Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Nghi Sơn - điểm hẹn của nhà đầu tư
Trần Hòa - 23/10/2013 07:05
 
Hôm nay (23/10), Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, một dự án trọng điểm quốc gia, chính thức được khởi công xây dựng, tạo sức hút đầu tư lớn cho Khu Kinh tế (KKT) Nghi Sơn.
TIN LIÊN QUAN

Thanh Hóa là một trong những tỉnh, thành phố lớn của Việt Nam có đầy đủ tiềm năng và lợi thế để thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh công nghiệp, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVII đã xác định phát triển KKT Nghi Sơn, các khu công nghiệp (KCN), khu công nghệ cao là chương trình kinh tế quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Lắp lò quay tại Nhà máy Xi măng Công Thanh trong Khu Kinh tế Nghi Sơn

Quy hoạch KKT Nghi Sơn

Nhằm phát huy và khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của tỉnh, đến nay, trên địa bàn Thanh Hóa đã hình thành 1 khu kinh tế và 5 KCN tập trung, bao gồm: KKT Nghi Sơn, KCN Lễ Môn, KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga, KCN Hoàng Long, KCN Bỉm Sơn và KCN công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng.

Khu kinh tế Nghi Sơn được Chính phủ ký Quyết định thành lập ngày 15/5/2006; nằm ở phía Nam tỉnh Thanh Hóa, cách Hà Nội 200 km về phía Nam, trên trục giao lưu Bắc - Nam, là cầu nối giữa vùng Bắc Bộ với Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam, với thị trường Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan. KKT có tổng diện tích 18.611,8 ha, bao gồm toàn bộ diện tích 12 xã phía Nam huyện Tĩnh Gia.

Đây là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, với trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản, gắn với việc xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Nghi Sơn; vận hành theo cơ chế ưu đãi đặc biệt; là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc miền Trung.

KKT Nghi Sơn là một trong rất ít vùng ở khu vực phía Bắc có tiềm năng phát triển cảng biển nước sâu, có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lớn tới hàng trăm ngàn DWT. Đây chính là điều kiện quan trọng để thu hút những dự án có quy mô lớn, các dự án công nghiệp nặng, như công nghiệp lọc hoá dầu, công nghiệp luyện cán thép cao cấp, công nghiệp cơ khí - chế tạo, công nghiệp nhiệt điện, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến xuất khẩu...

Với mục tiêu phát triển thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, KKT Nghi Sơn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch nhiều khu chức năng, như khu cảng biển nước sâu, các khu công nghiệp, khu đô thị trung tâm, khu dân cư, khu trung tâm dịch vụ thương mại, khu du lịch sinh thái... Một số hạng mục là điểm nhấn quan trọng đã và đang hình thành. Cụ thể:

Cảng Nghi Sơn được quy hoạch xây dựng trên 50 bến, bao gồm các bến tổng hợp, bến chuyên dùng và 6 bến cảng container tiếp nhận được tàu có trọng tải 50.000 DWT. Hiện đã đưa vào khai thác các bến số 1, 2, 3; tổng chiều dài bến 1 và bến 2 là 390 m, năng lực xếp dỡ hàng hoá khoảng 1,5 triệu tấn/năm. Bến số 3 với chiều dài 225 m, rộng 25 m. Hệ thống thiết bị, kho bãi được trang bị khá đồng bộ, thuận lợi cho việc xếp dỡ hàng. Các bến từ số 4 đến bến số 12, một số bến chuyên dụng và bến container khu hậu cần cảng đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang triển khai xây dựng. Ngoài ra, Nghi Sơn còn có cảng mềm ở đảo Hòn Mê (cách các bến cảng tổng hợp 12 km), có thể cho phép tàu 100.000 DWT cập cảng.

Khu liên hợp lọc hoá dầu có diện tích quy hoạch 504 ha mặt đất, trong đó 394 ha thuộc mặt bằng nhà máy giai đoạn I (bao gồm khu nhà máy, khu cảng và khu đường ống dẫn dầu), 110 ha quy hoạch cho giai đoạn mở rộng (công suất lên 20 triệu tấn/năm).

Trung tâm Nhiệt điện Nghi Sơn có diện tích quy hoạch 347 ha, gồm mặt bằng Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 và khu bến cảng chuyên dụng (20 ha).

KCN số 1 có diện tích 241,29 ha, là KCN đa ngành, chủ yếu là công nghiệp hoá chất. KCN số 2 có diện tích 128,37 ha, là KCN đa ngành như sản xuất nhiệt điện, công nghiệp phụ trợ cho Nhà máy Lọc hoá dầu. Các KCN số 3, 4, 5 và KCN Luyện kim đang được triển khai xây dựng.

Thực hiện mục tiêu xây dựng thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, trong 7 năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, KKT Nghi Sơn đã được ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật quan trọng. Đó là đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện, xây dựng hệ thống dẫn nước ngọt cung cấp cho công nghiệp, xây dựng nhà máy sản xuất nước sạch, hạ tầng viễn thông, đầu tư hệ thống giao thông đường bộ, xây dựng đê chắn sóng và nạo vét cảng..., đảm bảo điều kiện cơ bản về hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư.

KKT Nghi Sơn - động lực phát triển kinh tế của Thanh Hóa

Với những tiềm năng và lợi thế vượt trội, năm 2012, KKT Nghi Sơn đã được xếp vào danh mục 5 KKT trọng điểm của cả nước. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để tỉnh Thanh Hóa tranh thủ được nguồn lực từ Trung ương và cân đối nguồn lực địa phương để đầu tư xây dựng KKT một cách đồng bộ, tạo ra sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.

Đến nay, chỉ tính riêng trong KKT Nghi Sơn đã thu hút được 74 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 16 tỷ USD. Trong đó, có các dự án hạt nhân, như Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Trung tâm Nhiệt điện Nghi Sơn, Cảng nước sâu Nghi Sơn.

Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng mức đầu tư trên 9 tỷ USD (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam): 25,1%, Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait (KPE): 35,1%, Công ty Idemitsu Kosan (IKC): 35,1% và Công ty Hóa chất Mitsui (MCI): 4,7%). Giai đoạn I của Dự án được xây dựng trên diện tích 358 ha (bao gồm cả 30,2 ha diện tích hành lang tuyến ống dẫn dầu), với công suất 10 triệu tấn/năm (200.000 thùng dầu thô/ngày). Dự án khi đi vào hoạt động sản xuất thương mại sẽ đảm bảo cung cấp xăng dầu cho toàn bộ miền Bắc, cung cấp ra thị trường 2,3 triệu tấn xăng, 2,9 triệu tấn diesel, 380.000 tấn nhựa polypropylene, 900.000 tấn nhiên liệu phản lực và gần 700.000 tấn sản phẩm hóa dầu khác mỗi năm.

Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn là dự án công nghiệp nặng, sử dụng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, là dự án trọng điểm quốc gia. Ngày 23/10/2013, Dự án chính thức được khởi công xây dựng, dự kiến hoàn thành việc xây dựng và đi vào vận hành thương mại vào đầu năm 2017. Khi đi vào hoạt động, Dự án sẽ góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, dự kiến sẽ đảm bảo khả năng tự cung cấp xăng, dầu của Việt Nam từ 30% hiện nay lên mức 70%. Với các sản phẩm sau lọc hóa dầu, dự án này sẽ tạo động lực to lớn cũng như cơ hội để KKT Nghi Sơn thu hút các ngành công nghiệp phụ trợ, như sản xuất hóa chất, hạt nhựa và cơ khí chế tạo.

Trung tâm Nhiệt điện Nghi Sơn có tổng mức đầu tư trên 4 tỷ USD, công suất thiết kế lên đến 2.400 MW. Hiện tại, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, với công suất 600 MW, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, đã phát điện Tổ máy số 1 và đầu năm 2014 sẽ phát điện Tổ máy số 2. Bên cạnh đó, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, công suất 1.200 MW, có tổng vốn đầu tư 2,3 tỷ USD, do Liên doanh Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) - Tập đoàn Kepco (Hàn Quốc) đầu tư xây dựng theo hình thức BOT;

Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh có công suất 600 MW, tổng mức đầu tư trên 900 triệu USD, do Tập đoàn Công Thanh đầu tư, đang được chuẩn bị triển khai xây dựng. Sau khi các nhà máy điện này đi vào hoạt động, Trung tâm Nhiệt điện Nghi Sơn sẽ đáp ứng đủ nguồn cung cấp điện cho sự phát triển ổn định lâu dài của KKT Nghi Sơn và cho cả khu vực Bắc Trung Bộ.

Ngoài ra, tại KKT Nghi Sơn còn có một số dự án công nghiệp nặng, vốn đầu tư lớn, như Nhà máy Xi măng Nghi Sơn (tổng mức đầu tư 700 triệu USD, công suất thiết kế 4,3 triệu tấn/năm), Nhà máy Xi măng Công Thanh (tổng mức đầu tư 600 triệu USD, công suất thiết kế 6 triệu tấn/năm), Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn (tổng vốn đầu tư 121 triệu USD, công suất 1 triệu tấn/năm), Nhà máy Sản xuất dầu ăn và các sản phẩm chiết xuất từ dầu ăn (tổng mức đầu tư 72 triệu USD, công suất 1.500 tấn/ngày)...

Dồn sức đẩy nhanh thu hút đầu tư vào KKT Nghi Sơn

Với những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa đưa ra chủ trương và giải pháp để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư vào KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp.

Về chủ trương: Thanh Hóa sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất về cơ chế, chính sách để thu hút các chủ đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng có năng lực và kinh nghiệm, trọng tâm là tại KCN Tây Quốc lộ 1A, KCN Hóa chất, Cụm cảng Nghi Sơn (KKT Nghi Sơn), KCN Lam Sơn - Sao Vàng; phấn đấu đến năm 2015 cơ bản hoàn thiện hạ tầng và thu hút đầu tư.

Về giải pháp: tập trung chỉ đạo có hiệu quả, nâng cao chất lượng thực hiện công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; đảm bảo các điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp đã xây dựng đi vào hoạt động sản xuất; tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng các KCN; đổi mới và tăng cường công tác xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa giáo dục và đào tạo, định hướng cho các trường nghề mở thêm các ngành nghề mới phù hợp với tình hình thực tế và chủ động phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề cho các doanh nghiệp...

(*) Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn

Nghi Sơn gọi vốn đầu tư
Trong hai ngày 23 - 24/10/2013, Thanh Hóa sẽ tổ chức Diễn đàn Xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn và vùng phụ cận. Ngay trước khi Diễn đàn diễn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư