Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Nguyễn Quốc Việt, nhà sáng lập, Giám đốc điều hành HelloJob: Mang “hơi thở” công nghệ vào thị trường xuất khẩu lao động
Hồng Nhung - 06/10/2022 08:06
 
Cùng đội ngũ nỗ lực xây dựng HelloJob, mục tiêu của CEO Nguyễn Quốc Việt không chỉ là giải quyết vấn đề của thị trường xuất khẩu lao động, mà còn hướng tới xây dựng hệ sinh thái việc làm thông qua ứng dụng công nghệ, đem đến nhiều cơ hội cho người lao động.

 

“Sứ mệnh của HelloJob là giúp người lao động phát triển và hạnh phúc. Vì chỉ khi người  lao động thật sự hạng phúc, hài lòng với thành quả nhận được, thì họ mới quay lại sử dụng và giới thiệu thêm người dùng cho HelloJob. Thành công của người lao động chính là thành công của HelloJob”. - Nguyễn Quốc Việt  nhà sáng lập, Giám đốc  điều hành HelloJob
“Sứ mệnh của HelloJob là giúp người lao động phát triển và hạnh phúc. Vì chỉ khi người lao động thật sự hạng phúc, hài lòng với thành quả nhận được, thì họ mới quay lại sử dụng và giới thiệu thêm người dùng cho HelloJob. Thành công của người lao động chính là thành công của HelloJob”. - Nguyễn Quốc Việt nhà sáng lập, Giám đốc điều hành HelloJob

Minh bạch hóa thị trường xuất khẩu lao động

Hai năm trước, HelloJob chính thức ra đời sau quãng thời gian trăn trở của CEO 8x Nguyễn Quốc Việt.

Từng du học Nhật Bản, lại có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, anh Việt hiểu rõ hơn ai hết “nỗi đau” của thị trường. Trước đây, lao động phổ thông Việt Nam muốn sang làm việc tại Nhật Bản thường phải nhờ… ông hàng xóm, bạn bè, người thân giới thiệu, hoặc các công ty/đơn vị môi giới, chứ không được kết nối trực tiếp.

Bởi vậy, người tìm việc rơi vào tình trạng thiếu thông tin, thậm chí, từng có trường hợp bị lừa đảo tới vài trăm triệu đồng. Với những người may mắn hơn sang được Nhật Bản, có trường hợp lại không phù hợp với công việc, hoặc bất đồng quan điểm với người sử dụng lao động. Kết quả, họ trốn ra ngoài làm “chui”, sau đó lại lôi kéo thêm những lao động mới sang, tạo ấn tượng xấu về người lao động Việt Nam.

“Tôi muốn tạo ra một nền tảng để người lao động phổ thông tìm được công việc phù hợp với khả năng và mong muốn của họ. Từ đó nâng cao thái độ, uy tín của nguồn lao động xuất khẩu trên thị trường quốc tế”, anh Việt chia sẻ.

Cụ thể, khi truy cập website HelloJob.jp, người lao động có thể kết nối trực tiếp với công việc do các công ty đẩy lên. Những công việc này đều hiển thị kèm thông tin rõ ràng về yêu cầu, lĩnh vực, địa điểm làm việc, quyền lợi chi trả… Đặc biệt, tất cả thông tin đều được kiểm định kỹ càng bởi đội ngũ của HelloJob, người lao động không phải trả bất cứ khoản phí nào khi tham gia.

Ra đời giữa thời điểm Covid-19 bùng phát, HelloJob đã giúp hàng ngàn lao động Việt Nam tại Nhật Bản tìm việc thành công hoặc chuyển sang những môi trường mới phù hợp hơn với năng lực bản thân. Đến nay, nền tảng ghi nhận khoảng 66.000 người dùng trong hệ thống, với 61 công ty tham gia.

“Chúng tôi muốn mang đến cơ hội cho những người ít cơ hội nhất, đó là những người lao động phổ thông, để họ có được nguồn tài chính tốt, có cuộc sống vật chất đầy đủ và sung túc. Chỉ như vậy, họ mới có thể thay đổi bản thân, thay đổi tư duy, học hỏi những điều mới. Đó cũng là nền tảng của một xã hội phát triển”, CEO của HelloJob bộc bạch.

Xây dựng hệ sinh thái việc làm

Không chỉ dừng lại ở nền tảng tìm kiếm công việc cho những người lao động phổ thông Việt Nam có mong muốn học tập, lao động tại Nhật Bản, CEO của HelloJob còn tham vọng xây dựng hệ sinh thái việc làm trên quy mô lớn hơn.

Tháng 4 năm nay, HelloJob ra mắt sản phẩm chợ xuất khẩu lao động (choxkld.com). Đây là nơi các công ty xuất khẩu lao động, các chuyên viên tuyển dụng chia sẻ “kho” thông tin ứng viên của mình với nhau. Nhờ công nghệ dữ liệu, người lao động của đơn vị tuyển dụng A có thể “ghép đôi” với việc làm từ phía công ty B, tăng khả năng tìm kiếm công việc phù hợp cho ứng viên.

“Trước kia, nhiều trường hợp thợ hàn phải đi làm nông nghiệp vì không tìm được cơ hội, nhưng nay mọi chuyện sẽ khác. Người lao động phổ thông được chọn công việc họ thực sự mong muốn”, CEO Nguyễn Quốc Việt tiết lộ.

Theo kế hoạch, cuối năm nay, HelloJob sẽ cho ra đời mạng xã hội dạng video ngắn như TikTok, nhưng chỉ tập trung xoay quanh các vấn đề về công việc. Tại đây, người tham gia có thể chia sẻ mọi kinh nghiệm, kỹ năng của mình liên quan đến công việc cũng như cách nâng cao tay nghề, phát triển bản thân… Không chỉ giới hạn ở đối tượng lao động phổ thông, mạng xã hội này sẽ tạo sân chơi cho đủ mọi ngành nghề, từ môi giới bảo hiểm, bất động sản, cho đến buôn bán ô tô, điện thoại, nấu ăn…

“Chúng tôi chỉ làm nội dung liên quan đến việc làm và phát triển bản thân, còn những nội dung giải trí hoặc không liên quan sẽ bị lọc ra”, anh Việt nói.

Cùng với HelloJob.jp và Choxkld.com, mạng xã hội mới này sẽ tạo thành hệ sinh thái việc làm khép kín, mà ở đó, người lao động có thể sử dụng một tài khoản để tham gia tất cả nền tảng, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm cũng như hiển thị thông tin tới các nhà tuyển dụng. Trong dự tính của CEO HelloJob, mạng xã hội sẽ được phát triển thêm phiên bản tiếng nước ngoài như tiếng Anh, tiếng Nhật để đi ra toàn cầu, chứ không chỉ giới hạn ở thị trường Việt Nam.

HelloJob đã hoàn thành vòng gọi vốn đầu tiên vào năm 2021 (được định giá 200 tỷ đồng), dự kiến kết thúc vòng gọi vốn thứ 2 trong năm nay và hướng đến mục tiêu IPO vào năm 2027 hoặc có thể rút ngắn hơn tùy thuộc lộ trình phát triển.

Lương Việt Quốc, CEO RealTime Robotics Inc (RtR): Người Việt đầu tiên xuất khẩu drone sang Mỹ
Một người Việt đã không chỉ sản xuất được máy bay không người lái (drone), mà còn xuất khẩu với giá cao sang thị trường Mỹ, nơi công nghệ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư