Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Nghề báo “quan trên ngó xuống, người ta trông vào”
Quang Hưng - 19/06/2015 16:26
 
Sáng 18/6, tại trụ sở Báo Nhân dân, số 71 Hàng Trống, Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học "90 năm báo chí cách mạng Việt Nam: Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm". Chương trình do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức.
.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân dân Thuận Hữu phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Quang Hưng

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu nhấn mạnh: 90 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam đã sáng lập Báo Thanh niên. Tờ báo Thanh niên số 1 xuất bản ngày 21/6/1925 đã mở đầu một thời kỳ báo chí gắn liền với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.

Từ đó, dưới sự chăm lo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo của Đảng, đùm bọc của đồng bào, đồng chí, báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển. Báo chí cách mạng Việt Nam luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện tốt chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn của nhân dân.

Hệ thống báo chí ngày nay lớn mạnh với 4 loại hình báo chí: báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử đang hàng ngày, hàng giờ, thậm chí hàng phút cung cấp luồng thông tin khổng lổ, về cơ bản đã đáp ứng nhu cầu thông tin hàng ngày của nhân dân.

Trong suốt chiều dài lịch sử 90 năm, Báo chí cách mạng Việt Nam luôn phát huy truyền thống vẻ vang, giữ vững bản lĩnh chính trị vững vàng của báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện. Báo chí đã có những đóng góp to lớn trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Nhiều nhà báo đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường trong tư thế của người chiến sỹ. Đó chính là truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng Việt Nam cùng bản lĩnh, trách nhiệm của các nhà báo trong suốt 90 năm đồng hành, gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Tuy nhiên trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng, sự phát triển của công nghệ thông tin, báo chí vẫn còn mắc những sai phạm khuyết điểm. Trách nhiệm của những người làm báo là phải sớm khắc phục những điều này để giữ vững, phát huy truyền thống cách mạng của thế hệ cha, anh đi trước...

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son khẳng định những thành tựu to lớn mà báo chí cách mạng đã đạt được; đồng thời, cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của báo chí chậm được khắc phục. Trong đó, một bộ phận những người làm báo vẫn còn non kém về nhận thức chính trị, đã bộc lộ những khuyết điểm, yếu kém, vi phạm đạo đức nghề nghiệp...

Người đứng đầu một số cơ quan báo chí đã buông lỏng quản lý nội dung thông tin, quản lý đội ngũ phóng viên, coi trọng lợi nhuận, khai thác nhiều đề tài mặt trái của xã hội với mức độ thông tin dày đặc... Cùng với những thông tin giật gân, câu khách, vi phạm thuần phong mỹ tục là xu hướng xem nhẹ quy trình thẩm định nguồn tin, thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân,...

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng, đội ngũ những người làm báo hơn ai hết phải luôn nâng cao bản lĩnh chính trị, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp, tiếp tục phát huy vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về những khó khăn mà đội ngũ những người làm báo hôm nay phải đối mặt trong cơ chế thị trường, PGS. Ts Nguyễn Thế Kỷ - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, mặt trái của cơ chế thị trường tác động đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực chứ không riêng báo chí. Nếu có nhà báo nào đó không giữ được đạo đức nghề nghiệp của mình, không trau rồi cái văn hóa, cái nghề nghiệp của mình để những cạm bẫy của cơ chế thị trường làm ảnh hưởng, làm báo vì vụ lợi, làm báo đề người khác sai khiến cũng là điều dễ hiểu. Để hạn chế những tác động tiêu cực này, một mặt các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí phải giáo dục, động viên phóng viên có cái đời sống tốt hơn, điều kiện làm việc tốt hơn; mặt khác, bản thân mỗi nhà báo phải ý thức được nghề  nghiệpcủa mình là nghề cao quý, “quan trên ngó xuống người ta trông vào”. Biết xã hội nhìn nhận với 1 thái độ rất là trân trọng để luôn luôn trau rồi cái đạo đức nghề nghiệp của mình chứ không phải lợi dụng địa vị, uy tín của người làm báo để làm những việc không chính đáng.

Phát biểu tại Hội thảo, nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam hoan nghênh chủ trương sắp xếp lại hệ thống báo chí nước ta theo hướng nâng cao chất lượng. Việc này không phải là hạn chế phát triển mà chính là tạo điều kiện cho phát triển bền vững. Nhà báo Phan Quang cũng cho rằng song hành với sắp xếp lại là bồi dưỡng, phát huy bản lĩnh người làm báo, nâng cao năng lực thực chất, nâng cao trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp của mỗi người làm báo.

Giải Báo chí Quốc gia năm 2014 có nhiều Giải A nhất từ trước đến nay
Sáng nay (11/6), Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã tổ chức họp báo công bố thông tin về kết quả Giải Báo chí Quốc gia lần thứ IX – năm 2014.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư