Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Người Việt cần một tâm hồn có “cấu hình” mạnh về bản sắc, nhân văn
Hải Hà - 29/01/2020 19:27
 
Th.S Vũ Đức Liêm, Giảng viên Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội, nghiên cứu lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á cận và hiện đại tại Đại học Hamburg (Đức) khẳng định, trong thế giới quay cuồng cạnh tranh của công nghệ ngày nay, con người không chỉ cần một chiếc máy tính đời chót, mà quan trọng hơn là sở hữu tâm hồn có “cấu hình” mạnh về bản sắc, bản lĩnh và các giá trị nhân văn.
Th.S Vũ Đức Liêm.
Th.S Vũ Đức Liêm.

Thưa ông, Việt Nam được biết đến là quốc gia phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng càng trở ngại, càng khó khăn, thì niềm tin của người Việt lại càng trở nên sắt đá. Yếu tố nào trở thành bệ đỡ để người Việt đối mặt những thách thức luôn hiện hữu?

Lạc quan là một nét tư duy rất đáng chú ý của người Việt. Bệ đỡ của tư duy này có thể xuất phát từ hai yếu tố. Thứ nhất là tính cố kết cộng đồng. Việc tổ chức hành chính theo làng và sự nhỏ hẹp của mạng lưới đô thị thời tiền thực dân giúp thúc đẩy tính cách cộng đồng bền chặt và gắn bó với nhau. Ngày nay, khi dọn vào chung cư đô thị, người ta vẫn tạo ra các “làng cao tầng”. Đồng cam cộng khổ, “bán anh em xa, mua láng giềng gần” để đùm bọc lẫn nhau trở thành cách để người Việt vượt khó. 

Điều thứ hai giúp người Việt vượt qua khó khăn và thử thách trong cuộc sống chính là tinh thần cần cù, tính kiên nhẫn, bền bỉ tới mức hiếm có. Cộng đồng người Việt ở phương Tây nổi tiếng chăm chỉ và chịu khó. Văn hóa người Việt tạo ra từ cách người Việt tạo dựng cuộc sống và xã hội của mình, một phần khác tới từ niềm tin vào công lý, lẽ công bằng và sự đền đáp từ thành quả lao động chân chính. Phải là những người lạc quan và tin tưởng vào kết cục tốt đẹp ở tương lai, thì mới có được sự kiên trì, chịu khó đến vậy. Các câu chuyện cổ tích hay văn chương, tư duy của người Việt đều tạo ra ít tác phẩm bi kịch. Kết cục có hậu không chỉ phản ánh tính nhân văn, mà còn là diễn ngôn của con người về thế giới mà họ kỳ vọng.

Sức mạnh của câu chuyện cố kết dân tộc còn được phản ánh rõ nét trong sự tham dự của mọi tầng lớp nhân dân trong công cuộc giải phóng dân tộc. Người Pháp và Mỹ đã thất bại khi tiến vào làng Việt. Tính cố kết cộng đồng và bảo lưu bản sắc đó sẽ đánh bật bất cứ cuộc xâm lược nào từ bên ngoài. 

Cựu bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Mcnamara từng viết trong hồi ký rằng, người Mỹ đã đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc Việt trong việc thúc đẩy một cộng đồng người chiến đấu và hy sinh cho các giá trị và niềm tin của họ.  

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đặt lo ngại về việc hao hụt văn hóa khi người Việt đang cuốn vào vòng xoáy đời sống vật chất?

Tôi không nghĩ người Việt giờ đây “hao hụt văn hóa”. Họ vẫn là những người Việt Nam thân thương của ngày nào, đi ra từ trong truyền thống. Tôi vẫn tìm thấy các giá trị văn hóa, nhân văn trong các thế hệ người Việt Nam, từ những người thế hệ ông bà, cha mẹ, anh chị, đến những người đồng trang lứa với tôi. Họ vẫn là người Việt Nam, con Rồng cháu Lạc, cần mẫn và chịu khó.

Điều thay đổi chính là khung cảnh kinh tế - xã hội diễn ra quá nhanh trong mấy thập kỷ gần đây. Với thế hệ tuổi ông bà, bố mẹ tôi thì những gì diễn ra 30 năm qua là không thể tưởng tượng được. Từ kỷ nguyên xe đạp tới kỷ nguyên xe máy, và giờ là xe hơi, máy bay; từ kỷ nguyên của cửa hàng mậu dịch tới các siêu thị…, sự chuyển dịch này kéo theo biến đổi tổ chức xã hội, dân cư, quan hệ giữa con người với con người, con người với nhà nước, tôn giáo… và các thiết chế khác. 

Văn hóa bao giờ cũng có độ trễ so với biến động kinh tế - xã hội và bây giờ thì những thay đổi kinh tế mới tạo ra tác động lên hệ thống văn hóa và ứng xử của chúng ta. Chúng ta sẽ mất thời gian để xã hội Việt Nam tự tổ chức lại, tái cấu trúc hệ thống xã hội, quan hệ, ứng xử, điều hòa lại các hệ giá trị, giữa cái riêng với cái chung, giữa cái tôi với lợi ích cộng đồng….

Sau khi trật tự xác lập, tôi tin người Việt sẽ biết tìm về các chân giá trị và bồi đắp thêm bản sắc, truyền thống của cộng đồng mình như các thế hệ trước đã làm hàng trăm, hàng ngàn năm qua.

Tôi không nghĩ người Việt giờ đây “hao hụt văn hóa”. Họ vẫn là những người Việt Nam thân thương của ngày nào, đi ra từ trong truyền thống

Big Data, AI, STEM, 4.0… giờ đã trở thành những thuật ngữ quen thuộc. Làn sóng công nghệ này đang tạo ra một nền giáo dục đánh giá các ngành xã hội nhân văn bằng thước đo kỹ nghệ và lợi nhuận. Theo ông, đây có phải là điều đáng ngại cho phát triển văn hóa?

Không chỉ với lịch sử hay khoa học xã hội nhân văn, mà đây có lẽ là thách thức lớn nhất đối với con người và xã hội loài người trong tương lai. Kỹ thuật luôn là động lực cho sự phát triển của xã hội, tuy nhiên, khi thuật toán hiểu con người và can thiệp vào quá trình ra quyết định của con người, thì đó lại là một câu chuyện khác. Trong thế giới đó, mọi hệ giá trị, các quyết định và hoạt động của con người đều được đưa ra bàn cân về lợi nhuận. Hệ quả của nó là sự lên ngôi của nền giáo dục hướng tới công nghệ, toán và các môn khoa học tự nhiên. 

Cuộc cách mạng này là xu thế không thể đảo ngược, tuy nhiên từ góc độ một người làm khoa học xã hội, tôi chú ý nhiều hơn tới hệ quả trực tiếp của nó đối với việc hình thành nhân cách, tâm hồn và định hình các hệ giá trị của con người. 

Khi nền giáo dục trở nên “độc canh” và xã hội có quá nhiều toán học, quá ít lịch sử, triết học, nghệ thuật, chúng ta đang đẩy không gian xã hội loài người trở thành không gian thuật toán. Vì thế, con người đang đánh mất dần các không gian và các mối tương tác xã hội thực, thay bằng các quan hệ ảo, trong một không gian ảo và hoạt động của họ được lập trình bởi các phần mềm. Đến lúc con người phải tự trả lời câu hỏi: liệu điều đó có làm họ hạnh phúc không? Công nghệ đang đẩy xã hội loài người tới đâu?

Một trong những hệ quả trực tiếp là thay đổi của nền giáo dục hiện nay. Có quá nhiều không gian đô thị, máy tính và điện thoại thông minh mà thiếu đi nghệ thuật, thẩm mỹ và giao tiếp xã hội. Vì quá trình này mới chỉ bắt đầu, nên hệ quả của sự can thiệp công nghệ vào đời sống cũng mới ở giai đoạn sơ khai mà thôi. 

Tôi chỉ muốn dẫn ra một ví dụ đơn giản nhất của sự chuyển dịch công nghệ vào giáo dục, đó là kiểm tra đánh giá bằng trắc nghiệm. Khoan hãy nói tới việc thực thi này ưu nhược ra sao, ở đây, tôi chỉ muốn đề cập tới khía cạnh ngôn ngữ. Các sinh viên bây giờ, với tư cách là sản phẩm thi trắc nghiệm có thể tư duy rất nhanh, tìm ra đáp số chuẩn, nhưng rõ ràng là khả năng ngôn ngữ, diễn đạt và kỹ năng viết của các em đã bị ảnh hưởng khá nhiều. 

Nói điều này không phải muốn sinh viên bây giờ quay lại năm 1980, mà lưu ý tới một góc nhìn hài hòa và tỉnh táo hơn trong một thế giới đang quay cuồng với cuộc cạnh tranh các chỉ số tăng trưởng và các thiết bị hiện đại nhất. Ở đó, con người không chỉ cần một chiếc máy tính đời chót, mà quan trọng hơn là cần sở hữu một tâm hồn có “cấu hình” mạnh về bản sắc, bản lĩnh và các giá trị nhân văn.

Nhìn sang các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản…, thì thấy rằng, họ thành công dựa trên nền tảng của bản sắc dân tộc. Ở Việt Nam, ông có thấy giữa phát triển kinh tế và văn hóa có sự gắn kết không?

Tư duy về phát triển của chúng ta nhiều khi gặp vấn đề khi tách thịnh vượng kinh tế ra khỏi văn hóa. Có người lập luận, mình còn nghèo, làm giàu trước rồi sau đó có điều kiện sẽ xây dựng văn hóa. Thực tế, văn hóa cũng là một loại tài nguyên trong thời đại toàn cầu hóa. 

Nếu nhìn rộng ra, Việt Nam chưa phát huy các thế mạnh của mình trên nhiều phương diện. Ví dụ đơn giản, Việt Nam tự hào là nước có lợi thế về nông nghiệp, nhưng thịt lợn trong nước lại không thể cạnh tranh được về giá với thịt nhập khẩu.

Trên phương diện văn hóa, tinh thần cũng thế, các sản phẩm văn hóa Hollywood, K-Pop… án ngữ không gian văn hóa Việt. Đã đến lúc chúng ta không chỉ chế biến và dán nhãn cho hàng Việt (thương hiệu kinh tế), mà còn phải có chiến lược dán nhãn văn hóa bản sắc Việt (thương hiệu văn hóa). Hãy tưởng tượng chúng ta có thể phát huy hết tiềm năng của các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên, di sản vật thể và phi vật thể, các lễ hội, di tích, danh thắng… ra sân chơi quốc tế, lợi ích kinh tế mà văn hóa mang lại là không nhỏ. 

Một trong những vấn đề của xã hội đổi mới, mở cửa là xu thế chạy theo cái mới, học theo các xu thế quốc tế. Điểm trừ của quá trình này là nguy cơ đánh mất bản sắc của mình. Nhớ rằng, du khách phương Tây sang Việt Nam để xem Việt Nam có gì độc đáo, đặc sắc, chứ không phải để xem người Việt học và làm theo văn hóa phương Tây khéo như thế nào. Đừng nhầm lẫn hiện đại hóa, hội nhập với “tự đồng hóa”.

Hệ sinh thái vnEdu của VNPT giúp ngành giáo dục chuyển đổi số
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã thực hiện nghiên cứu xu thế và ứng dụng các công nghệ 4.0 vào xây dựng Hệ sinh thái giáo dục...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư