Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 18 tháng 09 năm 2024,
Ngập ngừng đầu tư ra nước ngoài
Hà Nguyễn - 06/08/2024 09:47
 
Vốn đầu tư ra nước ngoài đang chậm lại, nhưng đó chỉ là vấn đề thời điểm. Nhiều nhà đầu tư lớn vẫn kinh doanh tốt ở thị trường nước ngoài và lên kế hoạch tăng tốc tìm kiếm cơ hội ở thị trường quốc tế.
Mặc dù là nhà mạng non trẻ nhất tại Myanmar, nhưng Mytel đã khẳng định được vị thế của mình
Mặc dù là nhà mạng non trẻ nhất tại Myanmar, nhưng Mytel đã khẳng định được vị thế của mình

Trái ngọt từ các quyết định đầu tư táo bạo

Tổng công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024. Theo đó, công ty này đã đạt kết quả kinh doanh ấn tượng, với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt gần 8.700 tỷ đồng, tăng 27% so với quý II/2023. Đây cũng là quý có doanh thu cao nhất từ trước tới nay của Viettel Global.

Đặc biệt, trong quý này, cả 9 công ty mà Viettel Global đầu tư ở nước ngoài đều đạt mức tăng trưởng cao. Chẳng hạn, Lumitel tại Burundi tăng 32%, Unitel tại Lào tăng 30%, Movitel tại Mozambique tăng 23%, Mytel tại Myanmar tăng 21%, Natcom tại Haiti tăng 18%, Telemor tại Đông Timor tăng 15%...

Là một trong những doanh nghiệp viễn thông lớn nhất của Việt Nam, những năm qua, Viettel không ngừng mở rộng quy mô đầu tư ra nước ngoài và thu được nhiều “trái ngọt”. Không dừng lại ở đó, thông tin cho biết, Viettel đang tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư, kinh doanh ở các thị trường khác.

Các nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam, trong đó có Vingroup, TH, FPT, Vinamilk…, khẳng định, họ sẽ tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư ở nước ngoài. Trung tuần tháng 5/2024, Tập đoàn TH đã khởi công Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa có tổng vốn đầu tư 5.200 tỷ đồng ở vùng Viễn Đông (Nga), để tiếp tục hiện thực hóa kế hoạch đầu tư 2,7 tỷ USD ở thị trường rộng lớn này.

Tương tự, Vinamilk vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2024, với tổng doanh thu hợp nhất đạt mức cao nhất trong lịch sử, với 16.665 tỷ đồng. Kết quả này được cho là được hỗ trợ bởi cả hoạt động kinh doanh trong nước và nước ngoài. Trong đó, tính riêng các chi nhánh ở nước ngoài tại Campuchia và Mỹ, tức là tại Angkormilk và Dridtwood, doanh thu thuần đạt 1.384 tỷ đồng, tăng 21,8% so với cùng kỳ và cao hơn so với mức tăng 9,6% của quý I/2024.

FPT cũng có kết quả kinh doanh ấn tượng không kém. 6 tháng đầu năm, mảng dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài của “ông lớn” công nghệ này tăng tới 29,8%, nhờ mức tăng trưởng mạnh mẽ từ thị trường Nhật Bản (tăng 35,2%) và châu Á - Thái Bình Dương (31,9%).

Để mở rộng thị trường, FPT gần đây liên tục thực hiện các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A). Hồi tháng 3/2024, FPT đã mua 100% vốn của Next Advanced Communications NAC Co., Ltd. (NAC), một công ty dịch vụ công nghệ thông tin của Nhật Bản, đồng thời mở thêm các chi nhánh mới ở thị trường nước ngoài.

Ít ngày trước đây, văn phòng thứ 17 của FPT ở Nhật Bản đã chính thức mở cửa. “Nhật Bản không chỉ đóng vai trò quyết định trong hành trình ‘vươn ra toàn cầu’ của FPT, mà còn là thị trường cốt lõi của chúng tôi trong suốt hơn hai thập kỷ qua. Thành công ở Nhật Bản trở thành nền tảng giúp FPT tự tin chinh phục các thị trường đầy thách thức khác như Mỹ, châu Âu và toàn cầu”, bà Chu Thị Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT FPT Software nói.

Nhiều nhà đầu tư Việt Nam khác cũng đang có các kết quả đầu tư, kinh doanh tích cực tại các thị trường nước ngoài. Trung tuần tháng 7/2024, khi tháp tùng Chủ tịch nước Tô Lâm tới thăm Lào và Campuchia, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã tới thăm, làm việc tại một số dự án đầu tư của Việt Nam tại hai quốc gia này, như các dự án của Công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam; Vinamilk; Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG)…

Trong đó, riêng VRG và các đơn vị thành viên đã đầu tư 23 dự án tại Lào và Campuchia, với tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD. Năm 2023, doanh thu của VRG tại Lào và Campuchia đạt khoảng 5.000 tỷ đồng.

Gặp gỡ các doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao việc các nhà đầu tư Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư, kinh doanh sang Lào và Campuchia, đem lại hiệu quả và có giá trị gia tăng cao, đồng thời đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngập ngừng đầu tư ra nước ngoài

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam đang thu được trái ngọt. Hơn nữa, bên cạnh các nhà đầu tư truyền thống, đã xuất hiện thêm các nhà đầu tư mới, với quy mô các dự án lớn, như Tập đoàn TH (đầu tư sang Nga, Australia), Công ty Sữa VitaDairy (đầu tư sang Nga), Tập đoàn Vingroup (đầu tư sang Mỹ, Singapore…)…

Tuy nhiên, những năm gần đây, do những khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, cũng như của Việt Nam, đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt có xu hướng giảm. Nếu năm 2022, các doanh nghiệp Việt đăng ký đầu tư ra nước ngoài 534 triệu USD, thì năm ngoái, con số chỉ còn gần 421 triệu USD, giảm 22% so với năm trước. Trong khi đó, 7 tháng đầu năm nay, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài, bao gồm cả vốn đăng ký mới và tăng thêm chỉ đạt gần 150,7 triệu USD, bằng 47% cùng kỳ năm trước.

Không chỉ số lượng dự án và vốn đầu tư đăng ký sụt giảm, vốn và lợi nhuận chuyển về nước cũng giảm. Con số của năm 2023 là 345 triệu USD, giảm 23%.

Chỉ có một điểm tích cực, đó là thời gian gần đây, bên cạnh các thị trường đầu tư truyền thống, một số doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Mỹ, sang Hà Lan, sang châu Âu… và một số thị trường khác. Tuy vậy, lũy kế đến ngày 20/7/2024, các địa bàn nhận đầu tư nhiều nhất trong tổng vốn gần 22,27 tỷ USD đăng ký đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam vẫn là Lào (24,7%); Campuchia (13,1%); Venezuela (8,2%)…

Mặc dù vậy, ngay cả với các thị trường truyền thống là Lào và Campuchia, theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kết quả đầu tư cũng còn khiêm tốn, quy mô vốn đầu tư có xu hướng giảm, chưa có thêm nhiều dự án lớn, mang tính chiến lược, tạo ra sự bứt phá trong hợp tác đầu tư, kinh tế giữa Việt Nam - Lào và đặc biệt là Việt Nam - Campuchia…

“Một số dự án lớn có khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết kịp thời. Tiềm năng và dư địa hợp tác đầu tư đang bị thu hẹp ở một số lĩnh vực, như thủy điện, khai thác, chế biến khoáng sản, nông lâm nghiệp quy mô lớn…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng từng nhấn mạnh.

Hiện tại, các nỗ lực để khơi thông dòng chảy vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài vẫn được thực hiện. Ông Vũ Văn Chung, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, việc đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt chậm lại trong thời gian gần đây chỉ mang tính thời điểm.

“Nguyên nhân là kinh tế khó khăn, hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp cũng vẫn còn khó khăn. Tiềm năng về lâu dài, các hoạt động đầu tư ra nước ngoài sẽ tích cực hơn”, ông Vũ Văn Chung nói.

Nhận định trên có lẽ cũng tương đồng với kết quả cuộc khảo sát mà Ngân hàng UOB công bố mới đây. Theo đó, UOB cho biết, bất chấp tình hình kinh tế khó khăn, gần 90% doanh nghiệp Việt Nam được hỏi bày tỏ sự quan tâm đến việc mở rộng kinh doanh ra nước ngoài. Có tới 2/3 trong số này cho biết, động lực hàng đầu là để tăng doanh thu. Và thị trường mà các doanh nghiệp muốn nhắm đến là ASEAN, trong đó Thái Lan, Singapore, Malaysia là những lựa chọn quan trọng.

VNG tăng tốc ra nước ngoài, nhắm đích dẫn đầu làn sóng AI tại Đông Nam Á
Ngày 21/6, VNG (mã chứng khoán VNZ) đã tổ chức Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2024 thông qua những mục tiêu và định hướng kinh doanh quan...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư