Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Nguyễn Văn Sơn: Thay đổi định kiến làm nông nghiệp tại xứ Nghệ
Nhung Bùi - 16/06/2023 08:08
 
Bằng kiến thức và kinh nghiệm học được từ Isarel, chàng trai 9x Nguyễn Văn Sơn đã nâng tầm nông nghiệp xứ Nghệ với những loại cây giá trị cao như dâu tây, dưa lưới, ớt chuông, súp lơ baby…
- Nguyễn Văn Sơn
Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Phú Thịnh.

Trồng dâu tây ở vùng đất đầy nắng gió

Những ngày này, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Phú Thịnh (xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) đang tích cực nghiên cứu thử nghiệm trồng nho không hạt.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, anh Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Phú Thịnh cho biết, trong năm 2023, Hợp tác xã cơ bản sẽ khép kín diện tích trồng nho, dần dần đưa nho trở thành cây trồng chủ lực để phục vụ mục đích sản xuất hàng hóa kết hợp trải nghiệm nông nghiệp.

Thực tế, mô hình nông nghiệp kết hợp mà anh Sơn hướng tới đã chứng minh tính hiệu quả, khi tháng 2 - 3 vừa qua, vườn dâu tây của Hợp tác xã chào đón hàng ngàn lượt khách tới thăm quan. Nhiều vị khách không giấu được cảm giác thích thú khi được tự tay thu hoạch và mang về một hộp dâu tây tươi ngon, mọng đỏ - điều mà trước nay họ chỉ có cơ hội thực hiện khi đến thăm các địa danh xứ lạnh như Mộc Châu (Sơn La) hay Sapa (Lào Cai); còn xứ Nghệ đầy nắng gió chỉ phù hợp trồng lúa, rau màu, hoa quả nhiệt đới…

Để thu hút khách tới vườn tham quan, Hợp tác xã Phú Thịnh thiết kế một số tấm biển check-in và đặt các vật trang trí xung quanh. Ngoài việc bán dâu tây, Hợp tác xã còn có thêm nguồn thu từ tiền bán vé vào vườn và cho thuê trang phục chụp ảnh. “Mùa dâu tây đã kết thúc từ tháng 4, Hợp tác xã vừa hoàn thành thu hoạch dưa lưới giống Nhật, sản lượng tầm 1,5 tấn”, Nguyễn Văn Sơn cho biết.

Với khí hậu ở Nghệ An, việc canh tác một loại cây riêng lẻ khó khả thi. Vì thế, Sơn áp dụng nguyên tắc mùa nào cây nấy, xen canh, đa dạng hàng hóa phục vụ thị trường. Ví dụ, mùa dưa lưới được trồng xen canh với cây nho còn nhỏ, khi nho lớn lên, dưới tán cây có thể tận dụng trồng tiếp dâu tây.

Nông nghiệp là ngành có rủi ro cao và vất vả, vì vậy để khởi nghiệp thành công, cần phải có đam mê, kiến thức và quyết tâm lớn, đặc biệt là không ngừng học hỏi các kiến thức mới và kinh nghiệm từ những người đi trước.

- Nguyễn Văn Sơn

Dù đó là loại cây gì, thì Hợp tác xã Phú Thịnh luôn chú trọng các công nghệ mới phù hợp với chi phí đầu tư, quy mô, phương thức sản xuất. Hợp tác xã đã ứng dụng các công nghệ như tưới nhỏ giọt, công nghệ vi sinh, đặc biệt là tăng cường số hóa trong sản xuất như sử dụng mã vạch, mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Hiện tại, Hợp tác xã Phú Thịnh đang trồng các loại rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGap. Sản phẩm được bán trực tiếp tới tay khách hàng hoặc thông qua ký kết với các cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Riêng với mặt hàng rau tươi, sản lượng được tiêu thụ hết trong ngày, thậm chí nhiều khi không đủ rau để bán.

Nâng tầm nông nghiệp xứ Nghệ

Chia sẻ về cơ duyên khởi nghiệp trong ngành nông nghiệp, Nguyễn Văn Sơn cho biết, năm 2012, khi là sinh viên ngành sinh học tại Trường đại học Vinh, anh đã giành được suất thực tập ở Israel. Gần một năm ở đất nước có nền nông nghiệp công nghệ cao hàng đầu thế giới đã cho anh kiến thức quý báu về nông nghiệp, cách thức xây dựng và quản lý một dự án nông nghiệp... Đây cũng là giai đoạn chàng trai trẻ nhen nhóm ý tưởng khởi nghiệp ngay tại địa phương.

“Điều kiện khí hậu ở Israel khá tương đồng với Nghệ An. Ở đó, họ trồng được nhiều nông sản có giá trị, trong đó có dâu tây. Từ đó, tôi hình thành ý tưởng sẽ mang cây dâu tây này về trồng ở vùng đất quê mình. Dâu tây là loại cây có giá trị kinh tế lớn và không quá khó trong khâu chăm sóc”, Nguyễn Văn Sơn chia sẻ.

Sau khi hoàn thành chương trình học ở Israel, Sơn không bắt tay vào khởi nghiệp ngay, mà quyết định đầu quân cho một tập đoàn nông nghiệp lớn của Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm. Anh vừa làm, vừa tranh thủ học lên thạc sỹ chuyên ngành khoa học cây trồng để tính đường đi xa hơn.

Cuối năm 2019, khi cảm thấy bản thân đã tích lũy đủ kiến thức và trải nghiệm, Sơn thành lập Hợp tác xã Phú Thịnh. Anh đầu tư 500 triệu đồng để thuê bãi bồi rộng 2.500 m2 ven sông Lam làm trang trại, xây dựng hệ thống nhà màng. Nhờ nắm vững kiến thức, anh tự tin thử nghiệm và đã trồng thành công các loại cây như dưa lưới, ớt chuông, cà chua, súp lơ baby... Sau này, anh mới mở rộng ra loại cây “quý tộc” như dâu tây.

Lúc mới trồng, cây dâu tây khó phát triển, thường xuyên bị các loại sâu bệnh và nấm tàn phá. Tuy nhiên, dần dần vừa trồng vừa mày mò tìm hiểu, Sơn cũng khống chế được sâu bệnh để cây phát triển tốt và ra quả đều. Sau khi xuống giống vào tháng 9, dâu tây cho thu hoạch từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 3 năm sau. Giai đoạn ấy, Hợp tác xã Phú Thịnh thu về 9 - 10 kg dâu mỗi ngày, tương đương giá trị gần 3 triệu đồng.

Nguyễn Văn Sơn đang tích cực chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho bà con trong vùng. Anh xác định, trong năm 2023, sẽ tập trung phát triển cây nho, đồng thời thuê thêm 1,5 ha đất để triển khai các dự án trải nghiệm nông nghiệp.

Thực tế khiến Sơn nhận ra rằng, để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, cần thay đổi quan niệm làm nông nghiệp, phải tăng giá trị kinh tế trên cùng một diện tích đất. “Tôi muốn là người thực hiện việc đó để nông nghiệp phát triển hơn, nông dân tăng năng suất, mang lại giá trị kinh tế cao hơn”, chàng kỹ sư 9x khẳng định.

Làm nông nghiệp thông minh, nông sản Việt không lo khó vào thị trường EU
Thị trường châu Âu ngày càng rộng cửa với nông sản Việt Nam, khi số vốn đầu tư vào nông nghiệp ngày càng gia tăng, cùng với số lượng doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư