát điện phục vụ thông khí và bơm nước tại các mỏ hầm lò. Động viên tinh thần, chăm lo đầy đủ 3 bữa ăn cho thợ mỏ phải nghỉ làm… Những việc làm cụ thể và thiết thực đang được triển khai tại các đơn vị thuộc TKV tại Quảng Ninh để có thể bắt tay ngay vào sản xuất khi có điện lưới, nhằm nhanh chóng ổn định hoạt động của đơn vị hậu bão Yagi.

3 tại chỗ, 4 sẵn sàng vì mục tiêu sản xuất bình thường

Có mặt tại Trung tâm Điều hành sản xuất của TKV tại TP. Hạ Long, Quảng Ninh vào giữa sáng ngày 9/9, trong không khí làm việc của ngày bình thường có thêm tiếng nổ ì ầm của máy phát điện, tiếng cưa, tiếng dao chặt để chia nhỏ các cành cây bị gãy cho dễ vận chuyển, tiếng nhắc nhở nhau của các nhân viên đang dọn dẹp cành cây gãy, mái ngói, mái tôn bay theo gió bị cuốn về ngổn ngang ở ngoài sân và khu vực xung quanh.

Dọn dẹp cây đổ trong sân Khu điều hành sản xuất của TKV tại TP. Hạ Long. 

Bởi điện lưới vẫn chưa được khôi phục lại được và sóng điện thoại rất phập phù tại nhiều nơi nên thông tin liên lạc giữa các đơn vị thành viên và Trung tâm Điều hành sản xuất TKV ngoài điện thoại mà “lúc được lúc không” còn phải sử dụng cả ô tô, xe máy hay “căng hải” để tới đối mặt với nhau.

“Ngồi cách phòng hay tầng trên tầng dưới nhưng không thể alo hay gọi điện thoại được mà phải chạy đến tận nơi trao đổi” là tình hình chung kể từ khoảng 10g ngày 7/9, khi điện lưới bị cắt, sóng điện thoại kém do cơn bão số Yagi đổ bộ vào đất liền mà Quảng Ninh là địa phương đầu tiên bão cập bờ.

Ở vùng sản xuất than tập trung, tại Quảng Ninh, TKV có 3 đơn vị khai thác than lộ thiên và 16 đơn vị khai thác than hầm lò. Số lượng cán bộ nhân viên, người lao động của TKV tại Quảng Ninh ước tính khoảng 80.000 người, trong đó thợ lò chiếm khoảng 2/3.

Sáng 8/9, ngay sau khi cơn bão đi qua, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Ngô Hoàng Ngân (đứng thứ 5 từ phải sang) đã chỉ đạo kiểm tra khắc phục hậu quả của bão số 3 tại các đơn vị và sớm đưa sản xuất ổn định trở lại.

Là một doanh nghiệp Nhà nước lớn, hoạt động trong lĩnh vực năng lượng lâu năm, quy mô lớn và tính chuyên nghiệp cao, TKV cũng được xem là có nhiều kinh nghiệm trong ứng phó với thiên tai mưa bão hàng năm.

Bởi vậy, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 và cảnh báo của cơ quan khí tượng thuỷ văn, thực hiện công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia, các bộ, ngành và tỉnh Quảng Ninh về phòng chống bão số 3, ngày 4/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn TKV đã ban hành công điện về việc chủ động, tập trung ứng phó với bão số 3 và mưa lớn.

Đồng thời, Tập đoàn đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống, ứng phó với cơn bão số 3 tại các đơn vị; phân công các đồng chí lãnh đạo Tập đoàn cùng cán bộ các Ban chuyên môn trực 24/24h tại Trung tâm Điều hành sản xuất tại Quảng Ninh và Trụ sở TKV tại số 3 Dương Đình Nghệ (Hà Nội) trong các ngày 6, 7, 8/9 để chỉ đạo, ứng phó bão số 3 cũng như kiểm tra, chỉ đạo tại các đơn vị.

Tổng giám đốc Tập đoàn Đặng Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Phan Xuân Thủy và Nguyễn Huy Nam cùng các Ban chuyên môn, Văn phòng Tập đoàn cũng đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại Công ty cổ phần Than Vàng Danh, các đơn vị sản xuất vùng Uông Bí - Đông Triều, Hạ Long và Cẩm Phả.

 Phó tổng giám đốc TKV Vũ Anh Tuấn (đội mũ xanh) đang kiểm tra thực địa khai trương khai thác than lộ thiên sau khi bão qua.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư tại Trung tâm Điều hành sản xuất ở Quảng Ninh sáng ngày 9/9, ông Vũ Anh Tuấn, Phó tổng Giám đốc TKV, Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TKV cho biết, hiện chưa thể thống kê được hết thiệt hại vì chưa thể kiểm đếm, đánh giá, tổng hợp được thiệt hại do thông tin liên lạc chưa thông suốt và điện lưới chưa có để quan sát toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài dừng sản xuất vì chưa có điện lưới nhưng vẫn phải chạy máy phát để bơm hút nước nhằm ngăn không cho ngập nước cũng như thông khí thì còn chuyện cây xanh gãy đổ phải dọn dẹp và các hư hỏng của đường sá, nhà cửa hay trang thiết bị phục vụ sản xuất chưa kiểm kê được do ảnh hưởng của bão quá lớn.

“Dù chưa có điện lưới để sản xuất trở lại nhưng các đơn vị hầm lò của TKV vẫn phải chạy máy phát để bơm hút nước ra ngoài nhằm tránh ngập nước trong mỏ và phục vụ việc thông gió thoáng khí. Ước tính chi phí tiền dầu để phục vụ các hoạt động này của TKV cũng từ 11-13 tỷ đồng/ngày”, ông Tuấn nói.

Vẫn theo lãnh đạo TKV, TKV đã mời lãnh đạo Công ty Điện lực Quảng Ninh sang làm việc với tinh thần sẵn sàng mang cả người và thiết bị để hỗ trợ ngành điện trong quá trình xử lý sự cố do bão gây ra, nhằm nhanh chóng cấp lại điện lưới.

Hiện đã có vài tổ công tác cơ động kèm theo máy móc của TKV đi cùng ngành điện để hỗ trợ xử lý hậu quả bão Yagi.

Với thực tế doanh thu hàng năm của TKV là khoảng 150.000 tỷ đồng, trong đó ở khu vực Quảng Ninh là cỡ 100.000 tỷ đồng/năm, việc sớm khôi phục lại sản xuất sớm ngày nào là mong chờ cấp thiết của TKV và các đơn vị.

Khai thác lộ thiên dần trở lại nhịp bình thường

Khai trường của Công ty cổ phần Than Đèo Nai - Cọc Sáu TKV trong sáng 9/9 đã lại vang vọng tiếng máy.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Trưởng phòng Kỹ thuật Công nghệ Mỏ (KCM) cho biết, trước khi bão đến, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của cấp trên, lập phương án phòng chống bão, lập lịch trực 24/24. Trên khai trường đều có bố trí trực tại các khu vực thiết yếu.

hệ thống thoát nước của khai trường Công ty Than Đèo Nai - Cọc Sáu TKV chưa phải vận hành nhiều vì lượng mưa do bão gây ra tới trưa ngày 9/9 không lớn, dưới 100 mm
Hệ thống thoát nước của khai trường Công ty Than Đèo Nai - Cọc Sáu TKV chưa phải vận hành nhiều vì lượng mưa do bão gây ra tới trưa ngày 9/9 không lớn, dưới 100 mm.

“Là khe trường khai thác than lộ thiên, vấn đề lo ngại nhất là thoát nước và lo ngập moong khai thác. Tuy nhiên bão số 3 dù có gió mạnh chưa từng thấy nhưng lượng mưa lại nhỏ, chỉ khoảng 100 mm nên ảnh hưởng về nước và nước lũ hiện không có. Lo nhất là sau bão nếu mưa lớn thì phải thêm sức để xử lý”, ông Vinh cho hay.

Dẫu vậy, ảnh hưởng do gió bão nên mái tôn của toàn bộ khu vực văn phòng trên khai trường bị bay hết cùng với đổ tường, sập trần. Có khoảng 30 đơn vị gặp tình trạng này.

Ngoài ra, lượng cây xanh gẫy đổ khá lớn, ước tính ảnh hưởng trên diện tích 500 ha, bao gồm cây trồng ở mặt bằng công nghiệp, tại các bãi thải đã hoàn nguyên và trên tuyến đường đi lên mỏ.

Cũng có khoảng 50 phương tiện ô tô máy xúc bị vỡ kính vì bị va chạm dưới tác động của gió quá lớn.

 Cây xanh bị gió bão quật đổ dọc đường lên khai trường và bãi thải đã hoàn nguyên sẽ cần nhiều thời gian để cắt tỉa và dọn dẹp phòng, chống cháy rừng.

Với tinh thần khẩn trương, ngay sáng 8/9, Công ty đã họp các ban chủ chốt, thành lập 4 tổ công tác khắc phục hậu quả với công trình kiến trúc, nhà xưởng, tần khai thác - cơ điện vận tải, thông tin liên lạc – cây xanh…

Tới hết ca 1 ngày 8/9, đường lên khai trường của Công ty cổ phần Than Đèo Nai – Cọc Sáu TKV đã được thông. Bước vào ngày làm việc thứ Hai, 9/9, phần sản xuất nào lộ thiên thì cũng đã vào làm việc được trở lại bình thường, công nhân cơ bản đã đi làm và đã có việc ngay.

Khoảng 4.000 cán bộ, công nhân viên của Công ty đã đi làm trở lại.

Tuy nhiên do chưa có điện lưới và toàn công ty chỉ có khoảng 7 máy phát điện nên cũng không phục được hết các hoạt động bình thường.

Văn phòng điều hành của Công ty ở TP. Cẩm Phả vẫn chưa có điện lưới nên phải dùng máy phát để duy trì hoạt động. Số máy phát còn lại được tập trung cho các cơ sở sửa chữa để khắc phục các hư hỏng của trang thiết bị và bếp ăn.

Trên khai trường, các đơn vị điều hành cũng phải dồn phần lớn về khu vực nhà ăn cách nơi khai thác khoảng 10 km để có nơi làm việc an toàn trong khi chờ đợi khắc phục cơ sở vật chất.

Cơm trưa nóng sốt tại Văn phòng Công ty
Cơm trưa nóng sốt tại văn phòng Công ty.

Cũng nhờ có máy phát hoạt động liên tục mà việc nấu cơm của nhà bếp để phục vụ người lao động được duy trì ổn định, góp sức để cán bộ công nhân viên xử lý hậu quả sau bão lũ và làm việc.

Ông Vinh cho hay, công việc hiện nay là ổn định vị trí các nhà điều hành để điều hành ca kíp hoạt động sản xuất. Cũng do chưa có điện lưới và sóng điện thoại đa phần không có nên việc kết nối thông tin không thông suốt như bình thường.

“Muốn báo cáo, trao đổi các công việc đều phải cử người đi tới tận nơi để trao đổi chứ không alo nhanh tiện như bình thường được”, ông này cho biết.

Được biết, tại vùng Quảng Ninh, các đơn vị sản xuất lộ thiên đã quay lại sản xuất khoảng 70%.

“Chúng em muốn đi làm”

Chung cư Cẩm Đông của Công ty Than Hạ Long TKV tại TP. Cẩm Phả ồn ã trong tiếng nổ giòn giã của máy phát điện công suất 1.000 KVA và tiếng í ới của những người đến thu dọn cây đổ, là rụng cùng gạch đá tôn bay từ nơi khác đến.

Cũng như những người đang thu dọn bãi chiến trường ngổn ngang do bão Yagi mang lại tại Trung tâm điều hành của TKV tại Quảng Ninh ở Hạ Long, những phụ nữ đang thu dọn vệ sinh ở Chung cư Cẩm Đông này cũng chưa kịp dọn xong nhà mình sau bão nhưng vẫn đi làm.

 Chưa kịp dọn nhà mình nhưng vẫn đi làm dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ cho công ty.

“Trẻ con nghỉ học tự trông nhau thôi để bố mẹ còn đi làm, tranh thủ làm xong để còn về nấu cơm cho con vì điện mất, trẻ con không tự nấu được cơm. May mà nhà có bếp ga và bếp than tổ ong nên vẫn đỏ lửa để ấm bụng” - là chia sẻ chung của rất nhiều người phụ nữ trong công ty môi trường của ngành than.

Anh Đinh Anh Tuấn, quản lý máy phát điện tại Chung cư Cẩm Đông cho hay, mỗi giờ chạy máy hết khoảng 140 lít dầu, Để phục vụ nhu cầu cầu của khoảng 500 thợ hầm lò đang sinh sống tại khu chung cư, chiếc máy phát điện công suất lớn này đã được huy động làm việc liên tục và chỉ đôi lúc nghỉ để đỡ nóng.

Máy phát điện chạy gần như liên tục để đảm bảo thợ lò nghỉ ngơi có quạt, có điều hoà. 

Không chỉ có đủ điện chạy quát mát, thậm chí bật được điều hoà, Công ty Than Hạ Long cũng đã chạy đôn đáo để mua thêm 300 m3 nước sạch phục vụ sinh hoạt cho anh em thợ lò từ ngày 9/9.

Trước đó, từ tối thứ 6, (6/9), các hoạt động sản xuất của công ty đã dừng để tránh bão và hiện tại vẫn chưa thể tái lập lại do chưa có điện lưới, ngoại trừ hoạt động bơm nước và thông khí với sự trợ giúp của máy phát điện.

Ba thợ hầm lò đến từ Hà Giang là Giàng Vần Vư, Giàng Mý Tệch, Vàng A Tùng (từ phải sang) rất mong được sớm đi làm trở lại.

Trong căn phòng chung cư khoảng 20 m2 có 3 thợ mỏ đến từ Hà Giang là Giàng Vần Vư (38 tuổi), Giàng Mý Tệnh (23 tuổi), Vàng A Tùng (24 tuổi) đang nghỉ ngơi và lướt điện thoại dù chập chờn lúc có mạng lúc không.

Thợ lò Giàng Vần Vư, người dân tộc Mông tâm sự, mỗi tháng làm khoảng 24 công thì thu nhập được tầm 22-23 triệu đồng. Số tiền này đa phần được gửi về quê cho vợ và 3 con.

Wifi và hành lang vẫn sáng đèn do Công ty chạy máy phát để đảm bảo đời sống cho người lai động
Wifi và hành lang vẫn sáng đèn do Công ty chạy máy phát để đảm bảo đời sống cho người lao động.

“Bão, mất điện không đi làm được sốt ruột lắm. Nằm không mấy ngày dù có điện để chạy quạt mát, có cơm ăn no không phải nghĩ nhưng buồn bực chân tay. Có lúc gọi được điện về nhà thì cũng yên tâm vì mọi người đều ổn cả”, Giàng Vần Vư chia sẻ.

Cũng trăn trở câu hỏi “bao giờ chúng em được đi làm”, Giàng Mý Tệnh mới có con nhỏ 7 tháng tuổi chia sẻ, đi làm thì có thu nhập, nằm không, ngồi không không biết làm gì cho hết ngày, người mỏi lắm.

Mỗi tháng làm việc bình thường, Giàng Mý Tệnh có thu nhập khoảng 22-23 triệu đồng, tháng cao nhất là 25 triệu đồng. Mức thu nhập này cũng được người thợ lò trẻ tuổi này xem là cao hơn so với nhiều công ty khác nên vẫn đang không ngừng cống hiến.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông  Đỗ Văn Hùng, Chủ tịch công đoàn Công ty Than Hạ Long cho biết, dù chưa có điện lưới để tái lập sản xuất lại nhưng công ty vẫn chạy máy phát hàng ngày để bơm nước, thông khí trong hầm lò.

Mỗi ngày, riêng chi phí tiền dầu cho công đoạn này mất khoảng 800 triệu đồng. Tốc độ bơm nước ở mỏ hiện nay của công ty là khoảng 2.000 m3/giờ.

Mua nước sạch về cấp cho người lao động trong chung cư. 

“Quan điểm của lãnh đạo công ty là 800 triệu đồng cũng chấp nhận vì nếu không bơm nước liên tục trong mỏ thì sẽ dẫn tới khả năng ngập trong mỏ, tức là điều kiện kỹ thuật không đảm bảo để tái lập nhanh được hoạt động sản xuất khi điện lưới có lại bình thường. Như vậy, thiệt hại còn mất nhiều hơn sau này”, ông Hùng nói.

Là đơn vị khai thác hầm lò với sản lượng khoảng 1,8 triệu tấn/năm, hiện Công ty Than Hạ Long có khoảng 2.100 thợ hầm lò trong tổng số 3.700 người lao động. Hiện tại để phục vụ bơm nước và thông thổi khí, công ty huy động khoảng 270 thợ lò. Số thợ lò còn lại đang nghỉ.

Tại Chung cư Cẩm Đông có khoảng 500 thợ lò và Chung cư tại Quang Hanh có khoảng 300 thợ lò sinh sống tập trung, còn lại anh em ở nhà hoặc ở trọ bên ngoài. Do Chung cư bên Quang Hanh đã có điện trở lại nên chỉ phải lo cho khu vực Cẩm Đông tại TP. Cẩm Phả - được xem là khu vực bị tàn phá nặng nhất trong bão Yagi.

“Chung cư của công ty chạy máy phát điện để phục vụ nấu ăn, quạt mát và điều hoà nhiệt độ cho người lao động. Chúng tôi cũng đã tìm nhiều cách để mua được nước sạch, bơm lên tec cho anh em dùng. Công ty cũng mở cửa và kêu gọi các anh em thợ lò của công ty đang sống bên ngoài vào mua vé bếp ăn tập thể trong chung cư để không phải vạ vật lo chuyện ăn uống những ngày nhịp sống bên ngoài chưa được khôi phục lại do mất điện, mất nước. Có nhiều người khi vào ăn cũng tranh thủ mang điện thoại và quạt vào sạc đầy để có cái dùng”, ông Hùng chia sẻ.

Ngoài số người lao động ở tập trung tại hai chung cư, trước bão Công ty cũng đã rà soát kỹ tình hình các gia đình người lao động còn lại và đã có động viên thăm hỏi kịp thời với một số gia đình gặp khó khăn ngay sau khi bão đi qua để sớm trở lại cuộc sống bình thường.

“Rất mong các cấp chính quyền và ngành điện ưu tiên cho ngành than để cấp điện, cấp nước sớm trở lại như bình thường, phục vụ hoạt động sản xuất, khai thác than”, ông Hùng nói.

Hiện tại đang là mùa mưa lũ, hệ thống điện quốc gia đang huy động tối đa các nguồn điện thuỷ điện để tận dụng của trời cho nên áp lực lo than cho điện không quá căng thẳng như cao điểm mùa khô hồi tháng 4, tháng 5. Ngoài ra ngành than cũng đã có sự chuẩn bị trước trong khai thác và lượng than dự trữ để ứng phó với việc giảm sản xuất trong mùa mưa bão thường kỳ.

Với tinh thần chủ động, tự lo là chính, các hoạt động khắc phục bão lũ của TKV đang được triển khai nhanh chóng, khẩn trương, nhịp nhàng. Dù vậy, mong muốn được nhanh trở lại sản xuất như bình thường để đóng góp cho xã hội, giảm bớt áp lực gia tăng chi phí phát sinh là nhu cầu thiết thực.

“TKV ­- với tư cách là Tập đoàn Nhà nước, là một trong ba trụ cột năng lượng của quốc gia cũng đã và đang chung tay tích cực trong việc hỗ trợ ngành điện và chính quyền địa phương sở tại để sớm quay trở lại nhịp sống bình thường”, Phó tổng giám đốc TKV Vũ Anh Tuấn chia sẻ.

Có sự chung tay chuyên nghiệp của TKV, những câu hỏi “bao giờ chúng em được đi làm” của những người thợ lò như Giàng Vần Vư, Giàng Mý Tệnh, Vàng A Tùng chắc chắn sẽ nhanh có câu hồi đáp.
Lãnh đạo TKV kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại các đơn vị
Đoàn kiểm tra của TKV về công tác phòng chống, ứng phó với bão số 3 và mưa lớn đã thị sát tại một số đơn vị, khu vực trọng điểm vùng Cẩm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư