Xi măng dư thừa, lại thêm lính mới
Thế Hoàng - 17/10/2020 09:04
 
Xi măng Đại Dương là tên tuổi mới trong ngành xi măng, chen chân bán hàng với các “anh cả” đóng đô tại Thanh Hóa như Nghi Sơn, Bỉm Sơn, Công Thanh, Long Sơn.
Ngành xi măng đang dư cung mỗi năm khoảng 30 triệu tấn. Ảnh: Đức Thanh
Ngành xi măng đang dư cung mỗi năm khoảng 30 triệu tấn. Ảnh: Đức Thanh

Gương mặt mới

Ngày 22/10 tới, Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp nhà máy xi măng Đại Dương tại Nghi Sơn (Thanh Hóa) sẽ được khởi công xây dựng sau một thời gian ngắn ép tiến độ giải phóng mặt bằng.

Dự án Nhà máy Xi măng Đại Dương thuộc địa bàn xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn, do Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản Đại Dương (Công ty Đại Dương) làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng. Giai đoạn I sẽ đầu tư Nhà máy Xi măng Đại Dương số 1, vốn đầu tư 4.300 tỷ đồng, công suất 2,3 triệu tấn/năm. 

Ông Nguyễn Văn Thi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho hay, toàn bộ mặt bằng 52 ha của Dự án đã được giải phóng xong. Riêng tuyến đường vào nhà máy dài 2,4 km, hiện đã giải phóng mặt bằng và bàn giao cho chủ đầu tư 1,9 km.

“UBND tỉnh yêu cầu sớm hoàn tất thủ tục giao đất cho chủ đầu tư Dự án trước ngày 18/10. Riêng đối với đường vào nhà máy, sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động các hộ, đồng thời rà soát phương án cưỡng chế, đảm bảo chặt chẽ, đúng pháp luật, mục tiêu là phải bàn giao mặt bằng đúng kế hoạch”, ông Thi cho biết.

Kể từ khi được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 5/2019 và nhận bàn giao mặt bằng từ địa phương từ cuối năm 2019, Công ty Đại Dương đã  đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và chốt thời gian khởi công Dự án vào cuối năm 2020.

Ông Trần Quốc Thanh, Trưởng ban quản lý Dự án Nhà máy Xi măng Đại Dương giai đoạn I cho biết, thời gian xây dựng giai đoạn I khoảng 18 tháng.

Cần phải nói thêm, trước khi nhận chủ trương đầu tư Nhà máy xi măng Đại Dương, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa từng lưỡng lự với dự án này. Một số ý kiến đã chỉ ra, bối cảnh hiện nay, công suất sản xuất xi măng của cả nước đang dư thừa so với nhu cầu nên phải cân nhắc, có thể lùi thời gian đầu tư nhà máy này sau năm 2021.

Những năm qua, Công ty Đại Dương đã đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn một số dự án lớn như: Bến cảng biển số 3, 4, 5, Nhà máy Bao bì Đại Dương, Nhà máy chế biến lâm sản Đại Dương. Riêng Nhà máy Bao bì Đại Dương đi vào hoạt động từ tháng 5/2018, đã xuất khẩu được sản phẩm đi Mỹ.

Những đại gia xi măng xứ Thanh

Cung cầu xi măng trong nước từ vài năm nay luôn trong trạng thái dư thừa, bởi năng lực sản xuất đã vượt 100 triệu tấn, trong khi thị trường nội địa mới hấp thụ được gần 70 triệu tấn. 3 năm trở lại đây, kênh xuất khẩu giải quyết đầu ra mỗi năm từ 32-34 triệu tấn sản phẩm, giúp ngành xi măng đỡ cảnh hàng tồn.

Riêng tại Thanh Hóa, sức nóng của cạnh tranh bán hàng giữa các nhà sản xuất chưa khi nào hạ nhiệt, do quy mô công suất của các nhà máy xi măng hiện có đã vượt nhiều lần nhu cầu tiêu dùng xi măng tại địa phương.

Năm 2020, cả nước có 86 dây chuyền sản xuất xi măng, tổng công suất đạt 105,84 triệu tấn. Ước nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước khoảng 69 - 70 triệu tấn, dư thừa hơn 30 triệu tấn, do vậy áp lực về tiêu thụ xi măng nội địa rất lớn, đặc biệt là khu vực Bắc Trung bộ.

Sau Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa được ví như “siêu thủ phủ xi măng”, với những Long Sơn, Công Thanh, Nghi Sơn, Bỉm Sơn… góp hơn 20 triệu tấn xi măng vào thành tích chung của ngành công nghiệp này. Chưa kể, cuối năm nay, dây chuyền 3 thuộc Dự án xi măng Long Sơn với 2,5 triệu tấn sẽ được đưa vào vận hành và dây chuyền 4 đã có tên trong Quy hoạch xi măng cũng sớm được Công ty TNHH Long Sơn triển khai đầu tư.

Cùng với Xi măng Đại Dương, chỉ sau 2 năm nữa, tổng quy mô công suất xi măng tại Thanh Hóa sẽ tăng mạnh, tạo áp lực lớn đến tiêu thụ. Nhưng thực tế, ngay tại thời điểm này, việc bán xi măng đi đâu đã là câu hỏi thường trực của bất kỳ nhà sản xuất nào, từ “ông lớn” lâu năm với lợi thế về thương hiệu như Vicem Bỉm Sơn, đến Liên doanh xi măng Nghi Sơn (4,3 triệu tấn), rồi các doanh nghiệp tư nhân như Công Thanh (6 triệu tấn), Long Sơn (5 triệu tấn, chưa kể dây chuyền 3 sắp hoàn thành 2,5 triệu tấn).

Quy mô công suất gần 5 triệu tấn sản phẩm/năm, năm 2019, Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bỉm Sơn tiêu thụ trên 4,3 triệu tấn sản phẩm và kết quả này là niềm mơ ước của không ít doanh nghiệp ngành xi măng. Nhưng, theo lãnh đạo doanh nghiệp này, do thị trường xi măng Việt Nam vẫn trong tình trạng cung vượt cao so với cầu, cạnh tranh càng khốc liệt, nên mặt bằng giá có chiều hướng đi xuống do một số hãng xi măng mới tham gia thị trường dùng chính sách giá thấp và chiết khấu giảm giá.

Không chỉ cạnh tranh giữa các nhà máy trong tỉnh, các doanh nghiệp xi măng tại đây còn phải cạnh tranh với các nhà sản xuất tại một số địa phương lân cận như Nghệ An, Hà Nam, Ninh Bình, với quy mô công suất hiện tại đều trên 10 triệu tấn/năm.

Theo đánh giá của Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS), trong năm 2020-2021, các doanh nghiệp xi măng tại Thanh Hóa sẽ rất đau đầu về tiêu thụ, khi các nhà máy mới của đối thủ cạnh tranh đi vào hoạt động. Ngoài nhà máy mới của Long Sơn 3 (2,5 triệu tấn), thì Xi măng Tân Thắng (Nghệ An) 2 triệu tấn/năm đã đi vào hoạt động từ tháng 6/2020, khiến miếng bánh thị phần ngày càng bị thu hẹp lại.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản