Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Nhà đầu tư điện mặt trời thấp thỏm
Thanh Hương - 20/06/2019 09:19
 
Việc chưa chính thức có giá điện mặt trời cho thời điểm sau ngày 30/6/2019 đang khiến các nhà đầu tư vào lĩnh vực này thấp thỏm…
Có một lỗ hổng lớn trong quá trình phát triển điện mặt trời thời gian qua. Ảnh: Đức Thanh
Có một lỗ hổng lớn trong quá trình phát triển điện mặt trời thời gian qua. Ảnh: Đức Thanh

Chia 2 hay 4 vùng

Chỉ còn 10 ngày nữa là tới ngày 1/7/2019 - mốc thời gian phải áp dụng giá điện mặt trời mới thay thế cho mức 9,35 UScent/kWh đang áp dụng theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg, nhưng mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ. Đáng nói là, mốc thời điểm này đã được biết từ cách đây 2 năm, khi Quyết định 11 được ban hành vào tháng 4/2017. Sự chậm trễ trong việc ban hành mức giá điện mặt trời mới khiến nhiều nhà đầu tư phải dừng lại vòng quay đang rất hối hả để chờ đợi.

Trong Thông báo số 205/TB-VPCP ngày 7/6/2019, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Công thương nghiên cứu thêm phương án chia 2 vùng, thay vì 4 vùng như đang đề xuất, để khuyến khích phát triển hợp lý điện mặt trời tại các khu vực có tiềm năng, lợi thế phát triển.

Lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan vào ngày 13/6, Bộ Công thương đã đưa ra phương án 2 vùng, trong đó vùng 1 gồm 6 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắc Lắk, Phú Yên, Gia Lai, Khánh Hoà và vùng 2 là tất cả các tỉnh còn lại.

Theo Bộ Công thương, việc chia 2 vùng có ưu điểm là không có nhiều mức giá và không phải hỗ trợ cao hơn cho các vùng có tiềm năng bức xạ thấp. Nhưng nhược điểm là không đủ khuyến khích các nhà đầu tư làm điện mặt trời ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung, khó đạt được mục tiêu phát triển 20.000 MW điện mặt trời tới năm 2030 và càng khó khăn trong truyền tải do điện mặt trời tập trung lớn ở một vùng.

“Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng giữ nguyên việc phân chia thành 4 vùng điện mặt trời như đề xuất bấy lâu nay, bởi việc này đã được tư vấn nước ngoài nghiên cứu khá kỹ lưỡng”, nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay.

Trong phương án 4 vùng, 6 địa phương nói trên được xếp vào vùng 4 với giá mua điện mặt trời thấp hơn các vùng khác, dù có lợi thế về tiềm năng bức xạ. Điều này nhằm giãn sự đổ bộ của các dự án điện mặt trời vào khu vực trên, khi đường dây truyền tải không kịp đầu tư, khiến các dự án đã hoàn tất xây dựng không thể phát điện lên lưới.

Ông Bùi Vạn Thịnh, Giám đốc Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình cho hay, năm 2016, đường dây Phan Rí - Ninh Phước công suất 95 MW chỉ có 2 dự án điện gió đấu nối vào. Còn tháng 6/2019, đường dây này có thêm 13 dự án điện mặt trời khác được đấu nối. Tổng công suất của 15 dự án là hơn 500 MW. Điều này khiến các nhà máy điện mặt trời chỉ có thể phát lên lưới điện quốc gia sản lượng điện rất ít so với khả năng sản xuất.

Theo ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN, để đầu tư được đường dây 220 kV, phải mất 3 - 5 năm, với đường dây 500 kV, thời gian còn dài hơn. “Lâu nhất là các thủ tục đất đai, đất rừng..., phải xin ý kiến Chính phủ”, ông Lâm nói.

Ngóng đấu thầu chọn chủ đầu tư

Ông Thái Phụng Nê, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng, Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về các công trình điện cho hay, có một lỗ hổng lớn trong quá trình phát triển điện mặt trời thời gian qua. Việc phát triển hàng ngàn, hàng chục ngàn MW điện mặt trời nhưng không có quy hoạch cấp tỉnh, cấp quốc gia được phê duyệt trước đó dẫn tới khó xây dựng được mạng lưới truyền tải và phân phối. Trong khi đó, việc đầu tư hàng ngàn, hàng chục ngàn MW điện mặt trời đòi hỏi hàng chục trạm biến áp 500 kV, vài chục trạm biến áp 220 kV thì mới giải quyết được việc đưa điện từ các dự án này hoà vào lưới điện quốc gia.

“Trước hết, Nhà nước cần có quy hoạch địa điểm, sau đó là quy hoạch hệ thống truyền tải để triển khai xây dựng, chưa kể giải phóng mặt bằng cho các đường dây này chưa bao giờ là dễ”, ông Nê nhận xét từ kinh nghiệm nhiều năm chỉ đạo và đốc thúc các công trình điện của mình.

Không chỉ băn khoăn về việc quy hoạch chưa bài bản, chưa có giá mua điện mặt trời mới, ông Nê còn cho rằng, cần làm tốt công tác ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định thiết kế và vận hành để tránh rơi vào tình trạng do làm không tốt công tác quy chuẩn và tiêu chuẩn, nên khi vận hành, nếu xảy ra tình trạng gì, thì không biết lấy đâu bù đắp, cân đối. “Nếu không có thì cần có tiêu chuẩn, quy chuẩn tạm thời, rồi rút kinh nghiệm để ban hành chính thức”, vị chuyên gia nói.

Liên quan đến yêu cầu “quy định về thời gian đấu thầu thực hiện các dự án điện mặt trời để sớm triển khai trong thời gian tới” được Chính phủ nhắc tới với Bộ Công thương, các chuyên gia cho rằng, đây là vấn đề cần minh bạch sớm, tránh tình trạng xin - cho trong đầu tư loại hình năng lượng tái tạo này.

57 nhà máy điện mặt trời và điện gió được đưa vào vận hành
Tính đến 31/5/2019, có 50 nhà máy điện mặt trời cùng 7 nhà máy điện gió đã được đưa vào vận hành, với tổng công suất lắp đặt lần lượt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư