Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 05 năm 2024,
Ngoài điện tử, nông sản, dệt may, giày dép, xuất khẩu Việt Nam còn trông vào ngành nào
Thế Hải - 20/09/2022 11:00
 
Việt Nam cần lựa chọn ra lĩnh vực ưu tiên xuất khẩu, thực hiện cải cách mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong các ngành dẫn đầu này, từ đó tạo ra nhiều việc làm hơn nữa.
Giám đốc Điều hành ITC, bà Pamela Coke-Hamilton khuyến nghị Việt Nam lựa chọn các lĩnh vưc ưu tiên xuất khẩu hàng đầu, cải cách chính sách, tạo thêm nhiều việc làm trong các ngành xuất khẩu chủ lực.
Giám đốc Điều hành ITC, bà Pamela Coke-Hamilton khuyến nghị Việt Nam lựa chọn các lĩnh vưc ưu tiên xuất khẩu hàng đầu, cải cách chính sách, tạo thêm nhiều việc làm trong các ngành xuất khẩu chủ lực.

Áp lực nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu

Sau 10 năm thực thi Chiến lược Xuất - Nhập khẩu hàng hoá giai đoạn 2011 - 2020, xuất khẩu của Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng, đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế của đất nước.

Thời kỳ 2011 - 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 2,7 lần, từ 203,6 tỷ USD năm 2011 tăng lên 545,3 tỷ USD năm 2020. Về quy mô xuất khẩu, nếu như năm 2011, Việt Nam ở vị trí thứ 41 thì đến năm 2015 đã vươn lên vị trí thứ 32 và đến năm 2020 ở vị trí thứ 22.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu năm 2020 Việt Nam đã vươn lên vị trí 19 thế giới so với vị trí 33 của năm 2011 và từ năm 2016 đến nay, cán cân thương mại luôn ở vị thế xuất siêu.

Tuy nhiên, ở giai đoạn này dù tăng trưởng xuất khẩu cao nhưng chưa bền vững khi cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu còn chậm chuyển dịch, cán cân thương mại song phương với một số thị trường lớn chưa hợp lý.

Nền kinh tế chưa khai thác hết lợi thế cạnh tranh xuất khẩu dựa vào công nghệ, trình độ lao động, quản lý để tạo ra các nhóm hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao.

Chuyên gia Kinh tế Lê Quốc Phương trong một sự kiện gần đây về tận dụng các FTA để xuất khẩu từng đánh giá, quy mô xuất khẩu của nền kinh tế ngày càng lớn nhưng thực tế là.xuất khẩu vẫn đang đứng trước bài toán về nâng cao giá trị gia tăng, tăng hàm lượng chế biến sâu trong hàng hóa xuất khẩu. cần tiến tới giảm dần phụ thuộc vào khối FDI.

Xuất khẩu mới tăng trưởng mạnh về số lượng, song chất lượng chưa theo kịp, giá trị gia tăng trong xuất khẩu thấp. So với các nước ASEAN như Thái Lan, Singapore, Indonesia, giá trị gia tăng của Việt Nam thấp hơn nhiều.

Hiện 86% tỷ trọng xuất khẩu từ công nghiệp chế biến chế tạo, nhưng vẫn chủ yếu gia công, lắp ráp là chính, lĩnh vực nông, lâm, thủy sản thì xuất thô còn nhiều, chế biến sâu vẫn hạn chế.

Xuất khẩu tăng trưởng cao nhưng chưa bền vững do phụ thuộc quá lớn vào doanh nghiệp FDI, chiếm 3/4 xuất khẩu, còn lại là doanh nghiệp nội. Lĩnh vực dệt may, da giày, trên 60% đóng góp bởi khối FDI; lĩnh vực điện tử, máy tính, khối FDI còn chiếm gần 100%.

Do đó, Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt đã quán triệt chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội, nhấn mạnh tới xu hướng mới trong kinh tế - thương mại quốc tế như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…

Tại Hội thảo “Xu hướng toàn cầu và Việt Nam: Quan điểm từ chiến lược xuất khẩu quốc gia do Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), Bộ Công thương tổ chức, bà Nguyễn Thuý Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương), Giám đốc dự án SwissTrade cho biết, phát triển kinh tế xanh để có tăng trưởng xanh là chiến lược của ngành công thương đặt ra cho giai đoạn tới.

Các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công thương sẽ tập trung vào mô hình tăng trưởng bền vững, giảm phát thải, phát triển công nghiệp sinh thái, tập trung phát triển năng lượng tái tạo, ưu tiên phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn…

"Xuất khẩu vẫn là một trong những trụ cột tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, nhưng đảm bảo phát triển xuất nhập khẩu bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu",  bà Nguyễn Thuý Hiền nhấn mạnh.

Xác định ngành xuất khẩu ưu tiên

Bà Pamela Coke-Hamilton, Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cho rằng, Việt Nam cần hoàn thiện các chiến lược ngành hàng xuất khẩu chủ lực và lựa chọn ra lĩnh vực là ưu tiên hàng đầu, thực hiện cải cách mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong các ngành dẫn đầu, tạo ra nhiều việc làm trong những ngành tiềm năng.

Đại diện ITC cho rằng, điện tử, gỗ và đồ nội thất; thương mại nông sản và dệt may, giày dép... sẽ là những lĩnh vực xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam. Ngoài ra, thương mại là chuyển đổi số; đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; chất lượng, tiêu chuẩn và chứng nhận; tính bền vững và bao trùm và tạo thuận lợi thương mại.

Những lĩnh vực này sẽ đóng góp quan trọng cho việc phát triển chuỗi giá trị và phát triển xuất khẩu đồng thời có tác động lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế.

Đại biện lâm thời, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam, bà Nicole Wyrsch nhấn mạnh, trong xu hướng các nước châu Âu tăng nhập khẩu hàng hóa mà quá trình sản xuất giảm phát thải, ít gây ô nhiễm, tiết kiệm nguyên nhiên liệu, doanh nghiệp Việt Nam đi theo hướng này sẽ nâng được chất lượng hàng hóa xuất khẩu, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia và thu được giá trị gia tăng tốt hơn.

"Thuỵ Sỹ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy các tiêu chuẩn bền vững, sản xuất ít phát thải/không có phát thải các-bon, xúc tiến thương mại số cũng như tuân thủ hệ thống thương mại dựa trên quy tắc", bà Nicole Wyrsch nói.

Là ngành xuất khẩu thuộc TOP 3, đóng góp trên 40 tỷ USD trong năm 2021, dệt may đang đứng trước bài toán chuyển đổi sản xuất để thích ứng với nhu cầu thay đổi tại nhiều thị trường lớn.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), Lê Tiến Trường cho biết, đối với trung hạn, các dự án của Tập đoàn được đổi mới theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dù chấp nhận suất đầu tư của các dự án này rất lớn, chi phí vận hành cao. Vì vậy, ông khuyến nghị, cần có chính sách phù hợp với thực tiễn này, bởi vì cộng đồng châu Âu đến đầu năm 2023 sẽ có chính sách chung về mặt hàng thời trang.

"Đức đã có chính sách từ 01/01/2023 quản lý chuỗi cung ứng gắn với tiêu chuẩn khắt khe về trách nhiệm thẩm định về môi trường trong chuỗi cung ứng của họ", ông Trường nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư