Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Nhà báo Hồ Chí Minh người truyền cảm hứng
Nhà báo Hồ Chí Minh - người truyền cảm hứng đấu tranh vì tự do cho con người và độc lập cho các dân tộc.Năm nay là kỷ niệm 90 năm Báo Thanh niên xuất bản số đầu tiên - ra ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), tờ báo cách mạng đầu tiên của tổ chức Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và lãnh đạo. Tờ Thanh niên thực hiện chức năng chân chính của báo chí cách mạng là “Tờ báo sẽ giúp người đọc có điều kiện cân nhắc, xem xét điều phải trái”.

Tờ báo định hướng tư tưởng, chính trị cho người đọc, tập trung vào sự đồng tình, đoàn kết trong nhận thức, sau đó là trong tổ chức, đấu tranh. Tờ báo còn là hiện diện, tồn tại của một tổ chức cách mạng. Nó đưa ra sự thật, nên “có sức thuyết phục hơn nhiều bài diễn văn, tuyên truyền”. Kinh nghiệm hoạt động cách mạng từ Tây sang Đông của Nguyễn Ái Quốc càng làm cho Người thấm thía sâu sắc điều đó.

Đến Quảng Châu vào giữa tháng 11/1924, một ngày sau, Nguyễn Ái Quốc đã viết thư yêu cầu đồng chí Đômban, Tổng thư ký Quốc tế Nông dân: “Vui lòng gửi cho tôi tất cả mọi tài liệu mà đồng chí có thể có như các báo, các tuyên ngôn”. Mục đích chuyến đi Quảng Châu của Nguyễn Ái Quốc là “để tuyên truyền về nước”, “tổ chức trường tuyên truyền”, rồi “tổ chức một tổ bí mật”, “tổ chức một hội liên hiệp nông dân, một tổ thiếu nhi, một tổ phụ nữ cách mạng”. Còn mục đích của Báo Thanh niên là: “Gửi về trong nước để tuyên truyền” mà đối tượng chính là những người Việt Nam biết chữ quốc ngữ, một thứ chữ sau nhiều năm phổ biến đã có lượng lớn người đọc được, viết được, nhất là thanh niên, học sinh.

Báo Thanh niên định hướng tư tưởng, chính trị cho người đọc, tập trung vào sự đồng tình, đoàn kết trong nhận thức. Ảnh: T.L
Báo Thanh niên định hướng tư tưởng, chính trị cho người đọc, tập trung vào sự đồng tình, đoàn kết trong nhận thức. Ảnh: T.L

 

Trước Báo Thanh niên, các tổ chức cách mạng ở Việt Nam chưa có báo. Ở Pháp, có tờ Le Paria của Hội Liên hiệp thuộc địa viết bằng tiếng Pháp. Như vậy, Báo Thanh niên là tờ báo cách mạng đầu tiên của Tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội, được viết bằng tiếng Việt. Dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Ái Quốc, Báo Thanh niên đã đề cập những vấn đề cơ bản nhất, dễ nhận ra nhất, rồi từ đó dẫn người đọc đến những vấn đề lý luận, sau đó là những vấn đề về phương pháp tổ chức và hành động cách mạng.

Những số đầu của Báo Thanh niên đều nêu lên vấn đề đoàn kết, đoàn kết trong cộng đồng xã hội, đoàn kết dân tộc. Báo nhấn mạnh đến tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam trong suốt quá trình lịch sử của dân tộc. Số báo đầu tiên có bài: “Vì sao chúng ta phải đoàn kết”.

Số 2 Báo Thanh niên có in hai khẩu hiệu bằng chữ Hán và Việt: “Dân An Nam đoàn kết lại! Cách mạng An Nam muôn năm! Hỡi các bạn thân yêu, chúng ta nên sớm đoàn kết lại! Đoàn kết của chúng ta sẽ làm nên sức mạnh”. Bài báo kết thúc bằng khẩu hiệu: “Tình đoàn kết giữa các dân tộc châu Á muôn năm! Tình đoàn kết giữa các dân tộc bị áp bức và thợ thuyền trên trái đất muôn năm!”. Tiếp đó, trên số 9, Báo có bài văn vần Hãy yêu thương nhau và cùng nhau đoàn kết.

Báo Thanh niên đã đề cập một cách khái quát vấn đề đường lối cách mạng Việt Nam. Trong số 2, bài đầu tiên về “cách mạng”, Báo giải thích: “Cách mạng là biến đổi từ cái xấu thành cái tốt, là tổng hợp những hành động nhờ đó mà dân tộc bị áp bức trở nên mạnh”… “Cách mạng phải trải qua hai thời kỳ… Mục tiêu của thời kỳ đầu là lật đổ chính quyền chuyên chế ở Việt Nam… Mục tiêu của thời kỳ thứ hai là khai thác triệt để thắng lợi của cách mạng…, xây dựng các đường giao thông, phát triển thương nghiệp. Giáo dục nhân dân và lo cho dân được hòa bình, hạnh phúc”…

Đường lối cách mạng Việt Nam, theo Báo Thanh niên là “trước làm cách mạng quốc gia, sau làm cách mạng thế giới”. Cách mạng quốc gia là nhằm giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thực dân. Đường lối này một lần nữa được thể hiện trong bài thơ đăng trên số 64, ra ngày 10/10/1926.

Đã làm cách mệnh chớ lôi thôi

Cách mệnh thì ta cách đến nơi

Trước phải giành quyền cho cả nước

Sau ra cách mệnh cả bầu trời.

Báo vạch ra những nỗi khổ cực của dân ta, bị thực dân Pháp bóc lột về sưu thuế, bị đối xử như súc vật, từ đó kêu gọi: “Cái sự khổ cực của An Nam đã rất mực rồi, không có dân nước nào mà khổ như vậy. Đồng bào ơi! Quyền tự do là giời cho mình, người mà không được tự do, thà rằng chết! Tỉnh dậy! Tỉnh dậy! Đập vỡ cái lồng Tây nó nhốt người mình đi” (Thanh Xniên số 63, ra ngày 3/10/926).

Để làm cách mạng, phải biết rõ ai là bạn, ai là thù, sắp xếp lực lượng thế nào, liên minh với ai, đánh đổ ai? Báo Thanh niên chỉ rõ: Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phong kiến là đối tượng của Cách mạng Việt Nam, cần phải đánh đổ: “Mình đánh Pháp là đánh đế quốc chủ nghĩa Pháp, nên bất kỳ nước nào mà lấy đế quốc chủ nghĩa xâm lấn dân mình, mình cũng đều chống lại cả, mà nhất là vua chúa, quan lại… cùng những người hay hà hiếp dân mình, phải trị cho hết nọc” (Thanh niên số 72).

Ngoài việc tuyên truyền lý luận Mác-Lênin, đường lối, chủ trương của Hội Thanh niên, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho việc ra đời của một chính đảng vô sản ở Việt Nam, Báo Thanh niên còn chú trọng nâng cao trình độ, bồi dưỡng tri thức nhiều mặt cho hội viên quần chúng. Báo mở nhiều chuyên mục cung cấp hiểu biết cho người đọc như tin tức các nước, tin tức trong nước, trả lời bạn đọc…, trong đó có chuyên mục rất đặc biệt, hiếm có trên một tờ báo, đó là mục từ điển cách mạng. Nhiều danh từ mới do Báo Thanh niên đưa ra trong mục từ điển cách mạng đã góp phần làm giàu thêm cho tiếng Việt, hạn chế sự vay mượn từ Hán một cách tràn lan.

Đồng chí Trường Chinh, trong bài nói tại lễ kỷ niệm 30 năm Báo Nhân dân, Báo Nhân dân số ra ngày 11/3/1981, đã nói: “Tờ báo đầu tiên truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin ở nước ta là tờ Thanh niên cơ quan của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và làm chủ bút. Trong nhiều năm qua các bài đăng trên báo đó, Bác Hồ đã chỉ rõ cho giai cấp công nhân và nhân dân ta con đường giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội”.

Để thấy được những kết quả hoạt động của Báo Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, gắn liền với việc mở các lớp huấn luyện chính trị đặc biệt cho thanh niên Việt Nam. Nội dung các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc sau được Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức tập hợp lại thành cuốn sách dưới tiêu đề Đường kách mệnh. Không chỉ là tác giả của các bài báo đòi các quyền con người cho nhân dân bản xứ, mà còn tố cáo tội ác của chế độ thực dân Pháp trên tất cả các thuộc địa ở các châu lục. Nguyễn Ái Quốc còn là người sáng lập Báo Le Paria: Cơ quan tuyên truyền của Hội liên hiệp Thuộc địa. Thời gian đầu, Nguyễn Ái Quốc vừa là chủ nhiệm kiêm chủ bút của tờ báo này.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Nguyễn Ái Quốc, Báo Le Paria đã vạch trần chính sách đàn áp, bóc lột dã man của chủ nghĩa đế quốc nói chung và đế quốc Pháp nói riêng, góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Đông Dương và các thuộc địa khác, thức tỉnh các dân tộc bị áp bức vùng dậy đấu tranh tự giải phóng.

Đối với bạn bè, đồng nghiệp cùng làm việc cho Báo Le Paria ở Pháp, khi chia tay (tháng 6/1923), Người viết: “Mặc dầu chúng ta là những người khác giống, khác nước, khác tôn giáo, chúng ta đã thân yêu nhau như anh em. Chúng ta cùng chịu chung một nỗi đau khổ: Sự bạo ngược của chế độ thực dân. Chúng ta đấu tranh vì một lý tưởng chung: giải phóng đồng bào chúng ta và giành độc lập cho Tổ quốc chúng ta”.

Trong cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ, vì sự bình đẳng cho con người ở các xứ thuộc địa chống lại “Sự bạo ngược của chế độ thực dân”, Nhà báo Nguyễn Ái Quốc không chỉ là người tiên phong chống lại hệ thống nô dịch của chủ nghĩa thực dân trên tất cả các phương diện cai trị của nó, mà còn là người truyền cảm hứng đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ. Các quyền tự do, an ninh và chống áp bức mà tạo hóa cho họ, cho các dân tộc thuộc địa, nhưng các thế lực thực dân đã sử dụng vũ lực để tước đoạt, đã dùng “chế độ dân bản xứ” để nô dịch họ, bởi thế cuộc đấu tranh của họ là chính nghĩa và Nguyễn Ái Quốc cùng với Báo Người cùng khổ sẽ luôn là người bạn chân thành, hết lòng ủng hộ sự nghiệp vĩ đại đó của nhân dân lao động thuộc địa và chính quốc, không phân biệt nguồn gốc sự tự do và chủng tộc.

Phải làm gì để cuộc vận động giải phóng nhanh chóng từ lĩnh vực lý luận chuyển vào phong trào quần chúng đấu tranh trên thực tế? Theo Nguyễn Ái Quốc, điều đó tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi dân tộc, tuy nhiên, với Người “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”.

Từ dự định này của Nguyễn Ái Quốc và căn cứ vào diễn biến tiến trình cách mạng Việt Nam, chúng ta thấy Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh luôn là ngọn cờ dẫn lối, đoàn kết toàn dân, cổ vũ cho cả dân tộc tự đứng lên làm Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, giành lấy chính quyền về tay nhân dân. Cũng từ Báo Người cùng Khổ ở Pháp đến Báo Thanh niên ở Quảng Châu, chúng ta hiểu Báo Thanh niên là “đầu nguồn” của báo chí cách mạng Việt Nam, là tờ báo mẫu mực về nội dung chính trị - tư tưởng, về cách trình bày thể hiện, về văn phong, về nghệ thuật phát hành, truyền bá. Cho đến nay, những mẫu mực ấy vẫn còn là những bài học rất có giá trị đối với nền báo chí cách mạng nước ta.

Nghề báo “quan trên ngó xuống, người ta trông vào”
Sáng 18/6, tại trụ sở Báo Nhân dân, số 71 Hàng Trống, Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học "90 năm báo chí cách mạng Việt Nam: Truyền thống, bản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư