Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Ngày xuân về lại Phố Hiến xưa
Lã Quý Hưng - 19/02/2022 07:29
 
Nếu như ý tưởng xây dựng và phục dựng Phố Hiến xưa trở thành hiện thực, thì vùng đất này sẽ là điểm du lịch nổi tiếng tầm cỡ quốc gia, quốc tế, là di sản cho các thế hệ mai sau.
Phố Hiến hiện còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử - văn hóa có giá trị, trong đó có di tích cấp quốc gia đặc biệt
Phố Hiến hiện còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử - văn hóa có giá trị, trong đó có di tích cấp quốc gia đặc biệt

1.

Hưng Yên nằm ở tả ngạn sông Hồng, trung tâm của Đồng bằng Bắc bộ, có truyền thống văn hóa lâu đời. “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến” - câu nói được lưu truyền trong dân gian đã cho thấy quy mô, tầm cỡ của một thương cảng, trung tâm thương mại, đại đô thị văn hóa Phố Hiến xưa.

Theo nhiều nhận định, Phố Hiến đã có từ giữa thế kỷ XV (năm 1471), khi vua Lê Thánh Tông đặt ra 12 thừa tuyên. Đến thế kỷ XVI, Phố Hiến dần trở thành một đô thị, một thương cảng mới, trung tâm thương mại, giao lưu, thu hút thương nhân quốc tế đến buôn bán, giao thương. Phố Hiến đạt tới sự thịnh vượng nhất vào thế kỷ XVII, không chỉ là đầu mối giao lưu quốc tế, là điểm trung chuyển hàng hóa vào kinh thành Thăng Long, mà còn là một đại đô thị nên thơ soi bóng nước sông Hồng.

Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Phố Hiến (TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg, ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến gồm 16 di tích tiêu biểu hợp thành, đó là: Văn Miếu Xích Đằng, đền Mây, đền Kim Đằng, đền Trần, đền Mẫu, đền Thiên Hậu, Võ Miếu, chùa Phố, đền Bà Chúa Kho, chùa Chuông, đình An Vũ, đền Nam Hòa, đền Cửu Thiên Huyền Nữ, đình - chùa Hiến, Đông Đô Quảng Hội và chùa Nễ Châu. 

Phố Hiến xưa có những thương điếm ngày đêm tấp nập thuyền bè, phố phường, chợ búa nhộn nhịp, đông đúc, đủ các mặt hàng. Điều nổi bật là, bên cạnh thương nhân người Việt, Phố Hiến còn có sự góp mặt của các thương nhân nổi tiếng của 12 nước châu Á và phương Tây như Xiêm La, Lữ Tống, Mã Lai,  Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hà Lan...

Những chiếc thuyền của thương nhân Hà Lan vượt muôn trùng khơi theo sông Hồng cập thương cảng Phố Hiến, xây dựng Công ty Đông Ấn đặt thương điếm ở Phố Hiến từ năm 1637. Họ buôn bán, làm ăn, định cư ở đây suốt 64 năm, xây dựng hơn 100 nóc nhà. Thương điếm của người Anh có từ năm 1672, thương điếm của người Pháp có từ năm 1680…

Cùng với người phương Tây, người Hoa cũng đến làm ăn, buôn bán ở Phố Hiến. Người Nhật Bản đã sớm có mặt ở các địa danh như Bắc Hòa, Nam Hòa, cùng các thương nhân châu Á như Xiêm La, Mã Lai, Lữ Tống, Ấn Độ... đến giao thương.

Đến Phố Hiến, thương nhân không chỉ xây dựng các thương điếm với nhiều nhà hàng, phố, phường, mà còn xây dựng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng, như đền thờ Trấn thủ Sơn Nam cũng như những người có công dựng xây Phố Hiến. Phố Hiến trở thành địa chỉ của sự giao lưu thương mại, giao thoa văn hóa, kiến trúc giữa người Việt và các quốc gia, các nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Có thể kể đến công trình Nhà thờ Kito giáo ở Phố Hiến, được xây dựng từ thế kỷ XVII theo phong cách Gô-tích.

Theo những hình ảnh để lại, phần lớn nhà ở của dân cư Phố Hiến xưa đều bằng gỗ, tre, nứa, xây dựng san sát tạo thành phố - phường nghề của hơn 50 địa phương ở Đàng ngoài tới sinh sống, làm ăn. Phố Hiến hội tụ những tinh hoa buôn bán, sản xuất, ngành nghề cũng như các sản phẩm, văn hóa của cả Đàng ngoài.

 Phố phường Phố Hiến xưa
Phố phường Phố Hiến xưa

2.

Lịch sử Phố Hiến gắn liền với Trấn thủ Lê Đình Kiên, người có công lớn trong việc ổn định xã hội, dẹp quân Tàu Ô, xây dựng và mở mang Phố Hiến trở thành một thương cảng sầm uất, đô thị phát triển chỉ đứng sau Kinh đô Thăng Long ở thế kỷ XVII.

Không những có tài về quản lý, Trấn thủ Lê Đình Kiên còn giỏi về thương nghiệp, ngoại giao. Suốt 40 năm (1664 - 1704) làm Trấn thủ Sơn Nam (nay là các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình cùng một phần tỉnh Hưng Yên và Hà Nội), ông đã mang lại cuộc sống yên bình, ngày một no đủ cho người dân. Ông được tôn là Phúc Thần, người Việt và người nước ngoài ngụ ở Phố Hiến cùng nhiều nơi khác lập miếu thờ, dựng bia ghi công đức của ông.

Hưng Yên cũng là vùng đất địa linh, nhân kiệt, là quê hương của nhiều vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa như Phạm Bạch Hổ, Phạm Ngũ Lão, Hoàng Hoa Thám, Đoàn Thị Điểm, Lê Hữu Trác, Tô Hiệu...

Phố Hiến không chỉ là thương cảng ven sông sầm uất ở thế kỷ XVI, XVII, mà còn là vùng đất có hệ sinh thái mặt nước ven sông Hồng với các không gian và cảnh quan đẹp nên thơ, quyến rũ tâm hồn thương nhân cùng du khách thập phương. Họ tới làm ăn, sinh sống, góp phần tạo nên một Phố Hiến sầm uất.

Tranh vẽ mô phỏng lại thương cảng Phố Hiến (Hưng Yên) xưa
Tranh vẽ mô phỏng lại thương cảng Phố Hiến (Hưng Yên) xưa

3.

Trải qua những biến cố lịch sử, sự thay đổi về hành chính, sự biến đổi của dòng sông, hoạt động của thương cảng xưa không còn, nhưng Phố Hiến ngày nay vẫn bảo tồn, lưu giữ được hơn 100 di tích lịch sử - văn hóa có giá trị. Khu di tích Phố Hiến được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Sự tồn tại và phát triển của Phố Hiến cùng với Kinh đô Thăng Long, phố cổ Hội An (Quảng Nam) thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của ông cha ta trên lĩnh vực phát triển công - thương nghiệp và giao lưu quốc tế, là bài học quý cho công cuộc đổi mới, mở cửa của đất nước ta ngày hôm nay.

Xây dựng, phục dựng lại Phố Hiến xưa là xây dựng những hình ảnh gợi nhớ về một thương cảng quốc tế Phố Hiến sôi động, sầm uất, góp phần thúc đẩy buôn bán, sản xuất của cả Đàng ngoài ngày đó; hình ảnh về một đại đô thị Phố Hiến xưa cùng các công trình văn hóa tín ngưỡng đặc sắc, một địa danh bên sông Hồng - con sông cái mang dấu ấn lịch sử có một không hai.

Vì vậy, kết nối di tích lịch sử, văn hóa Phố Hiến, giá trị của quá khứ - xây dựng khu du lịch độc đáo, khác biệt cho hiện tại - tạo dựng thành di sản cho tương lai chính là tạo ra những giá trị mới, động lực mới để phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, đưa Hưng Yên trở thành trung tâm du lịch của Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Đây cũng là hành động thiết thực thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị, với mục tiêu “phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á”.

Được biết, các thế hệ lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đều rất nặng lòng, trăn trở với Phố Hiến xưa và đã có những nhà đầu tư nhiều năm qua đã bày tỏ sự quan tâm, khát vọng đầu tư dự án xây dựng và phục dựng Phố Hiến xưa thành một khu du lịch lịch sử, văn hóa quy mô lớn, đồng bộ và độc đáo mang tầm quốc gia, quốc tế, hướng tới một di sản văn hóa thế giới.

Giữa tiết xuân Nhâm Dần, bâng khuâng trên Phố Hiến, nghe vang vọng sóng nước sông Hồng với những cánh buồm cổ bốn phương lộng gió, cùng âm thanh nhộn nhịp, sôi động của các thương điếm, của một thương cảng sầm uất, của một đại đô thị Phố Hiến xưa đẹp như tranh, trong tôi bừng lên ước vọng về một sự gặp gỡ mùa xuân diệu kỳ…

Về Hưng Yên thăm Phố Hiến, nghe hát trống quân, thưởng thức gà Đông Tảo
Du lịch Hưng Yên, du khách sẽ được khám phá Phố Hiến cổ kính, thưởng thức hát trống quân Dạ Trạch và thưởng thức gà Đông Tảo trứ danh…
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư