Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Người lao động làm thêm giờ - câu hỏi day dứt
Nguyên An - 05/03/2022 08:11
 
Từng nóng rực nghị trường khi Bộ luật Lao động được đưa ra sửa đổi, nay sự "linh hoạt" thời gian làm thêm giờ lại được đặt ra trong bối cảnh dịch Covid-19 làm tan tác thị trường lao động.

Nếu nói chính xác hơn nữa, thì trước khi nóng trên nghị trường, vấn đề làm thêm giờ đã nóng ở rất nhiều diễn đàn khác, khi nhiều hiệp hội doanh nghiệp cả trong và ngoài nước nhiều lần đề xuất nới lỏng quy định theo hướng bỏ ràng buộc theo tháng và nới rộng từ 200 giờ (Bộ luật Lao động 2012) lên 500 giờ/năm.

Năm 2019, khi sửa Bộ luật Lao động, Chính phủ đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa thêm 100 giờ, từ 300 giờ lên 400 giờ/năm.

Nhưng, tại nghị trường, cho đến phiên thảo luận cuối cùng trước khi bấm nút, các quan điểm vẫn đối nhau chan chát. Bên cạnh lập luận hùng hồn về việc cần tăng giờ làm để tăng sức cạnh tranh, là sự nghẹn ngào khi nói về nỗi niềm của những công nhân không tự nguyện, nhưng vẫn phải làm thêm vì thu nhập quá ít, bận đi làm đến mức cả năm không được gặp con một lần.

Quyết định của đa số đại biểu Quốc hội là, người sử dụng lao động được phép thỏa thuận với người lao động làm thêm không quá 40 giờ/tháng và chỉ một số ngành, nghề (như dệt may, da giày, chế biến thủy, hải sản…) được làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm.

Về nguyên tắc, để sửa quy định này, phải sửa Bộ luật Lao động. Song mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về tăng số giờ làm thêm tối đa từ 40 giờ lên 72 giờ/tháng, nhưng không quá 300 giờ/năm, không giới hạn nhóm ngành nghề, công việc.

Một trong các cơ sở để đưa ra kiến nghị khác luật này là Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV đã giao Chính phủ “tiếp tục có biện pháp thiết thực, hiệu quả hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động”. Và "trường hợp cần thiết phải ban hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 khác với quy định của luật, thì trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện".

Cơ quan trình chính sách cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải "nới" trần làm thêm giờ là để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động và tăng sự linh hoạt khi tổ chức sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid -19.

Không có gì cần bàn cãi về hai chữ "linh hoạt" đó, song với trọng trách đại diện cho dân, lại từng bấm nút thông qua Bộ luật Lao động hiện hành, một số đại biểu Quốc hội khi tham gia thẩm tra sơ bộ (một khâu bắt buộc trong ban hành chính sách) đã đặt ra không ít câu hỏi không dễ trả lời thoả đáng với cơ quan đề xuất chính sách.

Đó là, sẽ kiểm soát việc lạm dụng chính sách thế nào, bởi tăng giờ làm thêm sẽ đỡ tốn kém hơn việc tuyển thêm lao động. Day dứt nhất vẫn là câu hỏi cũ còn nguyên tính thời sự, rằng với mức lương tối thiểu quá thấp như hiện nay, dù làm thêm giờ thì có thêm thu nhập, nhưng thu nhập đó liệu có đủ bù đắp hao tổn về sức khoẻ và những chi phí phát sinh khi cuộc sống gia đình xáo trộn? Chưa kể, với hiệu quả quản lý nhà nước như hiện nay, việc "lách luật" để người lao động làm thêm quá khung giờ đã không còn hiếm. Nếu nới rộng gần gấp đôi số giờ làm thêm trong một tháng, thì các quyền đã được hiến định của lao động như học tập nâng cao tay nghề, giải trí, chăm sóc gia đình... bị ảnh hưởng đến mức nào?

"Rất nhiều công nhân đã lên tiếng cần phải tăng lương tối thiểu. Khi điều này chưa được đáp ứng, thì với thu nhập quá thấp, họ miễn cưỡng chấp nhận làm thêm giờ mà không lo nhiều đến sức khoẻ hay hệ lụy lâu dài. Vì thế, chính sách cần thiết phải linh hoạt, nhưng linh hoạt trong khung khổ để hài hòa lợi ích", một vị đại biểu Quốc hội cũng là cán bộ công đoàn bày tỏ.

Linh hoạt trong khung khổ cũng là điểm gặp nhau trong quan điểm của cả người sử dụng lao động lẫn lao động, đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế. Linh hoạt tức có thể chấp nhận tăng từ 40 giờ lên 72 giờ, nhưng việc này không được kéo dài liên tục trong nhiều tháng. Còn trong khung khổ tức không thể mở rộng mức làm thêm quá 300 giờ/năm với mọi ngành nghề, mà chỉ được áp dụng như hiện tại.

Khôi phục sản xuất vừa là yêu cầu trước mắt, nhưng cũng là bài toán lâu dài. Doanh nghiệp muốn giữ gìn vốn quý nhất của mình - nguồn nhân lực - trước hết cần làm sao để người lao động an tâm gắn bó, tự nguyện chia sẻ khó khăn, trước khi trông chờ vào sự "linh hoạt" của chính sách, nhất là những chính sách liên quan đến quyền con người và chỉ có thể được điều chỉnh bằng luật.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư