Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Nguy hiểm tính mạng vì chần chừ đi khám chữa bệnh
Dương Ngân - 03/07/2021 17:34
 
Không ít người dân có tâm lý trì hoãn đi khám chữa bệnh và tự ý mua thuốc về sử dụng do lo ngại Covid-19, khiến bệnh tiến triển nặng hơn.
Việc đến bệnh viện thăm khám và điều trị ở thời điểm thích hợp sẽ giúp bệnh nhân hạn chế các biến chứng đáng tiếc
Việc đến bệnh viện thăm khám và điều trị ở thời điểm thích hợp sẽ giúp bệnh nhân hạn chế các biến chứng đáng tiếc

“Tự chữa” gây nguy hiểm

Tâm lý ngại thăm khám sức khỏe giữa mùa dịch Covid-19 vì sợ lây nhiễm, đồng thời cho rằng bệnh của mình chưa đến mức phải khám và điều trị ngay, dẫn tới không ít người đã phải nhập viện trong tình trạng tăng nặng. Đặc biệt, tình trạng này thường xảy ra ở những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như huyết áp cao, gan nhiễm mỡ, đái tháo đường...

Bác sỹ Vương Trung Kiên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất (Hà Nội) cho biết, Bệnh viện vừa tiếp nhận một nam bệnh nhân 64 tuổi, có tiền sử bị gút, viêm loét dạ dày, suy thận mãn tính, không có tiền sử dịch tễ liên quan đến Covid-19. Do lo sợ đến cơ sở y tế mùa dịch, nên bệnh nhân không thăm khám định kỳ, mà tự điều trị ở nhà bằng thuốc mua trên mạng.

Các trường hợp có bệnh nền cần giữ liên hệ với bác sỹ qua các kênh khác nhau để tiếp tục được dùng thuốc và theo dõi tình trạng bệnh, không nên tự xử lý ở nhà.

“Khi sức khỏe quá yếu, có biểu hiện nôn ra máu, tím tái, bệnh nhân mới tới viện cấp cứu. Tại bệnh viện, bệnh nhân đã ngưng thở, ngưng tim, mạch không bắt được, huyết áp không đo được. Dù đã được các bác sỹ nỗ lực cấp cứu, song bệnh nhân không qua khỏi”, bác sỹ Kiên kể.

Cũng nêu thực tế đáng lo ngại khi người dân chậm trễ đi khám chữa bệnh vì lo ngại Covid-19, PGS-TS. Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng nêu một trường hợp, tại Bệnh viện vừa có một bệnh nhân tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) tái phát. Đáng nói, bệnh tình của bệnh nhân này nặng lên một thời gian, nhưng bệnh nhân ngại không đi khám vì sợ Covid-19. Lúc không trì hoãn được, tới viện thì đã không cứu được.

Vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận ca bệnh là bé trai 3 tuổi ở quận Đống Đa, có biểu hiện đau bụng. Trước đó, khi trẻ có dấu hiệu đau bụng, thay vì đưa con đến bệnh viện khám, mẹ bé đã mua thuốc về nhà tự điều trị. Khi thấy tình trạng bệnh của con nặng lên, người nhà mới đưa con đến khám. Tại đây, các bác sỹ chẩn đoán, bé trai bị viêm phúc mạc ruột thừa, chỉ cần chậm chút nữa thì sẽ gặp biến chứng nhiễm trùng huyết và sốc, nguy hiểm tính mạng.

TS. Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi trung ương cảnh báo, hầu hết bệnh nhi đến bệnh viện thời điểm này đều rơi vào tình trạng nặng, khiến việc điều trị khó khăn hơn. Sai lầm tai hại mà không ít phụ huynh mắc phải, đó là tự ý mua thuốc điều trị cho con. Việc điều trị sai có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Trường hợp nữa cũng đến bệnh viện muộn do ngại dịch là cháu N.B.A (7 tuổi), ở Vĩnh Phúc. Cháu A. bị quả cầu lông đập vào mắt trái. Sau đó, mắt trái đau nhức, nhìn mờ. Do lo ngại Covid-19 nên bố mẹ không đưa đi khám. Đến ngày thứ tư không đỡ, ngày càng đau nhiều hơn, nên người nhà đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Cháu A. nhập viện trong tình trạng mắt trái đau nhức, nhìn mờ, thị lực chỉ phân biệt được sáng tối và được chẩn đoán mắt trái xuất huyết nội nhãn sau chấn thương. Theo các bác sỹ, nếu được thăm khám và điều trị sớm, bệnh nhân có thể không phải đối diện với nguy cơ giảm thị lực.

Đến viện kịp thời

Nói về tâm lý lo sợ thái quá của một số bậc phụ huynh hiện nay, ông Lê Ngọc Duy cho biết, vì quá lo ngại nên một số cha mẹ chọn cách không đưa con tới bệnh viện khám, mà để con ở nhà và tự chữa cho con theo đơn thuốc cũ, tra mạng xã hội, hoặc theo hướng dẫn của nhân viên bán thuốc mà không biết điều này có thể dẫn đến các hệ lụy nghiêm trọng ảnh hưởng tới tính mạng. Đồng thời, nhiều phụ huynh cũng có tâm lý chủ quan, cho rằng bệnh tình của con chưa đến mức nặng phải nhập viện khám và điều trị ngay.

Để tránh hậu quả đáng tiếc, theo các bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương, khi trẻ bị ốm, phụ huynh cần chủ động theo dõi và nhận diện những dấu hiệu bất thường ở cơ thể trẻ, nên chủ động đưa trẻ đến khám kịp thời, đừng vì lo lắng dịch bệnh lan rộng, mà bỏ qua “thời điểm vàng” chẩn đoán xác định bệnh của trẻ. Việc đưa trẻ đến muộn, hậu quả để lại với sức khỏe của trẻ còn đáng lo ngại hơn rất nhiều.

Cảnh báo việc một người chưa mắc Covid-19, nhưng có thể phải trả giá bằng cả tính mạng, PGS-TS Hoàng Bùi Hải nêu, các trường hợp có bệnh nền cần giữ liên hệ với bác sỹ qua các kênh khác nhau để tiếp tục được dùng thuốc và theo dõi tình trạng bệnh, không nên tự xử lý ở nhà. “Trong bệnh viện có hệ thống sàng lọc, trong cấp cứu cũng sàng lọc kỹ càng để phân loại những bệnh nhân có nguy cơ về Covid-19. Đặc biệt, khi có vấn đề nặng đe dọa tính mạng sẽ cho vào khu riêng, tuy chưa loại trừ được Covid-19, nhưng vẫn được cấp cứu kịp thời", ông Hải lưu ý.

Đánh giá khách quan về tâm lý lo sợ của nhiều người dân khi tới khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế hiện nay, PGS-TS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, một thực tế hiện nay bệnh viện là nơi có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 lớn, nên tâm lý lo ngại tới bệnh viện của bệnh nhân là có thể thông cảm. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là khi có bệnh, người dân không đến bệnh viện, nhất là với đối tượng trẻ em, người già, bệnh dễ diễn biến rất nhanh, để lại hậu quả đáng tiếc.

Để tránh lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở y tế, PGS-TS. Nguyễn Lân Hiếu lưu ý, bệnh nhân trước khi đến Bệnh viện nên gọi điện cho bác sỹ để được tư vấn, chẩn đoán tình trạng bệnh. Những ca bệnh nặng sẽ được khuyến cáo đến bệnh viện sớm, cấp cứu kịp thời; các ca nhẹ không cần đến bệnh viện sẽ được tư vấn chữa bệnh từ xa. Nếu bệnh nhân đến bệnh viện đông quá, nơi khám sàng lọc quá tải cũng sẽ là nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

“Bệnh nặng” trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê bình, Thủ tướng chỉ đạo kiểm điểm, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội liên tục nhắc nhở, song nhiều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư