-
Ứng phó linh hoạt với biến động tỷ giá -
Ông Nguyễn Mạnh Hùng trở thành tân Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Xây dựng Việt Nam -
Ngân hàng không dám đặt mục tiêu tăng trưởng cao -
Ông Vũ Văn Tiền rời Hội đồng quản trị ABBank -
VPBank sẽ góp vốn vào GPBank sau khi nhận chuyển giao bắt buộc
Ngân hàng không dám đặt mục tiêu tăng trưởng cao
Lãi suất cho vay không thể tăng, trong khi lãi suất đầu vào có nguy cơ tăng vì áp lực tỷ giá là một trong những nguyên nhân khiến các ngân hàng thận trọng với mục tiêu tăng trưởng.
Năm 2024, BIDV tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 12,4%, tuy nhiên, năm 2025, ngân hàng này chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 6-10%.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một lãnh đạo ngân hàng này cho hay, năm 2024, dù “room” tín dụng của BIDV khá dồi dào và cầu vốn của nền kinh tế tốt hơn do Chính phủ triển khai nhiều Dự án lớn, cũng như chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song không có nghĩa lợi nhuận ngân hàng sẽ tăng trưởng mạnh theo.
“Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng cao, đồng nghĩa với ngành ngân hàng, đặc biệt là nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước (big 4), sẽ phải hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp nhiều hơn để thực hiện mục tiêu này. Do đó, dù vốn có thể bơm ra nền kinh tế nhiều hơn, song ngân hàng không thể đặt mục tiêu tăng trưởng cao, bởi phải hỗ trợ nền kinh tế. Trong năm 2024, BIDV đã giảm trên 8.600 tỷ đồng thu nhập để chia sẻ khó khăn với khách hàng”, đại diện BIDV cho biết.
Tương tự, năm 2025, Vietcombank chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 5% (tương đương năm 2024) dù mục tiêu tín dụng tăng tới 16,28%, cao hơn mức tăng trưởng năm 2024.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, triển vọng kinh tế năm 2025 sẽ sáng sủa hơn trong trường hợp đầu tư công tăng mạnh, cầu tiêu dùng nội địa không sụt giảm và tình hình kinh tế thế giới chuyển biến tích cực hơn. Theo đó, lợi nhuận ngân hàng năm 2025 cũng sẽ được cải thiện.
Tuy nhiên, nhiều khả năng, theo vị chuyên gia này, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế năm 2025 vẫn ở mức yếu, do đó lợi nhuận ngành ngân hàng cũng không có đột phá, mà sẽ ổn định như năm 2024.
Trong khi đó, chia sẻ về tăng tốc tín dụng để phục vụ mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay, lãnh đạo một ngân hàng TMCP tư nhân nói: “Tăng trưởng tín dụng không thể duy ý chí, mà phải phụ thuộc vào cầu tín dụng của nền kinh tế. Ngoài ra, cầu vốn của nền kinh tế không thể dựa hết vào ngân hàng, vì như vậy sẽ rất nguy hiểm. Nhưng tôi chắc chắn, các dự án hiệu quả sẽ không thiếu vốn”.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, năm 2025, có tới 15% tổ chức tín dụng lo lắng lợi nhuận sẽ giảm hoặc không đổi so với năm ngoái.
Theo các ngân hàng thương mại, hai yếu tố tác động mạnh nhất đến lợi nhuận năm 2025 là tỷ giá và lãi suất.
Từ đầu năm 2025 đến nay, Chỉ số USD Index liên tục tăng cao, hiện xoay quanh 109 điểm, gần mức đỉnh 2 năm và có nguy cơ tiến tới mốc đỉnh 20 năm. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối cuối năm 2024 đã giảm về mức thấp nhất 5 năm, sau khi NHNN liên tiếp bán ngoại tệ can thiệp thị trường.
Ông Nguyễn Đình Duy, CFA, Giám đốc, chuyên gia phân tích cao cấp VIS Rating cảnh báo, dự trữ ngoại hối sụt giảm khiến NHNN có ít dư địa hơn để đối phó với biến động ngoại hối thời gian tới. Nếu dòng vốn ngoại chảy ra khỏi Việt Nam tăng lên, không loại trừ NHNN sẽ phải tăng lãi suất để ổn định tỷ giá.
PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cũng cho rằng, trong bối cảnh USD tăng cao, Chính phủ sẽ phải ưu tiên ổn định tỷ giá. Theo đó, lãi suất năm 2025 khó tránh tăng lên, mức tăng khoảng 1%.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, lãi suất huy động tăng khoảng 1% là mức có thể chấp nhận được, không gây ảnh hưởng quá lớn đến kinh tế vĩ mô cũng như lợi nhuận ngân hàng.
Trả lời câu hỏi của báo chí mới đây, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng cho biết, mức độ tăng lãi suất trên thị trường chưa đến mức phải can thiệp, chưa thấy có hiện tượng tiền gửi chảy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác.
Dù vậy, theo các chuyên gia, để duy trì mặt bằng lãi suất ổn định năm 2025, NHNN phải chấp nhận VND mất giá ở mức phù hợp (có thể quanh mức 5%), thậm chí có thể phải “nới” biên độ tỷ giá thêm chút nữa. Nói chung, lãi suất cũng như lợi nhuận ngân hàng năm 2025 sẽ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố tỷ giá.
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho hay, ổn định tỷ giá năm 2025 là nhiệm vụ đầy thách thức, nhưng với dữ liệu hiện có và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, NHNN tin tưởng vào khả năng kiểm soát thị trường cũng như bảo vệ ổn định kinh tế vĩ mô thời gian tới.
Ứng phó linh hoạt với biến động tỷ giá
Trước áp lực USD còn tiếp tục tăng giá sau năm 2024 đầy biến động, doanh nghiệp cần linh hoạt để ứng phó với biến số tỷ giá, giảm thiểu ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.
Giữa tháng 1/2025, Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo sức mạnh đồng bạc xanh, trở lại tiệm cận mốc 110 điểm. Con số dữ liệu việc làm của Mỹ công bố cuối tuần trước đã làm giảm triển vọng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, nền kinh tế nước này đã tăng thêm 256.000 việc làm vào tháng 12/2024, tích cực hơn nhiều so với dự báo của các nhà kinh tế là 160.000, dù con số việc làm trong tháng 11 đã được điều chỉnh giảm xuống còn 212.000. Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4,1%, thấp hơn so với mức kỳ vọng là 4,2%.
Với các số liệu này, nhiều chuyên gia đã loại bỏ khả năng Fed phải cắt giảm lãi suất khẩn cấp, khi các nhà giao dịch đặt cược vào việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất ít hơn trong năm 2025. Những dự báo hiện tại cho thấy, các nhà giao dịch kỳ vọng nhiều hơn vào khả năng chỉ có một lần cắt giảm 25 điểm cơ bản đối với lãi suất quỹ liên bang vào nửa cuối năm.
Bức tranh về tương lai kinh tế Mỹ có lẽ sẽ rõ nét hơn, khi Tổng thống Donald Trump chính thức nhậm chức vào ngày 20/1. Dù vậy, chính quyền Trump 2.0 được đánh giá sẽ có nhiều yếu tố khó lường. Tại chương trình WeTalk “Đầu tư gì 2025?” mới đây, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã đưa ra nhận định về chính sách của Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ hai. Theo ông Thành, một trong những quan điểm cốt lõi của ông Trump là Mỹ sẽ thất bại nếu các quốc gia khác ngừng sử dụng USD. Mong muốn của vị Tổng thống này là tạo ra thị trường Mỹ hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư trên thế giới, tạo thu nhập và việc làm cho người dân Mỹ.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Duy Anh, Trưởng phòng Quản lý danh mục đầu tư VCBF cho rằng, chính quyền Mỹ sẽ tập trung rất nhiều để USD tiếp tục là đồng tiền chủ yếu trong dự trữ ngoại hối, thanh toán thương mại và các giao dịch tiền tệ trên toàn cầu. Dù chiếc ghế Chủ tịch Fed chưa có sự thay đổi, trong nội các mới, vị trí Bộ trưởng Bộ tài chính được giao cho tỷ phú Scott Bessent - một nhà đầu tư và nhà quản lý quỹ phòng hộ người Mỹ. Đây cũng là điểm mà vị chuyên gia từ VCBF đặc biệt lưu ý.
Từ cuối tháng 9/2024 đến nay, mạch tăng của USD đã kéo dài. Trong nửa đầu tháng 1/2025, Chỉ số DXY đã tăng 0,61%. Tại Việt Nam, tỷ giá trung tâm được ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh chỉ tăng 3 VND/USD. Tương ứng, tỷ giá tại các ngân hàng chỉ nhích nhẹ.
Trước đó, tỷ giá năm 2024 tăng 5,03%, có thời điểm tỷ giá tăng tới 7%. Đây là mức cao lịch sử, nhưng vẫn sụt giảm ít hơn so với đồng nội tệ của nhiều quốc gia khác. Đồng thời, theo đánh giá của NHNN, đây cũng là mức hài hòa, đảm bảo doanh nghiệp và nhà đầu tư không lo ngại, có tâm lý đầu cơ và găm giữ USD.
Theo số liệu từ nhiều tổ chức, NHNN đã bán ra dự trữ ngoại hối vào cuối năm 2024. Một chuyên gia kinh tế đến từ VIS Rating cho rằng, việc dự trữ ngoại hối về mức thấp nhất trong 5 năm gần nhất sẽ khiến dư địa để đối phó với những biến động về ngoại hối co hẹp lại. “Nếu dòng ngoại tệ chảy ra khỏi Việt Nam tăng lên và làm tỷ giá đồng Việt Nam sụt giảm mạnh, trong kịch bản đó, lãi suất tăng sẽ tác động làm suy yếu mức tăng trưởng và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nội địa”, vị chuyên gia nhận định.
Chưa tính đến kịch bản lãi suất biến động, tỷ giá VND/USD tăng đã nhanh chóng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp có các khoản vay nợ bằng USD, hay có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu sang các quốc gia mà đồng tiền bị mất giá.
Năm 2024, đứng trước biến động của tỷ giá, FPT đã mở rộng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, đồng thời thực hiện vay nợ bằng đồng yên. Phần nguồn thu giảm do đồng yên mất giá được bù lại bằng lãi chênh lệch tỷ giá liên quan đến khoản vay. Đồng thời, các năm qua, FPT cũng thực hiện phòng ngừa rủi ro toàn bộ đối với khoản vay bằng USD.
Hay như trường hợp của Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) - một doanh nghiệp đang vay nợ giá trị lớn bằng ngoại tệ do đặc thù các khoản đầu tư của ngành điện. Tại Hội nghị tổng kết năm 2024, lãnh đạo EVNGENCO3 cho biết, Tổng công ty thực hiện tái cấu trúc một phần khoản vay Dự án Nhà máy điện Mông Dương 1, với giá trị 81,5 triệu USD bằng vốn vay thương mại trong nước. Việc thực hiện cấu trúc lại nợ đã góp phần tiết giảm chi phí tài chính cả năm.
Theo ông Nguyễn Duy Anh, tỷ giá VND/USD tại Việt Nam nhiều năm qua giữ được mức tăng không quá lớn, khiến nhiều doanh nghiệp chưa quá quan tâm câu chuyện phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên, ông Duy Anh cho rằng, doanh nghiệp nên dần chấp nhận với việc phòng ngừa rủi ro, bởi hoạt động này sẽ hạn chế được ảnh hưởng từ biến động bất thường đến lợi nhuận.
Hiện tỷ giá là một biến số vĩ mô khó lường. Tuy vậy, không thể phủ nhận lợi ích của nguồn vốn vay ngoại tệ. Không chỉ có nguồn vốn dồi dào, lãi suất các khoản vay ngoại tệ thường thấp hơn nhiều trong nước. Vinhomes đã thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế với tổng giá trị 500 triệu USD. Trung tuần tháng 12/2024, doanh nghiệp bất động sản này đã nhận được sự chấp thuận về nguyên tắc của Sở Giao dịch chứng khoán Singapore và chờ ngày niêm yết trong thời gian tới.
Chính thức chuyển giao bắt buộc GPBank cho VPBank và DongA Bank cho HDBank
Quyết định chuyển giao bắt buộc Ngân hàng thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) cho Ngân hàng TMCP Việt Nam thịnh vượng (VPBank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank) cho Ngân hàng TMCP Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HDBank) đã diễn ra sáng 17/1/2025 tại Hà Nội.
Sau khi được chuyển giao bắt buộc, GPBank và DongA Bank sẽ là các NHTM TNHH một thành viên do VPBank và HDBank sở hữu 100% vốn điều lệ.
Chuyển giao bắt buộc các TCTD yếu kém là một trong những giải pháp nhằm góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
NHNN khẳng định, sau chuyển giao bắt buộc, dưới sự quản lý của VPBank, HDBank trong vai trò chủ sở hữu, mọi quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, của khách hàng tại GPBank, DongA Bank tiếp tục được bảo đảm theo đúng thỏa thuận và quy định của pháp luật.
VPBank, HDBank là những ngân hàng TMCP có đủ năng lực, kinh nghiệm và nền tảng vững chắc để tổ chức thực hiện thành công các phương án chuyển giao bắt buộc.
Đồng thời, với cơ chế được áp dụng theo các quy định của pháp luật, việc nhận chuyển giao bắt buộc cũng là cơ hội để VPBank, HDBank mở rộng hoạt động, triển khai các mô hình kinh doanh mới, hiện đại.
Thông tin với báo chí ngay sau Lễ công bố quyết định chuyển giao bắt buộc GPBank, VPBank cho biết, việc chuyển giao bắt buộc GPBank cho VPBank được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành và phê duyệt của các cấp có thẩm quyền với mục tiêu từng bước khôi phục hoạt động bình thường, khắc phục các yếu kém, đưa GPBank dần trở thành ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, đảm bảo khả năng hoạt động liên tục.
Đối với VPBank, ngân hàng sẽ có điều kiện mở rộng quy mô kinh doanh, cơ sở khách hàng, mạng lưới; duy trì GPBank như một ngân hàng con hoặc bán/chuyển nhượng GPBank cho nhà đầu tư mới sau khi kết thúc phương án chuyển giao bắt buộc.
Vào ngày 17/10/2024, Ngân hàng Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) cũng đã được hoàn tất chuyển giao bắt buộc cho Vietcombank và MB vào ngày 17/10.
Trước đó, chia sẻ với Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, chuyên gia kinh tế cho rằng:
“Xử lý ngân hàng yếu kém diễn ra chậm do đòi hỏi yêu cầu rất cao, vừa phải đảm bảo an toàn hệ thống, bảo vệ quyền lợi người gửi tiền nên quá trình, bước đi phải thận trọng. Việc xem xét lựa chọn ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc phải được đánh giá, thẩm định kỹ lưỡng, đảm bảo các ngân hàng này có đủ khả năng tiếp nhận, không ảnh hưởng đến sức khỏe của ngân hàng đó cũng như an toàn hệ thống”, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho biết.
Trong khi đó, chia sẻ về hình thức M&A chưa từng có tiền lệ này, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia tài chính cho rằng, sở dĩ chuyển giao các ngân hàng yếu kém trước đây chưa thực hiện được là do chưa có hành lang pháp lý. Từ 1/7/2024, Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực, quy định rõ ràng về hình thức chuyển giao bắt buộc thì mới có hành lang pháp lý để thực hiện. Hành lang pháp lý này không chỉ bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền mà còn giúp ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc yên tâm, không ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông cũng như khách hàng.
Sau hơn một thập kỷ tìm kiếm các giải pháp, tái cơ cấu ngân hàng yếu kém vẫn phải dựa vào nguồn lực trong nước bởi với sức khỏe của các ngân hàng này, nhà đầu tư ngoại không mặn mà, chưa nói đến vướng mắc về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại với ngân hàng nội. Ngoài ra, việc tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém không chỉ nhìn từ góc độ lợi ích mà còn từ trách nhiệm của các ngân hàng trong nước với nhau. Theo đó, các ngân hàng nội tham gia “gánh vác” ngân hàng yếu một phần vì tinh thần trách nhiệm, nhiệm vụ chính trị, vì mục tiêu lành mạnh hệ thống.
Nhiều nhà băng đạt lợi nhuận “khủng” trong năm 2024
Cầu vốn tăng trong quý cuối năm đẩy tín dụng tăng cao, đã tác động tích cực lên lợi nhuận của các nhà băng trong năm 2024, nhiều ngân hàng không chỉ hoàn thành, mà còn vượt chỉ tiêu.
Đến thời điểm này, nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh của năm 2024. Đáng chú ý, lợi nhuận quý cuối năm vượt trội, tác động tích cực lên kết quả kinh doanh. Theo số liệu thống kê mới nhất, đến ngày 17/9/2024, tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng tăng 7,38% so với cuối năm 2023, nhưng kết thúc năm 2024, tín dụng tăng 15,08%. Do đó, nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận được cổ đông giao. Một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.
Tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025, Ban lãnh đạo Vietcombank cho biết, lợi nhuận ngân hàng trước thuế tiếp tục lập kỷ lục mới (ước vượt mức kế hoạch 42.000 tỷ đồng), tăng 4,8% so với năm 2023 và giữ vị trí quán quân trong toàn ngành.
VietinBank ghi nhận lợi nhuận đạt và vượt kế hoạch đã được thông qua năm 2024. Đồng thời, dư nợ tín dụng của ngân hàng tăng trưởng 16,88% so với năm 2023. Tuy con số lợi nhuận chưa được tiết lộ, nhưng trước đó, đầu tháng 10/2024, VietinBank đã chốt các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ là 26.300 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2023. Còn mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản 8-10%, tín dụng theo hạn mức được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt theo từng thời kỳ, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8%.
Còn BIDV báo lãi kỷ lục hơn 30.000 tỷ đồng năm 2024 (tương đương hơn 1,1 tỷ USD), tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. BIDV cho biết, lợi nhuận trước thuế Khối công ty con đạt 1.253 tỷ đồng, Khối liên doanh ở mức 1.362 tỷ đồng. Tổng tài sản của BIDV đến cuối 2024 đạt gần 2,7 triệu tỷ đồng, tiếp tục là ngân hàng TMCP có quy mô tài sản lớn nhất tại Việt Nam.
Agribank vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2024, với việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh được NHNN giao. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tăng trên 8% so với năm trước. Năm 2023, Agribank ghi nhận lợi nhuận trước thuế sau kiểm toán đạt 25.859 tỷ đồng, do đó con số lợi nhuận năm 2024 ước đạt khoảng 27.927 tỷ đồng. Đến cuối năm 2024, tổng tài sản Agribank đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng, tăng 200.000 tỷ đồng (tăng 10%); huy động vốn vượt 2 triệu tỷ đồng, tăng trên 140.000 tỷ đồng (tăng 7,5%); dư nợ tín dụng đạt trên 1,72 triệu tỷ đồng, tăng trên 170.000 tỷ đồng (tăng 11%). Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,56%; vốn chủ sở hữu đạt 126.000 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ đạt 51.600 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2024, hoạt động tín dụng của ACB đạt 581.000 tỷ đồng, tăng 19,1% so với đầu năm, nợ xấu kiểm soát 1,39%; huy động tiền gửi từ khách hàng ước đạt hơn 537.000 tỷ đồng, tăng trưởng 11,3%, với tỷ lệ CASA đạt 23%, cải thiện so với mức 22,2% của quý II/2024. Với tỷ lệ ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) duy trì trên 20%.
Tuy chưa đưa ra con số lợi nhuận đạt được cả năm, song với mục tiêu 22.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm qua, lãnh đạo nhà băng này đã trả lời cổ đông tại kỳ ĐHCĐ thường niên 2024 là có cơ sở để đạt được. Trước đó, 9 tháng hoạt động đầu năm 2024, tín dụng ACB tăng cao gấp 1,5 lần bình quân ngành, còn lợi nhuận trước thuế đạt 15.300 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận trước thuế của Sacombank trong quý IV/2024 ước đạt hơn 4.600 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ và cả năm 2024 ước đạt trên 12.700 tỷ đồng, là mức cao nhất từ trước đến nay, vượt chỉ tiêu ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 giao.
Còn với Nam A Bank, ông Võ Hoàng Hải, Phó tổng giám đốc ngân hàng này cho hay, kết thúc năm 2024, tổng tài sản của Nam A Bank đạt hơn 245.000 tỷ đồng, tăng gần 16,8% so với cùng kỳ năm 2023. Huy động vốn đạt gần 179.000 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với cùng kỳ. Hoạt động tín dụng đạt gần 168.000 tỷ đồng, tăng 18,34% so với đầu năm. Lợi nhuận trước thuế của Nam A Bank 2024 đạt hơn 4.545 tỷ đồng (vượt 13,6% chỉ tiêu được giao và tăng trưởng gần 38% so với cùng kỳ năm 2024).
Bước sang năm 2025, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN đặt ra ở mức 16%. Giới phân tích tài chính dự báo, tín dụng tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 15-16%. Trên cơ sở đó, BIDV đặt mục tiêu dư nợ tín dụng theo giới hạn NHNN giao, dự kiến tăng 14%; tỷ lệ nợ xấu dưới 1,4%; lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng phấn đấu tăng 6-10%.
MB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng 22%, từ 1.080 tỷ đồng lên 1.318 tỷ đồng trong năm 2025; dư nợ tín dụng tăng trưởng 26%, dự kiến đạt trên 1 triệu tỷ đồng; huy động vốn dự kiến tăng trưởng 25%. Lợi nhuận trước thuế với mục tiêu tương đối an toàn với mức độ tăng trưởng 8-10%, tỷ lệ nợ xấu tối đa 1,7%, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100%.
Với Vietcombank, ông Lê Quang Vinh, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành nhà băng này chia sẻ, theo kế hoạch kinh doanh năm 2025, Vietcombank có tổng tài sản tăng tối thiểu 10%, lợi nhuận trước thuế tăng 5% so với năm 2024. Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng mục tiêu đạt 16,28%, huy động vốn trên thị trường 1 điều tiết phù hợp với tăng tín dụng, nợ xấu duy trì dưới ngưỡng 1,5%...
Ông Ngô Thành Huấn, CEO Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn tiền phục hồi, theo đó, bất động sản và chứng khoán là lựa chọn phù hợp nhất năm 2025.
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay ít nhất 8%, phấn đấu hai con số. Với triển vọng nền kinh tế năm nay, nhà đầu tư nên lựa chọn kênh đầu tư nào, theo ông?
Để xác định danh mục đầu tư tối ưu, trước hết nhà đầu tư phải xác định được chu kỳ kinh tế. Theo đánh giá của chúng tôi, năm 2025 là giai đoạn tiền phục hồi, dấu hiệu nhận biết là lãi suất trung dài hạn đã chạm đáy và xu hướng tăng nhẹ từ 2025; thị trường bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất; lạm phát lõi giảm; thị trường chứng khoán cũng đã tăng khá tốt so với đáy vào 2022.
Trong giai đoạn “Tiền tăng trưởng” này, chứng khoán là kênh đầu tư thường sẽ có hiệu suất tốt nhất, vì cổ phiếu luôn đi trước thị trường. Sau chứng khoán sẽ là sự phục hồi của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại chưa phù hợp để giải ngân mạnh tại mọi phân khúc bất động sản, mà nhà đầu tư chỉ nên ưu tiên giải ngân ở khu vực trung tâm, lựa chọn các phân khúc phục vụ nhu cầu ở thực và có dòng tiền. Cuối cùng, nhà đầu tư có thể bỏ vốn một ít vào các kênh đầu tư có tính phòng thủ như gửi tiết kiệm, vàng.
Riêng với vàng, nhà đầu tư vẫn nên nắm giữ một thời gian nữa bởi dư địa tăng vẫn còn, khi Fed tiếp tục giảm lãi suất. Tuy nhiên, từ giữa năm 2025, đặc biệt là sang năm 2026, nhà đầu tư nên hạn chế đầu tư vào vàng, bởi một khi kinh tế hồi phục, vàng sẽ bước vào giai đoạn ngủ đông dài.
Ông Ngô Thành Huấn |
Ông cho rằng chứng khoán là một trong những kênh đầu tư đáng chú ý nhất năm 2025, song thực tế hiện nay, đa phần nhà đầu tư chứng khoán lại đang thua lỗ?
Năm 2024, các quỹ đầu tư vẫn có lợi nhuận tốt từ chứng khoán nhưng đa phần nhà đầu tư cá nhân lại thua lỗ. Lý do là vì các nhà đầu tư cá nhân chủ yếu đầu tư vào nhóm cổ phiếu Midcap trong khi năm 2024, nhóm cổ phiếu bluechip mới mang lại lợi nhuận cao. Nói chung, thị trường chứng khoán là cuộc chơi có tính phân hóa cao theo từng giai đoạn và trong giai đoạn kinh tế còn nhiều ẩn số khó đoán, không phải ai cũng có thể dễ dàng kiếm lời.
Quay lại kênh đầu tư bất động sản, hiện thanh khoản thị trường đang khá èo uột, tại sao ông cho rằng năm 2025 là thời điểm thích hợp để “xuống tiền”?
Từ đầu năm 2023, chúng tôi đã nhận định, giai đoạn 2023-2024 hãy quên thị trường bất động sản đi, trừ phân khúc có tính ở thực cao là căn hộ và thực tế đã chứng minh đúng như vậy. Bởi trước đó, chúng tôi đã xác định năm 2023 là năm suy thoái kinh tế, dấu hiệu nhận biết là giai đoạn cuối 2022 lãi suất liên tục tăng mạnh, thị trường chứng khoán cũng sút giảm và cùng với đó là sự gãy đổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Với thị trường bất động sản, tôi cho rằng, để thị trường phục hồi cần trải qua một chu kỳ tích lũy trở lại của nền kinh tế. Còn về tín hiệu kỹ thuật, chúng ta có thể chờ giai đoạn giá tăng nhưng thanh khoản giảm mạnh, tức người bán không muốn bán ở mức giá chiết khấu nữa trong khi người mua có tâm lý chờ đợi. Khi cả hai bên đều cân nhắc thì lúc đó thị trường đã xác nhận : quên chuyện giá rẻ đi.
Nói cách khác, nếu một số phân khúc dân sinh ở Hà Nội và TP.HCM giữ được mức giá như hiện nay thì 6 tháng sau, thị trường bất động sản sẽ ấm lên. Sự hồi phục sẽ lan từ khu vực trung tâm đến vùng ven, từ nhu cầu ở thực sang nhu cầu đầu tư dài hạn rồi đến đầu cơ. Riêng bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản nông nghiệp… phải từ năm 2027 mới có thể kỳ vọng phục hồi.
Như vậy, trong giai đoạn này, nhà đầu tư nên tập trung xuống tiền với phân khúc nhà ở phục vụ nhu cầu ở thực ở vùng trung tâm và ven bởi giá không thể rẻ nữa. Còn các phân khúc khác thì nhà đầu tư chưa nên vội xuống tiền.
Có ý kiến cho rằng, giá nhà quá cao sẽ khiến thị trường bất động sản khó hồi phục, ông nghĩ sao về điều này?
Năm nay, mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 15%, dòng tiền sẽ cần chỗ trú ẩn chứ không nằm nhiều trong hệ thống ngân hàng. Khi bất động sản căn hộ giá quá cao, dòng tiền ngừng lại và lan tỏa ra các phân khúc khác chứ không có nghĩa là giá nhà quá cao thì dòng tiền sẽ dừng lại. Theo tôi, giá chung cư ở hầu hết các phân khúc của của Hà Nội đã quá cao nhưng giá bất động sản các tỉnh phía Bắc vẫn đang thấp hơn đỉnh năm 2021 và vẫn là một cơ hội mua rất tốt cho nhà đầu tư cho giai đoạn 2025 với tầm nhìn trung dài hạn.
Còn với trái phiếu doanh nghiệp thì sao, ông đánh giá như thế nào về kênh đầu tư này?
Theo tôi, với các quy định mới về thị trường TPDN, rủi ro với thị trường TPDN đang giảm dần và hướng tới cơ chế bền vững hơn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường vốn đang phải đối mặt với khó khăn do suy thoái kinh tế. Tình hình kinh tế hiện tại không phải là môi trường thuận lợi thúc đẩy kênh đầu tư TPDN cho nhà đầu tư cá nhân. Nếu ưa thích TPDN, nhà đầu tư nên lựa chọn đầu tư qua các quỹ.
Lãi tỷ USD từ tiền ảo, nhà đầu tư đứng trước nhiều cạm bẫy
Nhà đầu tư Việt đứng trong top đầu các quốc gia kiếm lời nhiều nhất từ thị trường tiền số. Tuy vậy, số tiền mà nhà đầu tư bị lừa đảo liên quan đến tiền số cũng lên tới hàng trăm triệu USD. Việc luật hóa tài sản số được kỳ vọng sẽ ngăn chặn bớt tình trạng này.
Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng, chúng ta đang ở “kỷ nguyên token hóa tài sản”. Theo dự báo, đến năm 2030, giá trị các loại tài sản truyền thống được mã hóa sẽ đạt 16.000 tỷ USD, chiếm 10% GDP toàn cầu (hiện mới chỉ chiếm 0,6%). Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng này.
Riêng với tiền mã hóa, Việt Nam là nơi có cộng đồng đầu tư mạnh mẽ nhất, với 17 triệu nhà đầu tư sở hữu tài sản mã hóa (năm 2024), đứng thứ 7 toàn cầu.
Trong giai đoạn 2023-2024, dòng vốn từ thị trường blockchain chảy vào Việt Nam luôn đạt trên 105 tỷ USD. Theo thống kê của Chainalysis (công ty phân tích blockchain của Mỹ), trong năm 2023, nhà đầu tư Việt Nam đã kiếm lời gần 1,2 tỷ USD từ Bitcoin và các loại crypto khác, đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Anh. Chưa có số liệu thống kê năm 2024, song con số chắc chắn tăng rất nhiều nhờ sự bùng nổ của thị trường tiền số (năm 2024, giá bitcoin tăng 130%).
Còn nhớ, tại sự kiện Bitcoin Pizza Day năm 2010 (ngày 22/4/2010), mức giá được đưa ra trao đổi là 10.000 bitcoin đổi lấy 2 pizza (41 USD). Thế nhưng, đến đầu tuần này, bitcoin được giao dịch quanh mức 94.000 USD/BTC, tuy đã giảm so với mốc 108.000 USD/BTC ngày 17/12/2024, song vẫn đứng ở vùng giá kỷ lục.
Mặc dù 11 quỹ ETF bitcoin mới ra mắt đầu tháng 1/2024, song kết thúc năm 2024, giá trị vốn hóa 11 quỹ này đã đạt tới 139 tỷ USD, vượt mặt giá trị vốn hóa các quỹ ETF về vàng (125,7 tỷ USD).
Dù nhà đầu tư Việt nằm trong top quốc gia kiếm lời nhiều nhất từ tiền số, song thực tế cũng cho thấy, nhà đầu tư Việt nằm trong danh sách các quốc gia “sập bẫy” nhiều nhất về tiền ảo. Riêng đường dây lừa đảo tiền ảo, chứng khoán quốc tế của Mr.Pip đã lên tới hơn 200 triệu USD.
Theo chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh, Giám đốc đầu tư Maybank Investment Bank, đa phần tiền ảo đang được giao dịch tại các sàn ngoại hối có trụ sở ở nước ngoài và không có đại diện tại Việt Nam. Hiện pháp luật Việt Nam chưa công nhận tài sản số, do đó, nếu xảy ra rủi ro thì nhà đầu tư hoàn toàn phải chịu trách nhiệm.
Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2030 trở thành quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu khu vực và có vị thế quốc tế trong ngành blockchain. Theo các chuyên gia, việc luật hóa tài sản số sẽ là một trong những tiền đề để Việt Nam đạt mục tiêu này.
Mặc dù nằm trong nhóm quốc gia dẫn đầu về số lượng nhà đầu tư sở hữu tiền mã hóa, song hiện chính sách về tài sản số của Việt Nam lại chưa rõ ràng. Các chuyên gia cho rằng, luật hóa tài sản số sẽ thúc đẩy ngành blockchain phát triển, thúc đẩy nguồn lực mới của kinh tế đất nước, cũng như mang lại nhiều cơ hội hơn cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, luật hóa tài sản số cũng sẽ giúp ngăn chặn tốt hơn tình trạng lừa đảo liên quan đến lĩnh vực này.
Theo ông Phan Đức Trung, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã tiếp nhận được thông tin về vụ lừa đảo quy mô đến gần 100 triệu USD, nhưng đến nay các đối tượng lừa đảo vẫn nhởn nhơ vì vỏ bọc mà các đối tượng này sử dụng đều là các công ty nằm ở các quốc đảo xa xôi, tận dụng “vùng xám chính sách” của Việt Nam.
Ông Trung mong muốn, Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ được Quốc hội thông qua vào quý II/2025, tạo hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng, làm cơ sở xử lý tranh chấp cũng như đưa dòng chảy tiền ngầm vào nền kinh tế, tránh thất thu thuế.
Ngoài việc luật hóa tài sản số, các chuyên gia cũng kỳ vọng việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và Đà Nẵng tới đây có thể sẽ có cơ chế cởi mở hơn với ứng dụng blockchain, giúp khơi thông nguồn lực.
Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2025, thị trường tiền số sẽ tiếp tục diễn biến tích cực nhờ sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bên cạnh đó, ý tưởng lập kho dự trữ chiến lược về bitcoin cũng ngày càng xuất hiện nhiều hơn ở các quốc gia.
Hiện nay, các nhà đầu tư tổ chức đang nắm giữ hơn 30% bitcoin toàn cầu. Có ý kiến cho rằng, thị trường bitcoin sẽ dễ bị thao túng nếu như ngày càng nhiều nhà đầu tư tổ chức tham gia cuộc chơi tiền ảo. Dù vậy, ông Phan Đức Trung cho rằng, từ trước đến nay, thị trường bitcoin luôn bị điều chỉnh bởi các nhà đầu tư phi tổ chức, chứ không phải nhà đầu tư tổ chức. Nếu các nước lập kho dự trữ chiến lược về bitcoin, giá bitcoin sẽ ổn định hơn.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản chật vật xử lý nợ trái phiếu
Có 22% trái phiếu đáo hạn trong tháng 1/2025 có nguy cơ chậm trả nợ gốc. Chuyên gia dự báo 17% trái phiếu đáo hạn năm 2025 có rủi ro chậm trả nợ gốc, chủ yếu là trái phiếu bất động sản.
Theo VIS Rating, có 22% trái phiếu đáo hạn trong tháng 1/2025 có nguy cơ chậm trả nợ gốc (2/9 trái phiếu đáo hạn, đều thuộc nhóm ngành bất động sản Nhà ở).
Cả năm 2025 có khoảng 110.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản nhà ở đáo hạn trong đó có 31.000 tỷ đồng chậm trả gốc lãi trước đó. Những trái phiếu này đã chậm trả lãi hoặc chậm trả nợ gốc trước khi gia hạn đến năm 2025.
Trong 224.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn năm 2025, ước tính 17% trái phiếu doanh nghiệp có rủi ro chậm trả nợ gốc, 94% giá trị trái phiếu rủi ro này đến từ nhóm bất động sản nhà ở và du lịch, nghỉ dưỡng.
Năm 2024, tỷ lệ nợ chậm trả trái phiếu là 14,5%. Nhóm Năng lượng có tỷ lệ chậm trả cao nhất ở mức 43%, trong khi nhóm bất động sản Nhà ở chiếm 62% tổng lượng trái phiếu chậm trả.
Trong tháng 12/2024, có 2 trái phiếu chậm trả lần đầu đều thuộc Novaland với tổng giá trị gốc trái phiếu là 830 tỷ đồng.
Theo công bố thông tin ngày 3/1/2025, Novaland đang đàm phán với các trái chủ và sẽ thanh toán khoản chậm trả trước ngày 8/1/2025, hiện Novaland chưa công bố tiến độ thanh toán của khoản này. Trước đó, Hội đồng quản trị của Novaland cũng công bố thông tin mua lại 21 mã trái phiếu của công ty với tổng giá trị tối đa 7.000 tỷ đồng, bao gồm 2 trái phiếu chậm trả trong tháng 12/2024.
Tính cả năm 2024, có 11 tổ chức phát hành chậm trả gốc/lãi lần đầu, giảm đáng kể so với con số 79 tổ chức phát hành chậm trả gốc/lãi trong năm 2023.
Tỷ lệ thu hồi trái phiếu chậm trả trong tháng 12/2024 tăng lên 1% so với tháng 11/2024, đạt 23.9%.
Báo cáo của VIS Rating cho thấy, có 19% số tổ chức phát hành phát hành trái phiếu trong tháng 12/2024 có hồ sơ tín nhiệm ở mức ‘Dưới trung bình’ hoặc yếu hơn, hầu hết đều thuộc nhóm phi tài chính.
Về tình hình xử lý trái phiếu doanh nghiệp chậm trả, theo VIS Rating, 85% nợ gốc trái phiếu đã chậm trả được hoàn trả trong tháng 12/2024 đến từ các tổ chức phát hành nhóm bất động sản nhà ở với tổng giá trị gốc là 2.300 tỷ đồng. Nhờ đó, tỷ lệ thu hồi trái phiếu chậm trả của nhóm ngành Bất động sản Nhà ở tăng 1,4% lên mức 22.7% vào cuối tháng 12/2024.
Trong tháng 12/2024, các tổ chức phát hành đã trả cho trái chủ tổng cộng 2.800 tỷ đồng dư nợ gốc trái phiếu chậm trả.
Trong đó, CTCP Kinh doanh Bất động sản Thái Bình và Công ty TNHH Vịnh Ngôi Sao đã hoàn trả toàn bộ số tiền gốc còn lại của trái phiếu.
Novaland công bố đã hoàn trả toàn bộ gốc của 5 trái phiếu cho các trái chủ với tổng giá trị gốc trái phiếu là 1.550 tỷ đồng. Những trái phiếu này đã chậm trả lãi coupon vào tháng 7 và tháng 8/2023.
Trong năm 2024, Novaland đã hoàn trả khoảng 2.000 tỷ đồng nợ gốc trái phiếu, chỉ đạt gần 10% tổng giá trị gốc của các trái phiếu chậm trả gốc lãi, cho thấy doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn trong quá trình xử lý TPDN chậm trả.
CTCP Hưng Thịnh Land đã hoàn trả 28.4 tỷ đồng gốc trái phiếu bằng phương thức hoán đổi tài sản khác. Tổ chức phát hành này không công bố chi tiết loại tài sản dùng để hoán đổi.
-
Người Việt lãi tỷ USD từ tiền ảo; doanh nghiệp bất động sản chật vật xử lý nợ trái phiếu -
Món quà tri ân đặc biệt dành cho khách hàng nhân kỷ niệm 35 năm thành lập Eximbank -
VPBank sẽ góp vốn vào GPBank sau khi nhận chuyển giao bắt buộc -
Chính thức chuyển giao bắt buộc GPBank cho VPBank và DongA Bank cho HDBank -
Kiều hối về TP.HCM đạt 9,6 tỷ USD, chiếm lệ 60% lượng kiều hối cả nước -
Nhiều nhà băng đạt lợi nhuận “khủng” trong năm 2024 -
Chuyên gia quản lý tài sản gợi ý kênh đầu tư năm 2025 khi GDP đặt mục tiêu tăng trên 8%
- Xuân Quê hương 2025 - “Việt Nam vươn lên trong Kỷ nguyên mới”
- Nutifood mang xuân yêu thương đến nhiều hoàn cảnh khó khăn
- Giá dầu tăng cao tác động đến logistics toàn cầu: Tối ưu chuỗi cung ứng là yếu tố sống còn
- Sacombank-SBL thay đổi địa chỉ chi nhánh Đà Nẵng
- Mô hình hệ sinh thái thành công trên thế giới, xu thế không thể bỏ qua
- Thành lập Công ty bất động sản Trần Anh Land