Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 24 tháng 02 năm 2025,
Nguồn cung xi măng nội địa tiếp tục được bổ sung
Thế Hải - 24/02/2025 13:46
 
Dự án nhà máy Xi măng Xuân Sơn được khởi công đầu năm 2023, hiện đã hoàn thành hơn 90% khối lượng xây dựng, đi vào hoạt động tháng 12/2024 và đã ra mắt sản phẩm mới.
Xi măng Xuân Sơn đã hoàn thành hơn 90% khối lượng công việc và đã đi vào hoạt động từ tháng 12/2024.
Xi măng Xuân Sơn đã hoàn thành hơn 90% khối lượng xây dựng, hoạt động từ tháng 12/2024.

Nhà máy Xi măng Xuân Sơn đóng tại xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình do Công ty CP Tập đoàn Xuân Khiêm làm chủ đầu tư, công suất giai đoạn 1 là 2,3 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.

Được khởi công vào đầu năm 2023, đến nay đã hoàn thành hơn 90% khối lượng xây dựng, đã đi vào hoạt động từ tháng 12/2024. 

Các hạng mục chính như kho đá vôi, silo clinker, kho tổng hợp phụ gia cho xi măng, trạm định lượng, gầu tải dây chuyền đóng bao, nhà đóng bao, trạm nghiền xi măng và trạm điện 110 kV đã được xây dựng xong. Hiện, Xi măng Xuân Sơn đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành các hạng mục còn lại theo kế hoạch. 

Mới nhất, chủ đầu tư dự án đã ra mắt sản phẩm Xi măng Xuân Sơn.

Dây chuyền sản xuất của nhà máy được đầu tư đồng bộ, với trang thiết bị hiện đại, tiên tiến, sản xuất các sản phẩm như PCB50, PCB40, PCB30 và xây trát cao cấp mang thương hiệu Xi măng Xuân Sơn. 

Nhà máy Xi măng Xuân Sơn áp dụng hệ thống sản xuất với mức tiêu hao nhiệt dưới 680 kcal/kg clinker; tiêu hao điện dưới 40 kWh/tấn clinker, dưới 28 kWh/tấn xi măng. Nhà máy sử dụng công nghệ đồng xử lý chất thải, tận dụng nhiệt khí dư để phát điện, giảm phát thải khí NOx và CO₂, hướng tới sản xuất xi măng xanh, thân thiện với môi trường.

Lợi thế của Xi măng Xuân Sơn là sở hữu mỏ nguyên liệu đá vôi và đá sét phong phú với trữ lượng dồi dào, đảm bảo nguồn cung ổn định và chất lượng cao.

Mục tiêu đến năm 2030, nhà máy Xi măng Xuân Sơn sẽ nâng công suất lên 6 triệu tấn/năm, trở thành một trong những nhà cung cấp quy mô lớn trên thị trường.

Nguồn cung xi măng đang dư thừa lớn, dự án xi măng Xuân Sơn hoàn thành đầu tư và đi vào vận hành trong thời điểm này sẽ không thuận lợi về thị trường, bởi tiêu thụ xi măng nội địa lẫn xuất khẩu đều giảm.

Năm 2024 tổng nguồn cung xi măng toàn quốc đạt khoảng 122 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ đạt khoảng 60 triệu tấn, xuất khẩu hơn 29 triệu tấn, dẫn đến dư thừa nguồn cung và cạnh tranh gay gắt, giá bán giảm...

Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao như điện, than...; nguyên liệu sản xuất duy trì ở mức cao khiến chi phí sản xuất xi măng ngày càng tăng mạnh. Thị trường bất động sản trầm lắng, các dự án xây dựng từ nguồn đầu tư công chậm giải ngân, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tiêu thụ của xi măng trong nước...

Năm 2025, nguồn cung xi măng tiếp tục dư thừa so với nhu cầu nội địa khoảng 55-60 triệu tấn, xuất khẩu sụt giảm do nhiều thị trường giảm mua, thị trường bất động sản tăng trưởng chậm, chi phí đầu vào tăng cao… tiếp tục đặt các nhà sản xuất xi măng nội địa vào tình thế khó về tiêu thụ.

Ngoài dự án xi măng Xuân Sơn có sản phẩm đưa ra thị trường, dự kiến một dự án khác là Xi măng Hoàng Long, công suất 2,3 triệu tấn/năm, cũng tại Hòa Bình, đã gần xong phần đầu tư xây dựng, nên sẽ sớm đi vào vận hành, tạo thêm nguồn cung ra thị trường.

Hiện nay, áp lực dư thừa công suất sản xuất clinker trong nước là vô cùng lớn, với trên 50 triệu tấn, trong khi tốc độ xây dựng trong nước diễn biến chậm, dẫn đến áp lực nợ xấu của ngành xi măng đang và sẽ trở thành gánh nặng đối với nền kinh tế. Nếu không có giải pháp hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản, Bộ Xây dựng lo ngại.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư