Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Nghịch lý dịch vụ Logistics Việt Nam: Chi phí cao, đóng góp cho GDP thấp
Hoàng Anh - 24/11/2019 10:49
 
Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019 diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ ra nghịch lý của ngành dịch vụ logistics Việt Nam là đóng góp cho GDP thì thấp nhưng chi phí logistics của doanh nghiệp lại tăng, ngược lại so với thế giới.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho ngành dịch vụ logistics. Như năm 2019 dự kiến kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 530 tỷ USD, trong đó riêng hàng hoá nông sản đạt kim ngạch khoảng 41 tỷ USD...

Theo Phó thủ tướng, Đảng và Nhà nước rất coi trọng việc phát triển ngành dịch vụ logistics. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng XII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2020 đã xác định mục tiêu tốc độ tăng trưởng dịch vụ nói chung phải cao hơn tốc độ tăng GDP và trong phát triển dịch vụ thì  ưu tiên phát triển các loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao, hiện đại và có tính hội nhập quốc tế, trong đó có dịch vụ logistics. Thủ tướng Chính phủ cũng ra Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 ban hành Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh logistics tới năm 2025.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã Quyết định bổ sung nhiệm vụ của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và Tạo thuận lợi thương mại có nhiệm vụ giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành, phối hợp hoạt động của các Bộ, các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong việc hoàn thiện chính sách; triển khai các giải pháp phát triển, cải thiện chất lượng, nâng cao tính hiệu quả và khả năng đáp ứng của các dịch vụ logistics theo yêu cầu phát triển kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của thương mại và nền kinh tế.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ ra nghịch lý của ngành dịch vụ logistics Việt Nam khi chi phí logistics nước ta khá cao. Ông dẫn ví dụ như 1kg quả thanh long xuất khẩu sang Hoa Kỳ bằng đường hàng không có chi phí logistics khoảng 3,5USD, nếu giá bán 7 USD thì chi phí logistics đã chiếm mất 50%. Hay 1kg tôm chuyển lên khu vực miền núi (trong nước) đắt hơn chuyển 1kg tôm từ Ecuado về Việt Nam...

“Chi phí logistics của ta hiện nay quá cao so với thế giới. Có một nghịch lý là đóng góp cho GDP thì thấp mà chi phí logistics của doanh nghiệp lại cao, ngược lại so với thế giới”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, càng đầu tư nhiều lĩnh vực logistics càng làm lợi cho người nông dân và doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 giảm chi phí logistics giảm xuống khoảng 16% tỷ trọng GDP (hiện nay chi phí đang cao hơn 20%). Đóng góp cho GDP là 8 đến 10% GDP (hiện khoảng 4 đến 5%)...

Các đại biểu thảo luận tại Diễn đàn.
Các đại biểu thảo luận tại Diễn đàn.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, muốn đạt được mục tiêu đề ra chúng ta phải đổi mới ở tất cả các khâu. Vì từ ngay ở khâu sản xuất đã liên quan đến logistics, rồi đến dịch vụ đầu vào, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch... tất cả đều liên quan đến logistics. Chúng ta sản xuất tốt nhưng chế biến còn hạn chế, như công nghệ chuỗi lạnh của mình đang rất kém, bán hàng thô, nặng và sơ chế sau thu hoạch còn hạn chế. Trong khi đó chất lượng sản phẩm quyết định đến phương thức vận tải.

Phó Thủ tướng tin tưởng, công nghệ thông tin sẽ làm logistics Việt Nam “cất cánh” được ở Việt Nam trên các nền tảng robot tự làm, định vị dẫn đường, giám sát, ứng dụng quét mã vạch trong quản lý kho bãi, tối ưu hóa tồn kho dựa trên công nghệ điện toán đám mây, tích hợp dịch vụ quản lý đơn hàng, bán hàng trực tuyến... Ngoài ra doanh nghiệp cần thay đổi mô hình, phương thức kinh doanh để tiết giảm tối đa chi phí, tối ưu hóa lợi ích.

Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019 diễn ra tại thành phố Đà Nẵng.
Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019 diễn ra tại thành phố Đà Nẵng.

Về hạ tầng để phát triển logistics, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần tập trung hoàn thiện kết nối Bắc- Nam, ưu tiên cho cao tốc đường bộ tới từng tỉnh trong giai đoạn 2021- 2025. Bên cạnh đó là quan tâm tới kết nối Đông - Tây để sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, đường bộ, cảng biển của các vùng và cả nước cũng như các quốc gia trên Hành lang kinh tế  Đông- Tây...

Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019  là sự kiện thường niên lớn nhất về ngành dịch vụ Logistics. Diễn đàn tập trung phân tích và đề xuất giải pháp phát triển logistics hành lang kinh tế Đông tây, các mô hình kinh tế chia sẻ trong logistics và đặc biệt nhận diện và hiến kế các giải pháp có tính đột phá và thực tiễn nhằm thúc đẩy logistics nâng cao giá trị nông sản của Việt Nam. Diễn đàn Logistics Việt Nam thường niên 2019  cũng đặt mục tiêu tăng cường kết nối đa phương, kết nối chuỗi giá trị tạo nền tảng bền vững nâng cao giá trị đóng góp của Logistics trong GDP cả nước trong những năm tới.

Đối tác Hà Lan chia sẻ kinh nghiệm đào tạo nhân lực hàng hải và logistics
Hội ATGT Việt Nam vừa phối hợp Tập đoàn STC (Hà Lan) tổ chức Hội thảo “Các xu hướng tiên tiến trong đào tạo nguồn nhân lực ngành cảng,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư