Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Ngày Dân số thế giới năm 2023: Cấp thiết giảm mất cân bằng giới tính khi sinh
D.Ngân - 11/07/2023 18:16
 
Ngày Dân số thế giới năm 2023 nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy bình đẳng giới để tạo điều kiện thực hiện những giấc mơ của 8 tỷ người.

Ngày Dân số thế giới năm 2023 lại là một dịp nữa để Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tiếp tục thực hiện những công việc, những nỗ lực không ngừng đảm bảo quyền và lựa chọn cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái để tạo ra một thế giới với tiềm năng vô hạn.

Hiện nay phụ nữ và trẻ em gái chiếm 49,7% dân số toàn cầu, nhưng những mong muốn của họ về cuộc sống, gia đình và việc làm vẫn bị bỏ qua khi bàn về các vấn đề nhân khẩu học và quyền của họ vẫn bị vi phạm trong các chính sách về dân số. 

Điều này đã tạo ra một thế giới đang loại trừ, bỏ qua và hạn chế tiềm năng của mỗi cá nhân trên hành tinh của chúng ta. Nó sẽ làm cho tất cả chúng ta, chứ không chỉ riêng phụ nữ và trẻ em gái, không được hưởng một tương lai thịnh vượng, hòa bình và bền vững hơn. 

Nguồn gốc của vấn đề này chính là bất bình đẳng giới. Khắp nơi trên thế giới sự bất công phổ biến này đã làm cho phụ nữ và trẻ em gái không được đi học, không có việc làm và không giữ vị trí lãnh đạo;

hạn chế những nỗ lực cá nhân và khả năng ra quyết định về sức khỏe và đời sống tình dục và sinh sản của họ; và làm tăng nguy cơ dễ bị tổn thương do bạo lực, những thực hành có hại và tử vong mẹ do những nguyên nhân hoàn toàn có thể ngăn chặn được.

Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất là bất bình đẳng giới đã ngăn cản thế giới đặt ra các câu hỏi hay quan tâm đến những gì mà phụ nữ và trẻ em gái mong muốn.

Những mong muốn của phụ nữ và trẻ em gái là quan trọng và UNFPA quan tâm đến những mong muốn đó. Như đã khẳng định trong báo cáo tình trạng dân số thế giới 2023 khi phụ nữ và trẻ em gái được xã hội trao quyền tự chủ về cuộc sống và cơ thể của mình, họ và gia đình của họ sẽ thành đạt. 

Và kết quả là chúng ta sẽ tạo ra một thế giới tốt đẹp, bao trùm và được trang bị tốt hơn để có thể giải quyết bất cứ những thay đổi và thách thức nhân khẩu học nào trong tương lai.

Ngày Dân số thế giới năm 2023 nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy bình đẳng giới để tạo điều kiện thực hiện những giấc mơ của 8 tỷ người.

Quá trình này cần bắt đầu từ việc lắng nghe tiếng nói của phụ nữ, trẻ em gái và những người yếu thế, và xây dựng luật pháp và chính sách để có thể giúp họ thực hiện các quyền của mình và đưa ra các quyết định đúng đắn.

Chỉ khi đó chúng ta mới có thể huy động được sức mạnh của một nửa dân số trên hành tinh để giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay. Một thế giới đa dạng, thịnh vượng với 8 tỷ người  đầy những tiềm năng vô hạn phụ thuộc vào điều này. 

Trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái để họ thực hiện các quyền và đưa ra các quyết định, đặc biệt liên quan đến quyền tự quyết về cơ thể, sẽ góp phần tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Đó là một thế giới mà người dân có thể sống một cuộc sống không bị bạo lực và có thể phát huy đầy đủ tiềm năng cá nhân. 

Quyền của phụ nữ cũng là quyền con người; vì vậy tăng cường bình đẳng giới là các biện pháp cần thiết để đảm bảo thực thi quyền con người ở mức độ cao nhất có thể.

Theo Ngân hàng thế giới, thu hẹp khoảng cách giới trong việc làm có thể làm tăng tỷ lệ GDP đầu người trong tương lai lên trung bình 20%.

Tại Việt Nam, theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, năm 2022, tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta là 112,1 trẻ trai trên 100 trẻ gái.

Theo các nhà khoa học xã hội, tác động chính của hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ liên quan tới quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân.

Nam giới trẻ tuổi sẽ bị dư thừa so với nữ do tỷ lệ nữ giới đang giảm dần trong cùng một thế hệ và kết quả là họ có thể phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời. 

Trì hoãn hôn nhân trong nam giới hoặc gia tăng tỷ lệ sống độc thân là những khả năng có thể xảy ra trong tương lai do tình trạng thiếu phụ nữ trong độ tuổi kết hôn. 

Điều này sẽ tác động ngược lại hệ thống gia đình trong tương lai, nhất là trên thực tế, các xã hội này đều có hệ thống gia đình phụ hệ (theo họ cha) và trước kia hầu hết nam giới đều lập gia đình. Thực trạng đáng quan ngại trên đòi hỏi cần các biện pháp quyết liệt hơn nữa nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

TS. Phạm Vũ Hoàng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, Kế hạch hoá gia đình cho hay, tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam tuy xuất hiện muộn so với các nước nhưng tăng nhanh và lan rộng.

Ông Hoàng cho biết hiện tượng này xuất hiện nhiều hơn ngay từ lần sinh đầu tiên hoặc ở những gia đình chưa có con trai, đặc biệt với những gia đình có 2 con gái và chưa có bé trai nào.

Tình trạng mất cân bằng giới tính cũng xuất hiện nhiều ở những cặp vợ chồng có học vấn cao và điều kiện kinh tế khá giả.

Theo ông Hoàng, Việt Nam có 2 nguyên nhân chính gây ra mất cân bằng giới tính. Bên cạnh việc nhiều người vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ, một nguyên nhân khác nổi lên gần đây là nhiều gia đình lạm dụng khoa học kỹ thuật để lựa chọn giới tính thai nhi.

Tại Việt Nam, hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh trở thành thách thức từ đầu những năm 2000, đặc biệt rõ rệt hơn từ năm 2006, khi tỷ số này tăng lên 109 bé trai/100 bé gái.

Để hạn chế hậu quả nói trên, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, dưới 109.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Dân số, mục tiêu này rất khó khăn. Từ nay đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam phải giảm 0,4 điểm phần trăm, trong khi con số này từ 8 năm trước chỉ giảm 0,1 điểm phần trăm.

Đầu những năm 2000s, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam có dấu hiệu mất cân bằng và ngày càng thể hiện rõ rệt hơn ở giữa những năm 2000s và trở lên mất cân bằng nghiêm trọng.

Tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam xuất hiện chậm hơn 2 đến 3 thập kỷ so với một số nước trong khu vực nhưng tốc độ gia tăng hàng năm lại nhanh và phạm vi ngày càng rộng. 

Mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ. Các nhà khoa học đã dự báo, nếu tình trạng này không được giải quyết thì nước ta sẽ dư thừa từ 2,3 triệu đến 4,3 triệu nam giới vào năm 2050.

Điều này sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc vào cơ cấu dân số nước ta và dẫn đến những hệ lụy sâu rộng, lâu dài cho các vấn đề xã hội, giống nòi, quốc gia dân tộc.

Trong những năm qua, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế cũng như ngành dân số trong cả nước đã tham mưu với các cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, thực hiện nhiều chương trình, đề án can thiệp nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh và đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, tỷ số giới tính khi sinh của nước ta vẫn cao.

Như vậy, làm thế nào để khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng và đưa về mức tự nhiên vẫn là câu hỏi lớn và thường trực của ngành dân số nước ta. Để làm được điều này đòi hỏi cần các biện pháp quyết liệt của ngành dân số và các cơ quan liên quan, trong đó đóng vai trò lớn là tâm lý, ý thức của mỗi người dân.

Dân số Việt Nam sắp đạt mốc 100 triệu người
Theo Quỹ Dân Số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA), dân số Việt Nam sẽ sớm đạt 100 triệu người và dấu mốc này sẽ đưa Việt Nam trở thành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư