Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 13 tháng 09 năm 2024,
Nghệ An đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024
Phạm Thanh - 26/08/2024 16:07
 
UBND tỉnh Nghệ An vừa có văn bản đề nghị các Sở, Ban, Ngành xem xét rà soát và phân công nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Công văn số 7213/UBND-KT về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 8/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; Giám đốc các Ban Quản lý dự án và các chủ đầu tư tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ và UBND tỉnh về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, trong đó quán triệt, thực hiện tốt các quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được đề ra tại Chỉ thị 26/CT-TTg.

Một Dự án giao thông qua địa bàn tỉnh Nghệ An, ẢNH MINH HOẠ
Một dự án giao thông qua địa bàn tỉnh Nghệ An (Ảnh minh họa).

Năm 2024 phải là năm bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tạo tiền đề thuận lợi hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. 

Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư và đấu thầu dự án; rà soát kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm cam kết giải ngân từng tháng, quý; phối hợp đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án; đẩy mạnh công tác thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công trình dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công; chấp hành các quy định trong quản lý, giải ngân vốn đầu tư công.

Các cơ quan chuyên môn về xây dựng (GTVT, Xây dựng, NN&PTNT...), Sở KH&ĐT, Sở Tài chính, Sở TN&MT, Công an tỉnh thường xuyên hướng dẫn, khẩn trương xử lý hồ sơ liên quan đến công tác thẩm định dự án đảm bảo chất lượng và tiến độ; phối hợp hiệu quả với các Sở, ngành, địa phương liên quan, Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án để xử lý nhanh các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục liên quan đến triển khai, giải ngân, quyết toán dự án đầu tư công. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan Trung ương có dự án đầu tư công trên địa bàn quản lý trong việc giới thiệu, chấp thuận địa điểm xây dựng; thủ tục giao đất xây dựng dự án; lập, điều chỉnh Quy hoạch chi tiết/Quy hoạch Tổng mặt bằng, thỏa thuận về đấu nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông... 

Đồng thời, tăng cường tần suất kiểm tra dự án để chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Đẩy mạnh công tác thông tin, phổ biến pháp luật, tập huấn, đào tạo bồi dưỡng để nâng cao năng lực cán bộ, công chức quản lý đầu tư công. Tiếp tục rà soát các nội dung còn vướng mắc để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư công, xây dựng, tài nguyên, đất đai, chuyển mục đích sử dụng rừng... 

Các Tổ công tác về đầu tư công tiếp tục duy trì hoạt động các Tổ công tác cấp tỉnh và cấp phòng để đôn đốc, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Thường xuyên kiểm tra hiện trường các dự án trọng điểm, các dự án có số vốn còn lại chưa giải ngân lớn. 

Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân cao và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định. 

Sở Tài chính thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành; kịp thời xử lý các Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án vi phạm thời gian lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các Chủ đầu tư trong công tác quyết toán dự án theo thẩm quyền. Thường xuyên theo dõi, đánh giá sát tình hình, diễn biến thị trường để đề ra các giải pháp tăng thu ngân sách, các giải pháp về đấu giá quyền sử dụng đất để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư; bảo đảm bố trí vốn đối ứng ngân sách địa phương theo đúng tiến độ dự án và yêu cầu của Hiệp định vay. 

Sở TN&MT tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ các khó khăn liên quan đến cấp phép mỏ, khai thác vật liệu đá, cát, đất... phục vụ các dự án đầu tư công đảm bảo nhanh, hiệu quả, đúng quy định pháp luật. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là việc giao mỏ nguyên vật liệu không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền. 

Sở Xây dựng thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công. Cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng, phù hợp với diễn biến giá thị trường, bảo đảm theo quy định pháp luật về xây dựng, làm cơ sở điều chỉnh gói thầu, tổng mức đầu tư dự án. Xử lý nghiêm tình trạng tạo khan hiếm giả, liên kết giữa các chủ mỏ vật liệu để nâng giá, khai thác, cung cấp không đúng quy định làm ảnh hưởng đến việc thi công các dự án. 

Sở Nội vụ xem xét tiêu chí về kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong quá trình xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ đối với tổ chức, cá nhân năm 2024. 

UBND các huyện, thành, thị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định công tác bồi thường GPMB là nút thắt trong triển khai dự án cần phải tập trung tháo gỡ; ưu tiên bố trí đủ ngân sách cấp huyện theo cơ cấu nguồn vốn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện bồi thường GPMB đối với phần diện tích có đủ điều kiện; không để tình trạng dự án chờ mặt bằng, đặc biệt là các dự án trọng điểm. 

Đề nghị các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn tham gia tuyên truyền vận động nhân dân trong công tác bồi thường GPMB nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024.

Định hướng đầu tư phát triển hệ thống doanh nghiệp và nguồn nhân lực du lịch
Trên cơ sở định hướng phát triển thị trường, sản phẩm du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngành du lịch xác định các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư