Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Nghiên cứu Nghị quyết 98 để xây dựng cơ chế đặc thù cho vùng Đông Nam bộ
Trọng Tín - 18/07/2023 11:34
 
Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho rằng, có thể nghiên cứu Nghị quyết 98 để đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển vùng Đông Nam bộ.

Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ diễn ra vào ngày 18/7, ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải cho biết Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5 quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực giao thông vận tải.

Trong đó, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Vùng Đông Nam bộ đã được quy hoạch theo hướng tích hợp, bảo đảm tính liên kết đồng bộ, phát huy lợi thế của từng phương thức vận tải, trong đó cảng biển, cảng hàng không đóng vai trò trung tâm.

a
Ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thành Nhân

Theo các quy hoạch, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông Vùng Đông Nam Bộ khoảng 738.500 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 342.000 tỷ (ngân sách Trung ương 60.800 tỷ; ngân sách địa phương 29.700 tỷ đồng; vốn của doanh nghiệp nhà nước 109.000 tỷ đồng; vốn huy động nhà đầu tư 142.500 tỷ đồng); giai đoạn 2026 - 2030 nhu cầu khoảng 396.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ, ông cho rằng cần chủ động vượt qua 4 thách thức: suy thoái kinh tế toàn cầu, sức khỏe doanh nghiệp suy giảm, nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng lớn trong khi nguồn ngân sách nhà nước có hạn; thiếu vắng những cơ chế, chính sách đột phá, đủ hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.

Cùng với đó là tận dụng triệt để các yếu tố thuận lợi. Trong đó TP.HCM trung tâm của vùng nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước với nhiều nghị quyết, chương trình hành động, mới đây nhất là Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM chắc chắn sẽ đem lại kết quả tích cực cho Thành phố và lan tỏa đến các địa phương trong vùng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng có thể nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, vượt trội để đẩy mạnh phát triển Vùng Đông Nam bộ, thúc đẩy liên kết vùng tương tự như một số cơ chế, chính sách thí điểm của TP.HCM trong Nghị quyết 98.

Trong đó, tập trung vào một số cơ chế như thực hiện phân cấp, phân quyền triệt để cho các địa phương có năng lực kinh nghiệm thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng liên vùng, nhằm chủ động huy động, sử dụng các nguồn lực của địa phương, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và bố trí nguồn lực phù hợp.

Xây dựng các cơ chế, chính sách tăng tính hấp dẫn và hiệu quả đầu tư của các dự án PPP như: tăng tỷ lệ phần vốn góp của nhà nước tham gia dự án; khai thác có hiệu quả nguồn lực từ tài sản kết cấu hạ tầng (như nhượng quyền khai thác kết cấu hạ tầng giao thông sẵn có), xây dựng cơ chế ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược….

Đặc biệt là nghiên cứu, triển khai cơ chế tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ hai bên tuyến đường bộ cao tốc, các công trình nhà ga của tuyến đường sắt qua đô thị gắn với mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD).

Về lập và tổ chức thực hiện quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng cần sớm hoàn thiện các quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng Đông Nam bộ trong đó tích hợp đầy đủ, thống nhất và đồng bộ với 5 quy hoạch chuyên ngành Giao thông - Vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sau khi quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các cơ quan, địa phương quản lý quy hoạch có trách nhiệm công bố, công khai quy hoạch, xây dựng kế hoạch thực hiện, triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế tham gia. Các bộ, ngành và địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện và có trách nhiệm phối hợp trong việc giám sát, kiểm tra và hướng dẫn thực hiện quy hoạch.

Trên cơ sở các quy hoạch được phê duyệt, ông Thắng cũng cho rằng, cần xây dựng danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2030 của Vùng để huy động tối đa các nguồn vốn ngoài ngân sách, sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước với mục tiêu “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, trong đó tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, tạo ra liên kết vùng.

Ngoài ra, các địa phương trong vùng cũng cần chủ động dành nguồn lực để đầu tư, hoàn thiện, nâng cấp kịp thời các tuyến đường kết nối từ đường cao tốc, giao thông trục chính vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển, sân bay và cảng thủy nội địa, để đảm bảo khai thác đồng bộ hạ tầng giao thông, không để xảy ra tình trạng “cảng chờ đường” gây lãng phí nguồn lực.

TP.HCM muốn vận dụng cơ chế đặc thù lập Quỹ phát triển giao thông vùng Đông Nam Bộ
Mô hình Quỹ phát triển giao thông vùng Đông Nam Bộ được đề xuất như một công cụ, phương án để tổ chức và duy trì nguồn tài chính cho liên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư