Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhà đầu tư dồn dập đề xuất dự án năng lượng tại miền Trung
Sơn Thuận - 27/04/2024 08:26
 
Phú Yên và Bình Định trở thành tâm điểm thu hút nhiều nhà đầu tư lĩnh vực năng lượng trong thời gian qua.

Đề xuất dự án 1.322 tỷ USD tại Phú Yên

Mới đây, Công ty cổ phần Hydro xanh Minh Thạch D&L (thuộc Minh Thạch Group) đề xuất với UBND tỉnh Phú Yên về việc đầu tư Dự án Tổ hợp nhà máy sản xuất hydro - amoniac xanh. Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Yên, tổng mức đầu tư Dự án dự kiến là hơn 1.322 tỷ USD, trong đó vốn góp chiếm 15% tổng mức đầu tư và vốn vay từ các tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư chiếm 85% tổng mức đầu tư.

Dự án có sản lượng khoảng 45.000 - 55.000 tấn hydro/năm hoặc 270.000 tấn amoniac/năm, sử dụng công nghệ điện phân nước alkaline, tổng hợp amoniac với công nghệ topsoe. Nhà đầu tư dự kiến nghiên cứu khu vực xây dựng nguồn điện tại thị xã Sông Cầu và huyện Sơn Hòa, với tổng diện tích sử dụng đất trên 830 ha để tạo ra khoảng 450 MW điện gió và 707 MWp điện mặt trời cung cấp điện cho Dự án.

Đồng thời, Công ty cổ phần Hydro xanh Minh Thạch D&L đề xuất địa điểm để xây dựng nhà máy sản xuất hydro - amoniac xanh với diện tích khoảng 20 ha trong Khu công nghiệp Hòa Tâm (thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên) và sử dụng cảng Bãi Gốc để xuất hàng và lưu trữ amoniac lỏng.

Đại diện Công ty cổ phần Hydro xanh Minh Thạch D&L cho rằng, Dự án Tổ hợp nhà máy sản xuất hydro - amoniac xanh tại Phú Yên hoàn toàn khả thi về mặt cung cầu và kinh tế, các điều kiện tự nhiên, xã hội và nguồn lực để xây dựng và vận hành nhà máy.

Mục tiêu đầu tư dự án là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; giai đoạn sau sẽ cung cấp cho thị trường trong nước, góp phần phát triển năng lượng tái tạo, giảm phát thải CO2, chống biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển kinh tế và tăng thu ngân sách nhà nước tại địa phương.

Do vậy, Công ty cổ phần Hydro xanh Minh Thạch D&L mong muốn UBND tỉnh Phú Yên và các sở, ngành bố trí quỹ đất theo vị trí đề xuất của Công ty; hướng dẫn, tạo điều kiện để nhà đầu tư thực hiện các thủ tục theo quy định để sớm triển khai thực hiện Dự án.

Đánh giá đây là dự án thuộc lĩnh vực năng lượng mới, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế hiện nay, hướng tới bảo vệ môi trường, song bà Hồ Thị Nguyên Thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đề nghị Công ty cổ phần Hydro xanh Minh Thạch D&L nghiên cứu, làm rõ thêm về nguồn tài chính, tiến độ thực hiện cho phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là những thủ tục liên quan đến đất đai.

Bình Định xúc tiến các dự án đã ký ghi nhớ

Cuối tháng 3/2024, Tập đoàn Nexif Ratch Energy SE Asia Pte., Ltd (Singapore) và UBND tỉnh Bình Định đã ký kết bản ghi nhớ đầu tư về Dự án Nhà máy điện gió Nexif Ratch Bình Định. Dự án sẽ được triển khai tại xã Canh Liên, huyện Vân Canh, quy mô công suất 150 MW, tổng mức đầu tư ước tính 5.500 tỷ đồng (trong đó vốn chủ sở hữu chiếm 20% và 80% vốn vay quốc tế).

Ông Cyril Dissescou, Giám đốc điều hành Tập đoàn Nexif Ratch Energy SE Asia Pte., Ltd cho biết, sẽ có khoảng 143 MW công suất điện gió trên bờ được phân bổ tại Bình Định đến năm 2030 sau khi Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt. Đây là cơ sở để các đơn vị phát triển năng lượng tái tạo như Nexif Ratch Energy mở rộng kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Theo thông tin từ ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, UBND tỉnh đã đồng ý cho lắp đặt cột đo gió để đánh giá tiềm năng gió phục vụ nghiên cứu đầu tư dự án điện gió trên địa bàn huyện Vân Canh của Nexif Ratch Energy. Thời gian cho khảo sát, nghiên cứu lắp đặt cột đo gió, đánh giá tiềm năng gió của nhà đầu tư là 18 tháng.

Trước đó, tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bình định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 vào cuối tháng 12/2023, UBND tỉnh này đã trao 3 bản ghi nhớ đầu tư liên quan đến Dự án Xây dựng nhà máy điện gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi với công suất 2.000 MW của Liên danh IDG Capital - STS Development và Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Nhơn Hội, vốn đầu tư khoảng 4,8 tỷ USD; Dự án Nhà máy điện sinh khối Bình Định (tại huyện Phù Cát) của Công ty cổ phần Erex, vốn đầu tư dự kiến 2.400 tỷ đồng.

Ngoài ra, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) tìm hiểu cơ hội đầu tư Dự án Điện gió ngoài khơi tại huyện Phù Mỹ, vốn đầu tư dự kiến khoảng 4,6 tỷ USD. Đây cũng chính là dự án đang được Tập đoàn PNE (Đức) thực hiện các thủ tục đầu tư thời gian qua.

UBND tỉnh Bình Định cho biết, trong quý II/2024, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ nhà đầu tư về thủ tục quy hoạch, thủ tục lập dự án đối với các dự án Nhà máy Điện gió ngoài khơi của PNE AG; Nhà máy điện gió trên bờ, gần bờ và xa bờ của Liên danh IDG Capital - STS Development và Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Nhơn Hội.

Nhiều nhà đầu tư quan tâm, đề xuất đầu tư dự án tại Phú Yên
Công ty cổ phần Hydro Xanh Minh Thạch D&L, Tập đoàn SK (Hàn Quốc) đề xuất đầu tư dự án năng lượng tái tạo tại Phú Yên.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư