Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Nguyễn Lê Thạch Thảo, Tổng giám đốc Công ty TNHH R&T: “Tôi muốn làm mới cà phê Việt!”
Gia Huy - 17/11/2016 08:55
 
Với Nguyễn Lê Thạch Thảo, Tổng giám đốc Công ty TNHH R&T, giấc mơ cà phê Việt Nam là một điểm đỏ trên bản đồ nông sản ngon, chất lượng trên thế giới chắc chắn không còn quá xa, bởi như cô nói, nhiều người Việt đang cùng chung vai gánh vác giấc mơ này.

Cà phê LAMHA BIO của Công ty TNHH R&T đã bắt đầu được để ý tới. Không chỉ vì thương hiệu mới này đã bắt đầu đến được Hà Nội, TP.HCM sau khi đặt chân vững vàng tại nơi khởi đầu là Nha Trang, mà LAMHA BIO đã bắt đầu có những hợp đồng xuất khẩu sang Nhật Bản, Singapore…

Hiện tại, LAMHA BIO đang có 7 dòng sản phẩm chính, gồm Arabica, cà phê linh chi, nhân sâm… để khách chọn lựa.

.
Tổng giám đốc Công ty TNHH R&T Nguyễn Lê Thạch Thảo

“Chúng tôi đã mời khách hàng tới Việt Nam, tới vùng nguyên liệu của LAMHA BIO để họ biết thêm về Việt Nam không chỉ là nơi xuất khẩu cà phê nguyên liệu hàng đầu thế giới, mà còn là quê hương của những vị cà phê đặc biệt. Khách hàng đến cũng để cho chúng tôi biết họ đang cần gì, nhu cầu và khẩu vị thế nào”, Nguyễn Lê Thạch Thảo chia sẻ về thương hiệu cà phê LAMHA BIO mà cô là người khai sinh và đang đặt nhiều kỳ vọng vào một giá trị mới cho cà phê Việt.

Sinh năm 1986, du học ở nước ngoài đến mãi năm 2010 Thạch Thảo về nước, đầu quân cho nhiều công ty nước ngoài. Nhưng, chốt lại, Thạch Thảo quyết chọn bến đỗ với cà phê Việt, sản phẩm đã thấm đẫm tuổi thơ của cô ở vùng quê Lâm Đồng - thủ phủ của cà phê Việt Nam.

“Người trồng cà phê quê tôi cứ nghèo mãi, nhưng tôi đi đến đâu mọi người cũng nhắc đến vùng cà phê lớn nhất của đất nước xuất khẩu cà phê thuộc hàng lớn nhất thế giới. Điều này ám ảnh tôi ngay từ khi bắt đầu cảm nhận được cuộc sống xung quanh mình”, Thạch Thảo lý giải về mối lương duyên khó cưỡng với cà phê của cô.

Nhưng khi Thạch Thảo bước chân vào thị trường cà phê, đã có rất nhiều thương hiệu nội, ngoại đủ tầng cấp. Sản phẩm từ cà phê cũng rất đa dạng, cách kinh doanh rất phong phú.

“Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ, thị trường này vô cùng rộng lớn, cả trong nước và xuất khẩu, miễn là đừng copy cách làm của người khác. Và tôi đã nghĩ, tại sao không thể thêm vị cho cà phê”, Thạch Thảo đặt vấn đề.

Đây chính là bài toán mà Tổng giám đốc Thạch Thảo chọn cho Công ty TNHH R&T, nhưng cũng là thách thức mà Thạch Thảo tự xác định phải đối mặt để có vị trí trong thị trường cà phê Việt Nam. Lời giải được chọn là đưa sâm và linh chi vào cà phê, nhưng không làm nhạt vị cà phê truyền thống. Địa điểm đầu tiên được chọn để ra mắt là Nha Trang - vùng đất của khách du lịch, của những người uống cà phê khắp thế giới, thay vì chọn nơi bắt đầu là các thị trường cà phê truyền thống như Hà Nội hay TP.HCM như nhiều người khởi nghiệp khác trong cùng ngành. 

“Nha Trang là thị trường đa dạng với cà phê bởi khách du lịch đông, đến từ nhiều vùng đất trên thế giới, có nhiều khẩu vị khác nhau. Nếu đứng được ở Nha Trang, tôi tin hướng đi của mình là đúng”, Thảo lý giải.

Mọi kế hoạch đã vào tầm ngắm của Thảo và R&T. Cô đã có vùng ngyên liệu tốt tại huyện Lâm Hà quê hương. Cô đã có những người nông dân hiểu về cà phê, về cả hương vị và nỗi đau được mùa - mất giá hơn ai hết. Cô cũng đã có những người đồng hành, sẵn sàng đi cùng con đường đầy thách thức là cà phê có giá trị cao, dù có thể sẽ đi chậm - đó chính những người dân Lâm Hà.

“Tôi chọn thương hiệu cà phê LAMHA BIO cho các dòng sản phẩm của R&T để nói với khách hàng rằng, chúng tôi muốn khách hàng khắp nơi được thưởng thức loại cà phê nguyên chất và tốt nhất do chính người Việt Nam, chính người dân Lâm Hà sản xuất”, Thạch Thảo nói.

Thông điệp này đã được cô chủ của LAMHA BIO đưa tới những diễn đàn kinh tế, hội thảo, hội chợ quốc tế trong và ngoài nước. Cũng từ đây, LAMHA BIO đã có những đối tác quan trọng ở nước ngoài.

Hiện tại, các bước đặt chân của LAMHA BIO đã theo kế hoạch, Thạch Thảo đã tính tới kế hoạch mở rộng nhà máy sản xuất, với công suất lớn hơn tại tỉnh Lâm Đồng. Cô đang ấp ủ giấc mơ lớn hơn, đó là mang ngành nông nghiệp và cà phê của Việt Nam thành một điểm nhấn đỏ trên bàn đồ nông nghiệp thế giới, để khi người dân muốn dùng sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, sẽ nghĩ tới sản phẩm của Việt Nam, để Việt Nam không chỉ là nơi xuất khẩu cà phê thô hàng đầu thế giới, mà còn là nơi sản xuất cà phê đặc sắc nhất thế giới.

“Để giấc mơ này được thực hiện, tôi cần có những cái bắt tay của cả người nông dân và các doanh nghiệp trong nước. Tôi tin là chúng ta sẽ làm được”, Thạch Thảo chia sẻ tâm huyết với giấc mơ làm mới cà phê Việt.

Chat với Nguyễn Lê Thạch Thảo:

Là người đi sau, việc khai thác thị trường luôn là bài toán khó với những người khởi nghiệp?
Nhờ có khoa học công nghệ, sẽ không còn thị trường nào quá khó, cũng không có nơi nào quá dễ. Đây là lợi thế của những người khởi nghiệp trong thời đại khoa học công nghệ.

Nhưng khởi nghiệp kinh doanh vẫn đầy thách thức?
Với tôi, thách thức lớn nhất và chung nhất của người khởi nghiệp kinh doanh là tự thân vận động. Điểm bắt đầu chính là điểm khó nhất.

Có cách nào để thuận lợi hơn cho các kế hoạch khởi nghiệp?
Những cái bắt tay! Nếu cộng đồng doanh nghiệp Việt biết đoàn kết, thì sẽ không có chuyện các doanh nghiệp ngoại thâm nhập thị trường Việt Nam và đánh bật các doanh nghiệp Việt ra khỏi sân nhà của mình.

9X xinh đẹp khởi nghiệp kinh doanh từ khu ổ chuột
16 tuổi, với 70 triệu đồng có được từ tiền bán căn hộ trong khu ổ chuột, Tuệ Nghi tập tành kinh doanh, mua đi bán lại những căn nhà nhỏ, giá rẻ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư