Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 05 năm 2024,
Nguy cơ mắc ung thư phổi và các bệnh lý răng miệng do hút thuốc lá
D.Ngân - 07/11/2023 16:32
 
Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc các bệnh về răng miệng và ung thư phổi cao hơn những người không hút thuốc.

Theo thống kê của ngành Y tế, thuốc lá là nguyên nhân chính chiếm tới trên 90% gây ra ung thư phổi, trên 30% gây ra các loại ung thư khác.

Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn những người không hút thuốc.

Đáng chú ý, trong thực tế điều trị, các bác sĩ ghi nhận tỷ lệ trẻ hóa trong ung thư phổi nhiều hơn, đặc biệt tình trạng nữ giới mắc ung thư phổi cũng có dấu hiệu nhiều lên, trong khi với bệnh này lâu nay thường gặp ở nam giới hơn nữ giới. 

Nếu như trước đây, các bác sĩ chỉ gặp bệnh nhân ung thư phổi trên 50 tuổi, là nam giới, thì ngày nay, đã có bệnh nhân dưới 40 tuổi, là nữ giới.

Theo Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, nam bệnh nhân N.V.K (SN 1957, quận  Long Biên, TP.Hà Nội) làm nghề xây dựng, hút thuốc lá, thuốc lào trên 40 năm.

Ba tuần trước khi vào viện, bệnh nhân xuất hiện ho khạc đờm trắng có lẫn nâu, có cảm giác sốt, không đau ngực, không khó thở, sau tự mua thuốc uống nhưng không đỡ.

Bệnh nhân đi khám phát hiện u phổi trái và được nhập viện điều trị tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.

Các bác sĩ cho biết, khối u chiếm gần hết nhu mô phổi bên trái của người bệnh, vì vậy, sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã thống nhất phẫu thuật cắt toàn bộ phổi trái kèm nạo vét hạch cho bệnh nhân. 

Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào vảy không biệt hóa. Sau mổ 5 ngày, bệnh nhân tự ngồi dậy, tự thở không cần oxy hỗ trợ. 

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, mổ cắt cả phổi điều trị ung thư là một phẫu thuật lớn, nặng nề cả về mặt ngoại khoa và gây mê hồi sức. Đây cũng là ca cắt cả phổi đầu tiên được tiến hành tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.

Ung thư phổi là một trong những bệnh lý có tỷ lệ tử vong hàng đầu trên thế giới và nguyên nhân chủ yếu do hút thuốc lá. 

Tại Việt Nam, ung thư phổi là một trong những bệnh lý ác tính có số lượng người mắc và tỷ lệ tử vong hàng đầu trong các bệnh ung thư thường gặp ở hai giới.

Theo thống kê ung thư toàn cầu Globocan, năm 2020, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc ung thư phổi xếp thứ 2 với 26.262 ca mắc mới, chiếm 14.4%, và 23.797 ca tử vong vì căn bệnh này.

Về dấu hiệu nhận biết ung thư phổi, người bị ung thư phổi thường có các dấu hiệu báo động đỏ như ho ra máu, đau ngực, thỉnh thoảng co giật, đặc biệt giảm cân rất nhanh, có bệnh nhân giảm đến 10kg trong 3 tháng.

Tuy nhiên, ho là dấu hiệu gặp trong ung thư phổi nhưng ho cũng biểu hiện rất nhiều bệnh lý khác. Nên nếu xuất hiện ho nhiều, ho ra máu, đau đầu, đau ngực, thỉnh thoảng bị co giật, đặc biệt giảm cân rất nhanh cần đi khám sức khỏe sớm để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Còn thông tin từ Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế, các nghiên cứu gần đây cho thấy, những người sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ mắc bệnh nướu răng, sâu răng, mất xương quanh răng, các bệnh nha chu khác, tổn thương niêm mạc miệng, nhiễm trùng cao hơn nhiều so với người không bao giờ sử dụng. 

Nhiều người hút thuốc lá không những khiến răng bị xỉn màu mà còn có nguy cơ mắc các bệnh về răng miệng cao hơn người không hút.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ Khoa Răng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, người hút thuốc nên đi khám nha khoa thường xuyên hơn người không hút. Người hút thuốc lá, phụ nữ mang thai, bệnh nhân tiểu đường… được xem là những người có nguy cơ lớn hơn về các bệnh răng miệng.

Bên cạnh đó, người hút thuốc nên đến nha khoa để kiểm tra thường xuyên hơn, thay vì khuyến cáo 6 tháng/lần với người bình thường.

TS.Phạm Thị Thu Hằng, Khoa Răng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 dẫn chứng về bệnh viêm quanh răng, căn bệnh nhiều người mắc. 

Theo đó, nhiều yếu tố liên quan đến bệnh quanh răng, trong đó có nhóm các yếu tố có thể thay đổi như vi khuẩn, hút thuốc lá, bệnh tim mạch, đái tháo đường, stress, tình trạng dinh dưỡng và béo phì. 

Hút thuốc lá được coi là thói quen xấu, cùng với uống rượu, đóng vai trò quan trọng trong bệnh sinh bệnh quanh răng.

Các thói quen xấu này tác động trọng thời gian dài, cùng với đó là tình trạng thiếu dinh dưỡng sẵn có do giảm hấp thu, do quá trình dị hóa đang tăng hơn so với đồng hóa làm tăng nặng bệnh ở tổ chức quanh răng.

Tình trạng hút thuốc lá làm thay đổi môi trường miệng, giảm tiết nước bọt làm tăng các bệnh lợi, mặt khác các chất độc trong thuốc lá đặc biệt là nicotin được chứng minh là yếu tố bệnh căn trực tiếp gây viêm quanh răng.

Nếu người bình thường được khuyến nghị nên đi khám răng miệng 6 tháng/lần thì bệnh nhân viêm quanh răng mãn tính cần định kỳ tái khám 3 tháng/lần, bên cạnh các biện pháp điều trị khác. 

Bệnh răng miệng có thể gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh nếu không điều trị kịp thời. Hiện tại Việt Nam, tới 90% người dân mắc các bệnh về răng miệng (theo Hội Răng hàm mặt Việt Nam). Trong đó, các tình trạng thường gặp là cao răng, sâu răng, răng lung lay, mất răng, nang răng phá hủy xương hàm…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư