Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 19 tháng 09 năm 2024,
Nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương bất ngờ ngồi ghế "nóng" Chủ tịch VietBank
Vân Linh - 23/02/2021 18:35
 
Chiều 23/2/2021, Hội đồng quản trị VietBank đã quyết định về việc thay đổi nhân sự giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị VietBank là ông Bùi Xuân Khu, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương.

Hội đồng quản trị VietBank thống nhất bầu ông Bùi Xuân Khu, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Thành viên Thường trực Hội đồng quản trị giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị kể từ ngày 23/2/2021 để điều hành hoạt động của Hội đồng quản trị thay thế ông Dương Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị đương nhiệm.

VietBank lý giải, việc thay ghế "nóng" Chủ tịch Hội đồng quản trị là để phù hợp với tình hình hoạt động của Hội đồng quản trị VietBank nói riêng và VietBank nói chung trong giai đoạn mới cũng như trong điều kiện thị trường hiện nay chịu các tác động của dịch bệnh Covid-19.

Ông Bùi Xuân Khu, tân Chủ tịch Hội đồng quản trị VietBank

Ông Bùi Xuân Khu là Cử nhân kinh tế - Trường Đại học tổng hợp TP.HCM. Ông đã gắn bó với VietBank từ năm 2011 với vị trí Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, Thành viên Thường trực Hội đồng quản trị, Phó chủ tịch Hội đồng tín dụng.

Trước khi tham gia Hội đồng quản trị VietBank, ông Bùi Xuân Khu từng đảm nhiệm chức vụ Thứ trưởng thường trực Bộ Công thương và đã có rất nhiều năm kinh nghiệm trong quản trị, điều hành hoạt động kinh doanh (Tổng giám đốc Tổng công ty Dệt may Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty may Việt Tiến, Phó chủ tịch HĐQT Công ty đầu tư Dầu khí Toàn cầu…).

Ông Dương Ngọc Hòa tốt nghiệp chuyên ngành hóa học – Trường Đại học tổng hợp TP. HCM. Ông đã gắn bó với VietBank và điều hành hoạt động của Hội đồng quản trị VietBank từ những ngày đầu thành lập đến nay với vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị, có rất nhiều đóng góp đối với sự ra đời và phát triển của VietBank trong suốt thời gian qua.

Kết thúc năm 2020, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt 403 tỷ đồng, giảm 34% so với năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu do thu nhập lãi thuần giảm mạnh 53%, chỉ đạt 573 tỷ đồng trong năm 2020.

Trong khi đó, các mảng kinh doanh phi tín dụng có kết quả tăng trưởng khá quan hơn: lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 26% đạt 61 tỷ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng gấp 5 lần đạt 37 tỷ; lãi từ mua bán chứng khoán tăng 169% đạt 835 tỷ đồng.

Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 1.682 tỷ đồng, giảm 3,5% so với năm 2019. Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng 17,2% lên 1.232 tỷ đồng; chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lại giảm 40,5% xuống 48 tỷ đồng.

Chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng sụt giảm dù nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng. Cuối năm 2020, nợ xấu của VietBank là 785 tỷ đồng, tăng 46% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,31% lên 1,75%.

Tại ngày 30/12/2020, tổng tài sản VietBank đạt 91.660 tỷ đồng, tăng 33% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 9,5% đạt 44.802 tỷ đồng; tiền gửi của khách hàng tăng 30,5% đạt 64.535 tỷ đồng.

Ông Lê Hồng Phương, tân Chủ tịch Kienlongbank

Nhưng không chỉ VietBank, mới đây, tại hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai kế hoạch kinh doanh 2021 của Kienlongbank diễn ra ngày 28/1/2021, Hội đồng quản trị Kienlongbank cũng vừa họp và bầu ông Lê Hồng Phương giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Kienlongbank nhiệm kỳ 2018 – 2022 kể từ ngày 1/02/2021.

Như vậy, Hội đồng quản trị Kienlongbank nhiệm kỳ 2018 – 2022 của Kienlongbank sẽ có Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Lê Hồng Phương và 3 Phó chủ tịch HĐQT là ông Mai Hữu Tín, ông Phạm Trần Duy Huyền và bà Trần Thị Thu Hằng.

Trước đó, theo đề xuất của ông Lê Khắc Gia Bảo, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Kienlongbank đề nghị xin được thôi nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và đề cử ông Lê Hồng Phương giữ chức Chủ tịch Kienlongbank.

Sau khi miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Lê Khắc Gia Bảo tiếp tục là thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2018 – 2022.

Với quyết tâm ngay từ những ngày đầu năm 2021, Kienlongbank đã đặt ra các mục tiêu chủ yếu năm 2021 như sau: Tổng tài sản hợp nhất là 66.800 tỷ đồng (tăng 16,62%); huy động thị trường 1 là 50.295 tỷ đồng (tăng 16,52%); dư nợ cấp tín dụng là 44.600 tỷ đồng (tăng 28,47%).

Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 là 1.000 tỷ đồng; mạng lưới chi nhánh, phòng dịch trên cả nước là 150 điểm giao dịch (tăng 16 đơn vị).

Năm 2021, Kienlongbank đặt mục tiêu đẩy mạnh xử lý hoàn tất các khoản nợ có tài sản thế chấp là cổ phiếu STB và đưa tổng nợ xấu của Kienlongbank về mức dưới 2%/tổng dư nợ; hạn chế nợ xấu mới phát sinh, quản lý rủi ro; gia tăng thu nhập từ dịch vụ phi tín dụng; nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi, đẩy mạnh phát triển ngân hàng số theo định hướng chiến lược của Kienlongbank giai đoạn 2021 – 2025.

Kienlongbank cũng cho biết, trong tháng 1/2021 Ngân hàng đã bán bớt một phần cổ phiếu STB (Sacombank) để xử lý, thu hồi nợ và sẽ bán hết trong quý 1/2021 này.

Kết thúc năm 2020, tổng tài sản hợp nhất của Kienlongbank đạt 57.282 tỷ đồng, tăng 12,09% so với năm 2019; tổng huy động vốn đạt 52.071 tỷ đồng, tăng 12,22% so với năm 2019; dư nợ cấp tín dụng đạt 34.716 tỷ đồng, tăng 3,69% so với năm 2019.

 Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Kienlongbank đạt 158.21 tỷ đồng, tăng 84,14% so với năm 2019.

Cổ phiếu KLB của Kienlongbank giao dịch trong phiên chiều ngày 23/2 trên sàn UpCOM ở mức 17.500 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, cổ phiếu VB của VietBank giao dịch ở mức 12.700 đồng/cổ phiếu. 

Kienlongbank thay ghế "nóng" Chủ tịch Hội đồng quản trị
Hội đồng quản trị (HĐQT) Kienlongbank vừa họp và bầu ông Lê Hồng Phương giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Kienlongbank nhiệm kỳ 2018 – 2022 kể từ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư