Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ngành thép không muốn bị phân biệt đối xử về giá điện
Thanh Hương - 05/07/2013 13:11
 
Các doanh nghiệp thép lại tiếp tục phản đối kịch liệt về Dự thảo Quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được Bộ Công thương đưa ra gần đây, trong khi Cục Điều tiết Điện lực cho hay, đây mới là dự thảo để lấy ý kiến.

Tại cuộc họp của các doanh nghiệp sản xuất thép của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhiều doanh nghiệp thép đã rất bức xúc khi Bộ Công thương dự tính đưa giá điện cho ngành thép và xi măng cao hơn các ngành sản xuất khác và quy định riêng.

Ông Trần Ngọc Chu, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tôn Hoa Sen cho hay, việc đưa ra Dự thảo giá điện phân biệt đối xử với thép với lý do tiêu thụ điện năng nhiều khiến doanh nghiệp không thể hiểu được.

Doanh nghiệp thép đề nghị Bộ Công thương có sự bình đẳng về giá điện giữa các doanh nghiệp sản xuất

"Chúng tôi đề nghị Bộ Công thương có sự bình đẳng về giá điện giữa các doanh nghiệp sản xuất. Việt Nam hiện đã là nền kinh tế thị trường, vì vậy sự phân biệt đối xử như vậy là không tốt lắm", ông Chu nói.

Cũng không đồng tình về sự phân biệt đối xử này, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA cho hay, cần phải tính đủ giá điện cho các ngành sản xuất và áp dụng chung chứ không thể phân biệt đối xử với sản xuất thép và xi măng.

Trên thực tế, có những doanh nghiệp thép như Vina Kyoei hay Thép Việt đã đầu tư các lò điện luyện thép hiện đại, ở mức công suất 120 tấn/mẻ, tiêu hao điện năng tương đương với mức của thế giới là khoảng 450 kWh/tấn. Hiện các đầu tư này mới đưa vào vận hành, doanh nghiệp đang phải chịu nhiều khó khăn do đúng lúc thị trường đi xuống, trong khi chi phí vận hành, khấu hao lớn.

Vì vậy nếu phải áp giá điện riêng nữa thì các doanh nghiệp đầu tư sâu cho sản xuất công nghiệp cơ bản càng gặp nhiều khó khăn. “Hiệp hội sẽ chính thức kiến nghị tới Chính phủ về sự phân biệt giá điện cho ngành thép và muốn được đối xử bình đẳng”, ông Cường cho biết.

Chia sẻ nỗi băn khoăn này của các doanh nghiệp, ông Bùi Quang Chuyện, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) cho hay, năm 2011, lượng điện tiêu thụ của ngành thép và xi măng là 11-12% tổng sản lượng điện của cả nước. Trong đó xi măng chiếm 64%. Bộ cũng không mong muốn có giá điện riêng, nhất là thép và xi măng được xem là bánh mì của ngành công nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thép cũng cần phải cải tiến công nghệ để giảm tiêu hao điện năng.

Ông Chuyện cũng cho hay, số liệu cập nhật mới nhất vào tháng 6/2013 cho thấy, tiêu thụ điện của lò điện hồ quan đang ở mức 550 kWh/tấn, vẫn còn cao so với mức trung bình 400 kWh/tấn ở các nước khác. Nghĩa là vẫn có những doanh nghiệp luyện phôi tốn nhiều điện cho sản xuất hơn bình thường.

Mặt khác, quyết định 694/QĐ-BCT phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối thép giai đoạn đến 2020 cũng đặt ra yêu cầu, các dự án sản xuất thép bằng lò điện do tiêu thụ nhiều điện năng, vì vậy trước khi cấp phép đầu tư Chủ đầu tư cần có thoả thuận của ngành điện nơi đặt nhà máy luyện thép để đảm bảo nguồn điện.

Hiện chi phí điện cho sản xuất thép từ lò điện hồ quang chiếm khoảng 6% giá thành, còn cán thép thì chỉ khoảng 1%.

Đáng nói là dù ngày có hiệu lực được nêu ra trong dự thảo là 1/7/2013 nhưng tới tận hôm nay, ngày 4/7/2013, Dự thảo về cơ cấu biểu giá điện này vẫn còn trong diện “đang lấy ý kiến đóng góp” tại trang chủ của Bộ Công thương.

Ông Đinh Thế Phúc, Cục phó Cục Điều tiết Điện lực cho hay, đây mới chỉ là dự thảo để lấy ý kiến đóng góp của các hộ sử dụng điện theo đúng trình tự ban hành văn bản, trước khi có văn bản chính thức trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Cũng chia sẻ thực tế về các lò luyện thép có công nghệ lạc hậu, tốn điện, ông Cường cho hay, giá điện khi tính đúng, tính đủ có thể tăng nhưng nên bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Mặt khác, việc tăng giá điện này sẽ giúp loại bỏ chính những lò điện công nghệ cũ, tiêu tốn điện năng.

Năm ngoài, Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hiệp quốc (UNIDO) năm ngoái đã phối hợp cùng VSA khảo sát 18 doanh nghiệp có hoạt động luyện thép và đưa ra những kiến nghị để các doanh nghiệp bố trí lại hoạt động, nhằm giảm tiêu hao điện năng trong quá trình luyện thép.

“Nếu các doanh nghiệp làm theo các báo cáo đề xuất này có thể giảm 10% lượng điện tiêu thụ mỗi năm và tiệm cận được mức 450 kWh/tấn, mức tiên tiến trong ngành thép thế giới”, ông Cường cho hay.

Dẫu vậy, theo VSA, có thực tế là một số địa phương vẫn tiếp tục cấp phép cho các lò luyện thép cao tần, công nghệ cũ, nhập khẩu từ Trung Quốc, tốn nhiều điện, tới 700 kWh/tấn. Các lò cao tần này lại không cần nguyên liệu đầu vào tuyển chọn kỹ nên cho ra sản phẩm chất lượng không cao, có thể bán với giá rẻ, quay lại cạnh tranh với sản phẩm đạt chuẩn của các nhà máy đầu tư hiện đại, tiêu thụ điện ít.

Vì vậy các biện pháp để tiết kiệm điện trong ngành thép cần phải được truyền thông rộng rãi tới cả các cơ quan cấp phép, bởi theo ông Cường, có cả Đại biểu Quốc hội là doanh nghiệp ở địa phương có nhiều nhà máy thép cũng còn đầu tư lò cao tần, tốn điện.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư