Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Sức xuân mới trên miền quê Phố Hiến
Hà An - 16/02/2022 20:43
 
Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của tỉnh Hưng Yên đã giảm từ 6,81% năm 2015 về 1,3% vào cuối năm 2021.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ngân hàng Chính sách xã hội 

Gần 20 năm hoạt động, từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu có tổng dư nợ 167 tỷ đồng, đến nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hưng Yên đang triển khai thực hiện 11 chương trình tín dụng, với tổng dư nợ đến ngày 31/12/2021 đạt trên 3.076 tỷ đồng, 94.621 khách hàng đang vay, tăng 2.909 tỷ đồng và gấp 18,4 lần so với khi mới thành lập.

Hơn 640.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn vay với doanh số đạt 10.214 tỷ đồng, giúp trên 85.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo và duy trì việc làm cho 50.000 lao động. Đồng thời, gần 2.500 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài, hơn 52.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập và cho vay hỗ trợ xây dựng cải tạo gần 399.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Những thành quả đó đã góp phần tích cực vào việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Một trong những động lực đột phá tạo nên những thành quả trên đã được Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Dương Quyết Thắng nhấn mạnh tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Hưng Yên trong ngày đầu năm Nhâm Dần, đó là sự chung tay của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt sau 7 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đi vào cuộc sống.

Hơn 640.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn vay với doanh số đạt 10.214 tỷ đồng, giúp trên 85.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo và duy trì việc làm cho 50.000 lao động.

 

“Hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội trong thời gian qua đã khắc phục các hạn chế của chính sách hỗ trợ cho không, tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức của người nghèo, từ mặc cảm tự ti, ỷ lại, sợ không biết cách sử dụng vốn vay đến ý thức vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Mặt khác, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, tạo niềm tin của người dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên nhìn nhận.

Ông Nghĩa cho biết, hiện nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh rất lớn, đặc biệt là nhu cầu vay vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm (do các doanh nghiệp ít tuyển dụng lao động trên 40 tuổi; dịch Covid-19 khiến người lao động từ các thành phố trở về địa phương) và chương trình cho vay nhà ở xã hội.

Tăng trưởng dư nợ tín dụng chính sách tại Hưng Yên giai đoạn 2011 - 2020 chỉ đạt 8,4%, năm 2020 đạt 4,9%, năm 2021 đạt 6,2%, thấp hơn bình quân toàn quốc. Điều này đặt ra thách thức lớn cho mục tiêu phát triển của Hưng Yên là đến năm 2025 GRDP bình quân đầu người 130 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1%, có 55 - 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 25 - 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có ít nhất một đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Nghĩa đề nghị, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho hoạt động của chi nhánh tỉnh Hưng Yên trong việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Ghi nhận những đề xuất kiến nghị của cấp ủy, chính quyền tỉnh Hưng Yên, ông Dương Quyết Thắng khẳng định, sẽ quan tâm bố trí nguồn vốn tăng trưởng giai đoạn 2022 - 2025, đặc biệt là vốn cho các chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, đối ứng nguồn vốn bổ sung từ ngân sách địa phương kịp thời để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn.

Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ chỉ đạo Chi nhánh Hưng Yên thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng cung cấp.

Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đề nghị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hưng Yên cùng các sở, ban, ngành và 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục triển khai, mở rộng Cuộc vận động Vì người nghèo để huy động mọi nguồn lực xã hội, sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh nhằm bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội của địa phương, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn vay hiệu quả, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng.

Ngân hàng Chính sách xã hội: Giải cơn khát vốn cho miền đất thiếu mưa, thừa nắng gió
Từ một huyện đảo đã có thời gian dài phát triển kinh tế tự cung tự cấp, Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) đang dần thay da đổi thịt.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư