Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhà đầu tư ngoại nhòm thị trường blockchain Việt Nam
Hải Hà - 22/04/2018 08:06
 
Tại Hội nghị Blockchain Đông Nam Á do Hiệp hội sáng tạo Blockchain Đông Nam Á và Công ty TNHH KT Mạn Viễn Đông tổ chức hôm 21/4 tại Hà Nội, hàng trăm nhà đầu tư ngoại tỏ ra quan tâm tới thị trường blockchain Việt Nam.
.
Các nhà đầu tư ngoại đánh giá Việt Nam rất nhiều lợi thế phát triển công nghệ blockchain.

Mặc dù, công nghệ blockchain mới được phát triển ở Việt Nam trong vòng 1 năm trở lại đây nhưng Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng khi có nền công nghệ phát triển. Do đó, với blockchain, các nhà đầu tư Việt cũng sẽ sớm thích nghi.

Theo các chuyên  gia, blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian thực. Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó. 

Blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu. Thông tin trong blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Ngay cả khi nếu một phần của hệ thống blockchain đổ, những máy tính và nút khác sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin. 

Đặc biệt blockchain có khả năng truyền tải dữ liệu mà không đòi hỏi trung gian để xác nhận thông tin. Hệ thống blockchain bao gồm nhiều nút độc lập có khả năng xác thực thông tin.

Đơn cử, trong mạng lưới kinh doanh của các doanh nghiệp có rất nhiều nhà cung cấp cùng tham gia. Khi tham gia blockchain, hệ thống chuỗi sẽ lưu trữ thông tin của cả chuỗi khối trước, xác định rõ đóng góp của các bên tham gia.  

Ví dụ khi hàng hóa được chuyển từ hải quan Mỹ đến hải quan Việt Nam, hàng chuyển đến đâu thì tất cả những thành viên tham gia mạng blockchain đều có thể theo dõi tình trạng hàng hóa và biết cụ thể thời gian đến. 

Trong lĩnh vực bán lẻ hay nông nghiệp, blockchain sẽ phục vụ hiệu quả cho việc truy xuất nguồn gốc để biết rõ các sản phẩm, hàng hóa được nhập khẩu, sản xuất từ đâu.

Ông Vương Quag Long, CEO và Founder của Tomo App, đồng sáng lập NEM blockchain khẳng định, blockchain là công nghệ mới. Việt Nam mới chỉ quan tâm tới công nghệ này 1 năm trở lại đây. Ngay cả những nước có nền công nghệ phát triển thì họ cũng mới phát triển công nghệ này 2-3 năm nay.

Ông Long cũng khẳng định, Việt Nam vẫn là thị trường có quy mô nhỏ nên những nhà đầu tư trong nước phát triển công nghệ blockchain vẫn hoạt động nhiều ở thị trường quốc tế.

 “Vì là công nghệ mới nên Việt Nam đang đứng trước cơ hội giành vị trí tiên phong trong công nghệ cách mạng mới nếu có sự đầu tư bài bản về nguồn lực của nhà nước và cộng đồng để phát triển. Về mặt thuận lợi, Việt Nam có nền tảng công nghệ rất tốt, thậm chí, một số công ty công nghệ thế giới muốn đặt trụ sở ở Việt Nam để tận dụng nguồn nhân lực có chất lượng cao, tiếp thu nhanh. Nếu trong tương lai, Việt Nam có hành lang pháp lý cho hoạt động này thì đây là cơ hội phát triển mạnh mẽ”, ông Long nói.

Ông Long cũng cho biết, mặc dù Việt Nam chưa có văn bản pháp lý cụ thể cho hoạt động công nghệ này nhưng qua trao đổi, lãnh đạo các bộ, ngành đều tỏ ra ủng hộ sự phát triển công nghệ mới này.

Đó cũng là lý do, những đối tác, chủ yếu đến từ Trung Quốc rất quan tâm tới thị trường blockchain tại Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử, baodautu.vn, ông Evan Kim, Đồng sáng lập Công ty IHT cho biết: “IHT đang sử dụng công nghệ blockchain cho giao dịch bất động sản. Công nghệ này có thể đưa các homestay, nền tảng bất động sản, khách sạn đến với đối tác toàn cầu. Việt Nam được nhận định là quốc gia có xu thế người nước ngoài đến du lịch, sinh sống và định cư rất lớn. Do đó, đây là thị trường tiềm năng. Hôm qua, tôi có làm việc với một công ty bất động sản lớn của Việt Nam và Công ty Chứng khoán Việt Nam IVS để có thể bắt đầu kế hoạch hợp tác. Ngoài ra, chúng tôi cũng sử dụng công nghệ này để cung cấp tài chính cho các nhà đầu tư Việt Nam giao dịch. Do đó, đối tượng mà tôi đang hướng đến là các ngân hàng Việt Nam”.

Trong khi đó, một ông lớn trong công nghệ blockchain của Trung Quốc là Oraclechain cũng tới Việt Nam để tìm kiếm đối tác.

Ông Zhao Wei, CEO Oraclechain khẳng định mục đích chuyến làm việc tới Việt Nam của ông lần này là tìm kiếm các đối tác Việt Nam. Tuy nhiên, ông Wei cho biết, vì mới tìm hiểu thị trường nên chưa có tiêu chí cụ thể chọn nhà đầu tư nào.

Mặc dù vậy, ông Wei cũng cho biết, công nghệ blockchain do Oracle phát triển dành riêng để quản lý tài sản, tiền tệ blockchain dành cho các nhà đầu tư.

Trong khi đó, dù công nghệ này mới được quan tâm ở Việt Nam nhưng ông Benjamin Gu, Chủ tịch Daex Blockchain đã đặt kỳ vọng có thể phục vụ các sàn giao dịch blockchain tại Việt Nam thông qua dịch vụ thanh toán, quyêt toán tài sản kỹ thuật số blockchain của mình.

“Chúng tôi phát triển những nền tảng chuyên môn chỉ để thanh toán và quyêt toán tài sản bockchain phù hợp quy định tài chính. Trong khi đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hệ thống thanh toán tài chính thông thường không tương đồng với thanh toán blockchain dẫn tới một số sàn blockchain bị sập và nhà đầu tư bị ảnh hưởng rất lớn. Trong khi đó, Hàn Quốc và Nhật Bản đã có những sản giao dịch blockchain rất lớn. Tôi kỳ vọng Việt Nam cũng sẽ phát triển mạnh các sàn giao dịch như vậy trong tương lai”, ông Gu nói.

Cũng tại sự kiện này, Hiệp hội sáng tạo Blockchain Đông Nam Á đã chính thức ra mắt với sự tham gia của bộ khoa học công nghệ chính phủ các nước trong khu vực,  hệ thống quản lý tài sản kỹ thuật số chuyên nghiệp, các sàn giao dịch blockchain uy tín và các chuyên gia blockchain.

Hiệp hội này ra đời được kỳ vọng sẽ mang lại cho sự phát triển vào thời kỳ đầu của ngành công nghiệp blockchain tại Đông Nam Á nguồn tài nguyên phong phú, sự chỉ dẫn chuyên nghiệp, hướng đi có tầm nhìn đồng thời là động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ blockchin tại Đông Nam Á.

FPT và Viện nghiên cứu Nhật Bản hợp tác nghiên cứu, phát triển công nghệ AI, Blockchain
FPT và Viện Nghiên cứu Daiwa (Nhật Bản) vừa ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược trong việc nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư