Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 02 tháng 12 năm 2024,
Xi măng Xuân Sơn sắp hoàn thành, dự kiến vận hành cuối năm 2024
Thế Hải - 08/11/2024 10:16
 
Dự án đầu tư xây dựng nhà máy Xi măng Xuân Sơn tại Hòa Bình, công suất 2,3 triệu tấn/năm hiện đã hoàn thành trên 90% khối lượng công việc, dự kiến vận hành cuối năm 2024.
Hòa Bình sắp đón thêm Dự án xi măng mới đi vào hoạt động.
Ngành xi măng sắp đón thêm dự án mới đi vào hoạt động.

Tính đến đầu tháng 11/2024, nhà máy Xi măng Xuân Sơn đã hoàn thành trên 90% khối lượng công việc.

Trong đó các hạng mục chính trong nhà máy đã hoàn thành, gồm: kho đá vôi, cilo clinker, kho tổng hợp phụ gia cho xi măng, trạm định lượng, gầu tải dây chuyền đóng bao, nhà đóng bao, trạm nghiền xi măng, trạm điện 110 kV đã xây dựng xong sẵn sàng đóng điện đưa vào vận hành.

Các hạng mục công trình còn lại nằm trong dự án đang được gấp rút hoàn thành, dự kiến đưa vào vận hành trong tháng 12 năm nay.

Nhà máy Xi măng Xuân Sơn nằm trên địa bàn xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình do Công ty CP Tập đoàn Xuân Khiêm làm chủ đầu tư, công suất giai đoạn 1 là 2,3 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.

Toàn bộ trang thiết bị, máy móc của nhà máy đều từ các thương hiệu lớn trên thế giới như: Haver & Boecker, Polysius, ABB... Dây chuyền sản xuất của nhà máy được thiết kế và cung cấp bởi Viện Thiết kế Thiên Tân - Trung Quốc và các nước G7.

Nguồn cung xi măng đang dư thừa lớn, đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc, dự án xi măng Xuân Sơn hoàn thành đầu tư và đi vào vận hành trong thời điểm này sẽ không thuận lợi về thị trường, bởi tiêu thụ xi măng nội địa lẫn xuất khẩu đều giảm.

Năm 2023, tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa chưa tới 60 triệu tấn, dự kiến năm 2024 cũng chỉ tương đương mức sản lượng này. Kênh xuất khẩu cũng sụt giảm mấy năm nay, quanh mức 31-32 triệu tấn/năm và hiện vẫn đang giảm. 10 tháng năm 2024, xuất khẩu xi măng, clinker đạt 25,3 triệu tấn, trị giá 963 triệu USD. bằng 96,3% về lượng và bằng 85,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Công suất thiết kế toàn ngành xi măng hiện đã vượt 123 triệu tấn và hoàn toàn có thể sản xuất vượt mức này hàng chục triệu tấn nữa nhờ điều chỉnh tỷ lệ phụ gia.

Dư thừa sản lượng là nguyên nhân chính khiến hoạt động sản xuất kinh doanh xi măng trầy trật, cộng thêm tình hình thị trường tiêu thụ không thuận lợi, do bất động sản trầm lắng, thiếu vắng dự án mới nên hàng loạt doanh nghiệp tiếp tục báo lỗ.

Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn lỗ sau thuế quý III/2024 là 26 tỷ đồng, là quý thứ 8 công ty bị lỗ liên tiếp (từ quý IV/2022). Lũy kế 9 tháng, Vicem Bút Sơn đạt doanh thu 1.840 tỷ đồng, giảm 3%, lỗ ròng gần 122 tỷ đồng.

Với Vicem Hoàng Mai, doanh thu thuần 9 tháng đạt gần 1.204 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước và bị lỗ ròng hơn 51 tỷ đồng. Tổng cộng số lỗ lũy kế đến hết quý III/2024 của doanh nghiệp hơn 76 tỷ đồng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư