Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Điện mặt trời: Khẩu vị mới của nhà đầu tư Thái Lan
Anh Hoa - 30/05/2019 09:58
 
Đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời, thông qua các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) là xu hướng đầu tư mới của doanh nghiệp Thái Lan.
Dự án Điện mặt trời Xuân Thọ 1 (tỉnh Phú Yên). Ảnh: Đức Thanh
Dự án Điện mặt trời Xuân Thọ 1 (tỉnh Phú Yên). Ảnh: Đức Thanh

Chạy đua

Tuần qua, hàng loạt thông tin liên quan đến lĩnh vực đầu tư năng lượng mặt trời đã thu hút giới đầu tư trong và ngoài nước. Đó là việc Tập đoàn Scatec Solar (Na Uy) bắt tay với Công ty Energy (Việt Nam) đầu tư khoảng 500 triệu USD vào 3 dự án năng lượng mặt trời tại Bình Phước, Quảng Trị và Nghệ An; Công ty cổ phần Năng lượng QN (Hàn Quốc) rót 70 triệu USD xây nhà máy điện mặt trời tại Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) với công suất 40 MWp, dự kiến tháng 6/2020 sẽ kết nối vào lưới điện quốc gia.

Đặc biệt, nhà đầu tư Thái Lan vừa đăng ký rót 216,7 triệu USD cho Dự án Điện mặt trời Hòa Hội tại Phú Yên. Đó là dự án đầu tư nước ngoài có vốn lớn thứ 4 vào Việt Nam từ đầu năm tới nay.

Theo ông Võ Cao Phi, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Yên, đây là động thái thay đổi cơ cấu vốn cổ đông của Công ty B.Grimm Power PLC (Thái Lan) và Công ty cổ phần TTP Phú Yên. Năm 2018, nhà đầu tư này đã chi 32,5 triệu USD mua 80% cổ phần tại Công ty cổ phần TTP Phú Yên - chủ đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời công suất 257 MW tại Phú Yên. Dự án này dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 6/2019.

Gần đây, nhà đầu tư Thái Lan đã liên tục mua lại cổ phần các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Tháng 4/2019, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Thái Lan (EXIM Thailand) đã tăng thêm 65 triệu USD cho hai công ty Eastern Power Group Plc và Communication & System Solution Plc để cấp vốn cho việc xây dựng hai nhà máy điện mặt trời tại Phú Yên với tổng công suất phát điện khoảng 100 MW. Năm 2018, Công ty Sermsang International (Thái Lan) chi 17,6 triệu USD mua 80% cổ phần Dự án Điện mặt trời Bình Nguyên ở Quảng Ngãi, quy mô 49,61 MW. Trong đó, có 10,8 triệu USD mua cổ phần hiện hữu và 6,8 triệu USD mua cổ phần phát hành thêm.

Cùng trong năm 2018, Công ty Gulf Energy Development của Sarath Ratanavadi, tỷ phú ngành năng lượng Thái Lan cũng bắt tay với Công ty Năng lượng Xanh phát triển một dự án điện mặt trời tại tỉnh Tây Ninh. Đây là dự án nằm tại huyện Trảng Bàng, có công suất thiết kế 48 MW và tổn vốn đầu tư 66 triệu USD. Trong thương vụ này, Công ty Năng lượng Xanh nắm 51% cổ phần và phần còn lại thuộc sở hữu bởi Công ty Gulf Energy Development.

Trong khi đó, bên cạnh việc đầu tư một vài dự án hiện hữu lên tới tỷ USD ở Việt Nam, Superblock Pcl, công ty năng lượng mặt trời lớn nhất của Thái Lan cũng muốn đầu tư lớn để trở thành một công ty tầm cỡ khu vực. Mục tiêu của công ty này là thâu tóm một số công ty năng lượng tái tạo trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời hướng đến triển khai các dự án ở Trung Quốc, Nhật Bản và Australia.

Hầu hết các dự án điện mặt trời đang được gấp rút hoàn thành trước ngày 30/6 - thời điểm giá thu mua điện mặt trời được hưởng ưu đãi 9,35 UScents/kWh, tương đương 2.086 đồng/kWh trong vòng 20 năm.

Trong vòng chưa đầy 1 tháng (từ ngày 23/4 - 17/5), cả nước có 23 nhà máy điện mặt trời được khánh thành, nâng tổng số nhà máy điện mặt trời hiện nay lên con số 27. Dự kiến, đến thời điểm 30/6/2019, cả nước sẽ có tổng cộng 88 nhà máy điện trời đi vào hoạt động.

Kỳ vọng về chính sách mới của Việt Nam

Với những thế mạnh và chính sách cởi mở của Việt Nam về năng lượng tái tạo, cùng những kinh nghiệm đầu tư trong quá khứ, doanh nghiệp Thái Lan rất quan tâm tới thị trường năng lượng tái tạo của Việt Nam, đặc biệt là điện mặt trời.

Theo ông Audistti Stroithong, Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam, điện mặt trời là xu hướng đầu tư vào Việt Nam của doanh nghiệp Thái Lan trong năm 2019.

Nếu trước đây, các nhà đầu tư Thái Lan thường tìm kiếm những tỉnh thuộc khu vực miền Trung và miền Nam vì lượng bức xạ cao, năng lượng gió dồi dào, thì nay họ khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại khu vực Bắc Trung bộ.

“Doanh nghiệp Thái Lan sẵn sàng cho việc bước vào thị trường Việt Nam để triển khai đầu tư vào thị trường năng lượng tái tạo”, ông Audistti Stroithong cho biết.

Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành các chính sách ưu đãi khác cho các nhà đầu tư, như ưu tiên cung cấp tín dụng, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, sử dụng hợp đồng mua bán điện mẫu...

Với các chính sách và cơ chế hỗ trợ khá hấp dẫn này, đã và đang xuất hiện một làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, trong đó có nhà đầu tư đến từ Thái Lan.

Tuy nhiên, nhà đầu tư Thái Lan đang kỳ vọng về triển vọng chính sách mới của Chính phủ Việt Nam, bởi những chính sách ưu đãi theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 6/2019.

Việt Nam hiện có 121 dự án điện mặt trời được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia và cấp tỉnh. Tổng công suất phát điện đến năm 2020 là 6.100 MW và năm 2030 là 7.960 MW. Ngoài ra, còn 221 dự án đang chờ phê duyệt, công suất đăng ký hơn 14.330 MW.

Giới đầu tư dự đoán, đến năm 2025, sẽ có khoảng 12 tỷ USD và đến năm 2035 có 42 tỷ USD vốn trong nước và nước ngoài đầu tư vào các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.

(Nguồn: Bộ Công thương)

Hàng chục dự án điện mặt trời ngóng quy hoạch
Có 25 dự án điện mặt trời và 4 dự án điện gió được đề nghị bổ sung vào Quy hoạch Điện quốc gia mà Bộ Công thương đang chưa biết xử lý ra...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư