Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 23 tháng 06 năm 2024,
Nhà đầu tư bán tháo khiến VN-Index giảm 21 điểm, mất mốc 1.300 điểm
Thùy Trang - 14/06/2024 17:15
 
Sau khi tăng liên tiếp lên vùng đỉnh 2 năm, VN-Index trải qua phiên giảm mạnh nhất từ tháng 4 đến nay và đóng cửa tại 1.279 điểm.

Thị trường chứng khoán bước vào phiên giao dịch cuối tuần trong sự thận trọng cao độ của nhà đầu tư sau khi VN-Index đã chinh phục vùng 1.300 điểm nhưng chưa thể bứt phá mạnh mẽ.

Chỉ số đại diện cho sàn TP.HCM ghi nhận nhiều nhịp tăng giảm đan xen nhau. Tuy nhiên, áp lực chốt lời mạnh dần từ nửa cuối phiên chiều khiến nhiều bảng điện tử chuyển sang sắc đỏ với hàng loạt nhóm cổ phiếu trụ như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán… giảm sâu. 

VN-Index đóng cửa phiên cuối tuần tại 1.279,91 điểm, mất 21,6 điểm (tương ứng 1,66%) so với tham chiếu. Đây là mức giảm mạnh nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây, qua đó đưa chỉ số về vùng giá thấp nhất từ đầu tháng 6. 

Độ rộng thị trường lệch hoàn toàn về bên giảm với 366 cổ phiếu giảm, gấp hơn 4 lần số lượng cổ phiếu tăng. Rổ vốn hoá lớn cũng đỏ lửa khi có 28 mã đóng cửa dưới tham chiếu, trong khi bên tăng chỉ còn FPT với SSB.

Danh sách những cổ phiếu ảnh hưởng nhiều nhất đến VN-Index trong phiên 14/6.
Danh sách những cổ phiếu ảnh hưởng nhiều nhất đến VN-Index trong phiên 14/6.


Cổ phiếu ngành ngân hàng dẫn đầu đà giảm khi gần như toàn bộ đóng cửa dưới tham chiếu. Trong 10 mã tác động tiêu cực nhất đến VN-Index có 5 đại diện thuộc nhóm này. Cụ thể, VPB giảm 3,86% xuống 18.700 đồng, tiếp đến CTG giảm 3,24% xuống 32.800 đồng, BID giảm 1,76% xuống 47.500 đồng, MBB giảm 1,91% xuống 23.100 đồng và VCB giảm 1,02% xuống 87.500 đồng. 

Hầu hết cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản cũng rơi vào trạng thái tiêu cực. Hai mã trụ là VHM và VIC lần lượt mất 0,13% xuống 38.200 đồng và 2,78% xuống 42.000 đồng.

Tương tự, nhóm chứng khoán cũng gây áp lực lớn lên diễn biến thị trường. Cụ thể, SSI giảm 1,1% xuống 36.100 đồng, VND giảm 1,65% xuống 17.850 đồng và MBS giảm 3,42% xuống 33.900 đồng.

Ở nhóm thực phẩm, MSN giảm 0,76% xuống 78.000 đồng và khớp lệnh hơn 0,8 triệu đơn vị. Cổ phiếu này bị bán mạnh khiến tâm lý nhà đầu tư vốn đang yếu trở nên tiêu cực hơn và lan rộng đến nhiều cổ phiếu khác thuộc nhóm này. Cụ thể, VNM giảm 1,05% xuống 66.200 đồng và SAB giảm 3,35% xuống 63.400 đồng.

Ở chiều ngược lại, HVN tăng 5,88% lên 30.600 đồng, qua đó trở thành trụ đỡ của thị trường trong phiên hôm nay. LPB xếp tiếp theo danh sách này khi tăng 3,38% lên 27.500 đồng và FPT tăng 0,77% lên 131.000 đồng.

Thanh khoản thị trường hôm nay đạt 29.362 tỷ đồng, tăng 6.288 tỷ đồng so với phiên trước. Đây là phiên có giá trị khớp lệnh cao nhất trong hơn nửa tháng qua. Giá trị này đến từ khoảng 1,1 tỷ cổ phiếu được sang tay, tăng 219 triệu cổ phiếu so với phiên hôm qua. Rổ VN30 đóng góp khối lượng giao dịch hơn 359 triệu cổ phiếu và thanh khoản đạt xấp xỉ 11.819 tỷ đồng.

HPG đứng đầu về giá trị khớp lệnh khi đạt hơn 1.015 tỷ đồng (tương ứng 34 triệu cổ phiếu). Con số này vượt xa các cổ phiếu xếp sau là SSI gần 983 tỷ đồng (tương ứng 27 triệu cổ phiếu) và GEX khoảng 869 tỷ đồng (tương ứng gần 36 triệu cổ phiếu).

Nhà đầu tư nước ngoài có chuỗi bán ròng phiên thứ 7 liên tiếp. Cụ thể, phiên hôm nay, nhóm này bán ra gần 69 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 2.538 tỷ đồng trong khi chỉ giải ngân 1.969 tỷ đồng để mua khoảng 52 triệu cổ phiếu. Giá trị bán ròng theo đó đạt 568 tỷ đồng.

Trên sàn TP.HCM, khối ngoại tập trung xả hàng FPT với giá trị ròng khoảng 149 tỷ đồng, tiếp đến là VHM hơn 123 tỷ đồng, MWG gần 93 tỷ đồng và VRE khoảng 72 tỷ đồng. Ngược lại, dòng tiền khối ngoại tập trung vào cổ phiếu SSI với giá trị ròng 75 tỷ đồng. MSN xếp tiếp theo khi hút ròng khoảng 73 tỷ đồng, sau đó đến DGC hơn 63 tỷ đồng.

Chứng khoán chờ giải bài toán nâng hạng
Nỗ lực thời gian qua của thị trường chứng khoán Việt Nam phần nào được ghi nhận, khi Công ty nghiên cứu dữ liệu đầu tư MSCI giảm số lượng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư