Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Nhà báo và tình yêu tổ quốc
Tố Vương - 22/06/2014 08:27
 
() Hai ngày sau sự kiện 13/5, nhận lệnh Tổng Biên tập sang phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh về sự việc các phần tử quá khích đập phá nhà máy của một số doanh nghiệp nước ngoài ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, tôi vẫn không khỏi băn khoăn, bởi đó là những thông tin thuộc diện khá “nhạy cảm”, không biết liệu Bộ trưởng có sẵn lòng trả lời.
TIN LIÊN QUAN

Nhưng tranh thủ giờ nghỉ trưa ngắn ngủi giữa hai phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vừa bận rộn xử lý hàng loạt vấn đề liên quan đến các hành vi đập phá nhà máy nói trên, Bộ trưởng vừa chân tình chia sẻ: “Tôi vừa ký các văn bản gửi các đại sứ quán, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam và các địa phương về vụ việc này”.

  Nhà báo và tình yêu tổ quốc  
  Nhà báo bám biển để đưa thông tin nóng hổi và chân thực nhất tới nhân dân cả nước. Ảnh: Ngọc Khoa  

Nói rồi, Bộ trưởng bảo: “Báo chí phải viết sao cho đúng. Lúc này là phải vì lợi ích của đất nước, của dân tộc”.

Ít phút sau đó, thông điệp của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được đăng tải trên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn và sau đó là hàng loạt cơ quan báo chí khác. Bài phỏng vấn Bộ trưởng được đăng trên báo giấy, phát hành vào sáng ngày hôm sau, với khẳng định rất rõ ràng rằng, đó là sự việc đáng tiếc, do một số phần tử xấu kích động. Rằng, Chính phủ Việt Nam cam kết đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng cho nhà đầu tư.

Hàng loạt động thái mạnh mẽ sau đó của Chính phủ Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương, như nhanh chóng thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại, bắt và xử lý theo quy định của pháp luật các phần tử xấu… đã phát huy hiệu quả. Niềm tin về một môi trường đầu tư Việt Nam an toàn và thân thiện đã được khôi phục. Thông điệp cũng đã được phát đi từ các nhà đầu tư nước ngoài, rằng “chúng tôi tin và sẽ ở lại với Việt Nam”…

Hơn một tháng sau sự kiện 13/5, vẫn còn những hệ lụy phải xử lý. Nhưng khi mà nhà đầu tư đã tin và ở lại, thì đó là kết quả của những nỗ lực không nhỏ của các cấp, ngành, trong đó có các cơ quan báo chí.

Chuyện đập phá nhà máy, thậm chí còn có người tử vong, nếu chỉ để “câu view”, có nhiều cách để xử lý thông tin. Nhưng đây không chỉ là chuyện của một doanh nghiệp, hay một con người, mà là chuyện của quốc gia, của dân tộc…

“Nhà báo trước tiên là một công dân, là một con người bình thường, yêu đồng bào, yêu Tổ quốc như bất kỳ 90 triệu người dân Việt Nam nào. Nhà báo lại là người định hướng dư luận, nên khi nhận thức được những điều có lợi nhất cho dân tộc, sẽ tự thấy có trách nhiệm phải hiểu thế nào cho đúng, viết thế nào cho đúng, yêu thế nào cho đúng”, một nhà báo đã chia sẻ như vậy.

Yêu thế nào cho đúng không chỉ quan trọng với các nhà báo, mà với cả 90 triệu người dân Việt Nam khác. Yêu nước không đồng nghĩa với hành vi đập phá, phản đối nhà đầu tư Trung Quốc. Có tinh thần dân tộc không có nghĩa kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc…

“Cảm xúc yêu nước hay tinh thần dân tộc, đất nước nếu không đủ kiến thức và sự tỉnh táo dễ dẫn đến tính dân tộc cực đoan, có thể trở thành một cái bẫy nguy hiểm về nghề và thậm chí tác động tiêu cực đến xã hội”, một nhà báo khác trầm ngâm.

Yêu nước là khi hàng loạt nhà báo, sau sự kiện Biển Đông, cũng “bám biển” để đưa những thông tin nóng hổi và chân thực nhất trên Biển Đông tới nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế. Yêu nước là khi các nhà báo, các cơ quan báo chí đồng lòng quyên góp để ủng hộ ngư dân bám biển. Và là khi trong những ngày kỷ niệm 21/6, thay vì ở trụ sở tòa soạn để nhận lời chúc mừng, thì lênh đênh đảo xa để trao những món quà nặng ân tình cho gia đình của các cảnh sát biển có hoàn cảnh khó khăn…

Mỗi nhà báo, với ngòi bút và bằng sức chiến đấu của mình, đã và đang có một cách yêu nước rất riêng. Nhưng điều quan trọng nhất, giữa bộn bề thông tin không kiểm chứng, giữa những luồng dư luận chứa đựng nhiều âm mưu đen tối, nhà báo phải đủ tỉnh táo, nhạy cảm và hiểu biết để phân biệt cái nào tiệm cận nhất với sự thật và đưa sự thật đó tới công chúng và cộng đồng quốc tế.

Một sự thật rõ ràng rằng, Trung Quốc đã có hành động sai trái và âm mưu đen tối khi đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sự thật là, Việt Nam có chính nghĩa và lẽ phải. Bảo vệ sự thật đó, chính là cách để các nhà báo thể hiện tình yêu Tổ quốc của mình.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư