Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Ngộ độc bếp ăn tập thể do khó kiểm soát nguồn gốc thực phẩm
Hồng Nhung - 27/03/2017 14:16
 
Đó là khẳng định của đại diện Cục An toàn thực phẩm tại Hội thảo “Trường học nói không với thực phẩm bẩn” diễn ra sáng ngày 25/3/2017.
Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Chia sẻ tại hội thảo Thạc sĩ Cao Văn Trung - Phó phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế) cho biết, an toàn thực phẩm nói chung và an toàn thực phẩm trong bếp ăn tại trường học đang trở thành mối quan tâm của toàn xã hội.

Theo Thạc sĩ Cao Văn Trung các vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong trường học chiếm tỷ lệ thấp (chiếm 3,7%) trong tổng số vụ ngộ độc thực phẩm trung bình hàng năm. Tuy nhiên đối tượng bị ngộ độc lại là học sinh nhỏ tuổi, sức đề kháng thấp vì thế hậu quả gây ra nghiêm trọng hơn.

Theo Thạc sĩ Trung trong giai đoạn 2010 – 2015, toàn quốc đã ghi nhận 1.027 vụ ngộ độc thực phẩm với 32.434 người mắc. Riêng năm 2016, toàn quốc ghi nhận 174 vụ ngộ độc thực phẩm với 4.554 người mắc, trong đó 7 vụ gộ độc thực phẩm xảy ra tại bếp ăn trường học làm 346 người đi viện.

Theo đại diện cục An toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể trường học xảy ra ở hầu hết các tháng trong năm, nhiều nhất ghi nhận vào tháng 3 và tháng 10, ít nhất vào giai đoạn học sinh được nghỉ hè.

.
Theo Thạc sỹ Cao Văn Trung (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế), đối tượng bị ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn trường học thường là học sinh nhỏ tuổi, sức đề kháng thấp vì thế hậu quả gây ra nặng nề hơn.

“Vào tháng 3, tháng 10 điều kiện thời tiết, khí hậu nóng ẩm vào mùa xuân, mùa hè tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển do vậy nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể cao hơn so với thời điểm khác trong năm”, Thạc sĩ Trung cho biết.

Cũng theo Thạc sĩ Trung, Nguồn thực phẩm nguyên liệu cung cấp cho bếp ăn tập thể trong các trường học rất đa dạng, khó kiểm soát an toàn thực phẩm triệt để; Các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn không ngừng gia tăng, nhiều cơ sở quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở rất thủ công, khó kiểm soát yêu cầu về an toàn thực phẩm (phương tiện, dụng cụ chế biến, bảo quản, thời gian vận chuyển...).

Dưới góc nhìn cơ quan kiểm tra, giám sát thực hiện quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, Đại úy Phạm Thế Anh cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường (Công An Thành phố Hà Nội) cho biết, những năm gần đây, tình hình hoạt động tội phạm, vi phạm về môi trường trong lĩnh vực an toàn thực phẩm làm lây lan dịch bệnh cho người, gia súc, gia cầm trên địa bàn Hà Nội và nhiều địa phương trong cả nước có diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Riêng bếp ăn tập thể trong nhà trường theo điều tra cơ bản của Phòng Cảnh sát môi trường (Công an Thành phố Hà Nội) hiện trên địa bàn thủ đô có khoảng 912 trường mầm non và 714 trường tiểu học, trong đó hầu hết các trường đều có bếp ăn tập thể phục vụ các cháu học sinh. Do vậy nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao.

.
Đại úy Phạm Thế Anh cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường (Công An Thành phố Hà Nội) chia sẻ thông tin tại Hội thảo

Để giải tránh nguy cơ , Đại úy Phạm Thế Anh cho rằng, ban giám hiệu các trường cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc tuyển chọn các đơn vị cung cấp xuất ăn sẵn.

Nhà trường cần thường xuyên cử cán bộ nhà trường giám sát, đôn đốc việc nhập hàng thực phẩm, sơ chế và chế biến tại các bếp ăn của trường.

Ngoài ra, nhà trường cần hối hợp với gia đình trong việc kiểm tra giám sát các đơn vị cung cấp xuất ăn sẵn và quản lý giáo dục con em mình để tránh xa ngộ độc và xỷ lý khi bị ngộ độc.

Chia sẻ kinh nghiệm quản lý an toàn thực phẩm tại bếp ăn trong hệ thống trường quốc tế Newton Tiến sĩ Lê Thị Chính – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông quốc tế Newton cho hay, nhận thấy an toàn thực phẩm là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thương hiệu, uy tín và lương tâm nghề giáo nên lãnh đạo trường phổ thông quốc tế Newton kiểm soát độ an toàn thực phẩm dựa trên những quy định nghiêm khắc.

Trong đó trường Newton quy định chỉ được nhập thực phẩm từ các cơ sở mà Nhà trường đã kiểm định theo tiêu chuẩn của các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm; chỉ được sử dụng thực phẩm tươi sống hàng ngày, nhập đến đâu dùng tới đó, không lưu trữ.

“Nếu như thức ăn hôm đó không dùng hết thì thức ăn phải mang về bằng cách chủ bếp chia thức ăn đó cho các nhân viên của bếp để gia đình sử dụng, không được mang trở lại trường. Nếu phát hiện, nhân viên nào đưa thức ăn trở lại thì Nhà trường sẽ phạt 20 triệu ngay lập tức”, Tiến sĩ Lê Thị Chính cho biết.

Góp ý về các biện pháp giúp các trường mầm non, tiểu học giám sát an toàn thực phẩm để từng bước đẩy lùi thực phẩm bẩn ra khỏi bếp ăn trường học, ông Nguyễn Phan Huy Khôi, đại diện Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho hay, theo khảo sát của Tân Hiệp Phát, thực phẩm là mảng ở vị trí cao thứ 3 trong tổng số các chủ đề được mang thảo luận trên mạng xã hội. Và mối quan tâm đặc biệt của xã hội về thực phẩm, đó là nguồn gốc, địa chỉ mua hàng, tiêu chí thực phẩm sạch, giá cả, đóng gói, hạn sử dụng...

Ông Khôi chia sẻ, với doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực thực phẩm như Tân Hiệp Phát vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm luôn là yêu cầu số 1. An toàn thực phẩm sẽ là điểm tựa để doanh nghiệp gây dựng niềm tin, khẳng định thương hiệu trên thị trường. Ý thức điều đó nên trong những năm qua Tân Hiệp Phát luôn ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất thế giới để sản xuất các sản phẩm nước giải khát, bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng.

Có thể nói, thông qua Hội thảo “Trường học nói không với thực phẩm bẩn” phụ huynh học sinh cũng như thầy cô đại diện nhiều trường mầm non, tiểu học lớn tại Thành phố Hà Nội đã được đại diện các cơ quan chức năng, các chuyên gia chia sẻ và cung cấp bức tranh toàn diện về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay..

* Hội thảo “Trường học nói không với thực phẩm bẩn” thu hút sự tham dự của gần 100 khách mời là các bậc phụ huynh, thầy cô giáo các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
Hội thảo do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức, có sự đồng hành của Ngân hàng Vietinbank, Tập đoàn Tân Hiệp Phát và Trường quốc tế Newton.
* Với mong muốn toàn xã hội đặc biệt là các bậc phụ huynh, thầy cô nâng cao hơn nữa nhận thức về các vấn đề an toàn thực phẩm để học sinh được phát triển toàn diện nên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã phối hợp cùng các đơn vị tiến hành triển khai Dự án “Vệ sinh an toàn thực phẩm và Dinh dưỡng học đường”.
Dự án sẽ bao gồm chuỗi các hội thảo do Báo tổ chức, tập trung vào chủ đề chính là vấn nạn thực phẩm bẩn trong trường học, xây dựng thực đơn tiêu chuẩn cho học sinh và các phương pháp phát triển toàn diện cho trẻ nhỏ. Cách nhận biết thực phẩm, đồ ăn thức uống sạch, an toàn, đồng thời cung cấp kiến thức cơ bản nhằm đảm bảo phòng, tránh ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn trường học
Tình trạng thực phẩm bẩn: "Con sâu không chỉ làm rầu nồi canh"
Vấn đề mất an toàn trong vệ sinh thực phẩm còn ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi Việt Nam, hơn nữa là niềm tin của người tiêu dùng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư