Thứ Hai, Ngày 28 tháng 04 năm 2025,
Thị xã Sơn Tây khẳng định vị thế trung tâm văn hóa, kinh tế phía Tây Hà Nội
Linh Nguyễn - 27/04/2025 10:03
 
Sau 3 năm triển khai, không gian văn hóa và tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây đã thu hút hơn 130 vạn lượt khách, góp phần khơi dậy tiềm năng du lịch địa phương, trở thành điểm nhấn mở màn Năm du lịch Sơn Tây - Xứ Đoài 2025.

Tối 26/4, tại sân khấu chính phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Sơn Tây long trọng tổ chức sơ kết 3 năm hoạt động không gian văn hóa và tuyến phố đi bộ, đồng thời khai mạc Năm du lịch Sơn Tây - Xứ Đoài 2025, gắn với chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Theo Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn, không gian văn hóa và phố đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây đi vào hoạt động từ năm 2022 đã nhanh chóng trở thành điểm hẹn lý tưởng vào dịp cuối tuần cho người dân địa phương và du khách. Sau 3 năm thí điểm, phố đi bộ đã ghi nhận lượng khách ấn tượng, trung bình mỗi tối cuối tuần đón khoảng gần 1 vạn lượt khách, có những tối chạm mốc 2,5 - 3 vạn lượt khách.

Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn phát biểu tại chương trình.

Sự sôi động của phố đi bộ đến từ các hoạt động ẩm thực, mua sắm, những chương trình nghệ thuật đường phố mang đậm tính cộng đồng, gắn kết văn hóa bản địa với nhu cầu giải trí hiện đại. Các sân khấu lớn nhỏ do Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao thị xã cùng các hội nhóm, đoàn thể tổ chức đã mang lại sức sống mới cho không gian quanh Thành cổ.

Để tạo điểm nhấn, thị xã đã đầu tư bài bản như làm đường dạo, trồng cây xanh, trang trí 250 đèn lồng, thả gần 200 con chim bồ câu quanh khu vực Thành cổ và dẫn nước vào hào xung quanh, biến phố đi bộ thành không gian văn hóa - nghệ thuật độc đáo giữa lòng Sơn Tây.

Không đơn thuần là không gian đi bộ, Thành cổ Sơn Tây còn trở thành địa điểm tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao hấp dẫn. Trong 3 năm qua, nơi đây đã liên tục diễn ra các sự kiện như: Giải vật dân tộc Phùng Hưng Nam quy tụ nhiều vận động viên từ các tỉnh thành; các chương trình Trung thu Thành cổ 2022, 2023; chương trình âm nhạc "Đoài Melody"; cuộc thi Hoa hậu Di sản Áo dài Việt Nam 2024… Những sự kiện này đã thu hút thêm hàng chục nghìn lượt du khách, đồng thời góp phần lan tỏa hình ảnh Sơn Tây - Xứ Đoài ra khắp mọi miền đất nước.

Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà trao Bằng khen của UBND thành phố cho các tập thể.

Với những thành tích nổi bật trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển kinh tế du lịch bền vững, năm 2024, thị xã Sơn Tây vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Theo Bí thư Thị ủy Trần Anh Tuấn, thời gian tới, thị xã sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chủ trương về phát triển du lịch và công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh bảo tồn và phát huy di sản; tăng cường quảng bá, xúc tiến đầu tư, xây dựng thương hiệu "Du lịch Sơn Tây - Xứ Đoài". Đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch.

Trong khuôn khổ sự kiện, thị xã cũng đã trao danh hiệu Đại sứ Du lịch thị xã Sơn Tây cho các Hoa hậu và Á hậu Di sản Áo dài Việt Nam 2024, mở ra thêm một kênh quảng bá du lịch giàu sức hút, phù hợp với xu thế truyền thông hiện đại.

Thực hiện quy định tại Khoản 8 Điều 21 Luật Thủ đô, thời gian này, Hà Nội đang tích cực xây dựng dự thảo Nghị quyết về việc thành lập “Khu phát triển thương mại và văn hóa”, nhằm tạo cơ chế đặc thù thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào các khu vực giàu tiềm năng phát triển thương mại, văn hóa và du lịch.

Theo dự thảo, các khu phát triển thương mại và văn hóa sẽ được quy hoạch tại những địa điểm có lợi thế về vị trí, không gian văn hóa, hoặc tại các khu, điểm du lịch được Nhà nước và quốc tế công nhận. Mục tiêu đặt ra là phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy du lịch, thương mại, bảo tồn nghề truyền thống và nâng cao đời sống người dân.

Trong bối cảnh đó, thị xã Sơn Tây - với sự đồng thuận cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã chủ động nghiên cứu, khai thác giá trị lịch sử, văn hóa của Thành cổ Sơn Tây cùng các công trình phụ cận để hình thành không gian văn hóa và tuyến phố đi bộ. Dự án này được kỳ vọng là mũi tên trúng nhiều đích, vừa phát triển du lịch, thương mại, vừa xây dựng thương hiệu riêng cho vùng đất Xứ Đoài.

Đặc biệt, công tác xã hội hóa được Sơn Tây triển khai mạnh mẽ. Thị xã đã huy động được nguồn lực lớn từ các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, với kinh phí quy đổi lên tới hàng chục tỷ đồng. Tiêu biểu như sự đồng hành của Tập đoàn CĐ Bắc Ninh, Tập đoàn T&T, Công ty Truyền thông Hàm Nghi Media, cùng nhiều doanh nghiệp địa phương.
Thị xã Sơn Tây đầu tư trên 705 tỷ đồng thực hiện các mục tiêu phát triển văn hóa - xã hội
Nhằm phát triển du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững, thị xã Sơn Tây, Hà Nội đã đẩy mạnh thực hiện công tác bảo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư