Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Nhà đầu tư Hàn Quốc định vị thị trường Việt
Hà Nguyễn - 09/09/2013 13:51
 
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (từ ngày 7 đến 11/9/2013) sẽ tạo cơ hội để tăng xung lực cho làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam. Hàn Quốc - sức quyến rũ không thể cưỡng lại

Trong khi UBND tỉnh Thái Nguyên vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, thảo luận để sớm ký một biên bản ghi nhớ với Samsung Electro - Mechanics về việc đầu tư Nhà máy sản xuất vi mạch và linh kiện điện tử cho điện thoại di động Samsung, vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, thì mới đây, ông Phùng Quang Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng kết thúc buổi tiếp ông Kwon Oh Chong, Giám đốc Công ty Điện tử Young Wo (Hàn Quốc).

Samsung đã đầu tư vào Việt Nam 4,5 tỷ USD. (ảnh: Đức Thanh)

Ông Kwon Oh Chong đến Vĩnh Phúc lần này để tìm kiếm cơ hội đầu tư một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử cho Samsung tại Khu công nghiệp (KCN) Bá Thiện.

Trước Young Wo, đã có một số nhà đầu tư Hàn Quốc đặt nhà máy tại Vĩnh Phúc, với mục đích cung cấp thiết bị cho nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất toàn cầu của Samsung, đang đặt tại Bắc Ninh, với tổng vốn đầu tư 2,5 tỷ USD.

Heasung Vina là ví dụ điển hình. Cuối tháng 5/2013, công ty này đã khánh thành nhà máy sản xuất thứ hai, chuyên sản xuất camera cho smartphone của Samsung, tại KCN Khai Quang (TP. Vĩnh Yên).

Với nhà máy mới này, công suất của Heasung sẽ tăng từ 10 triệu sản phẩm/năm hiện nay lên 25 triệu sản phẩm/năm.

“Chúng tôi luôn chào đón các nhà đầu tư Hàn Quốc tới Vĩnh Phúc và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư triển khai dự án”, ông Hùng nói.

Trong khi đó, ở đầu tàu kinh tế phía Nam, sau khi chính thức trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, Samsung Vina cũng đang ráo riết cho kế hoạch đầu tư nhà máy sản xuất đồ điện tử quy mô lớn hơn nhà máy hiện tại ở Thủ Đức (TP.HCM). Quy mô dự án chưa được tiết lộ, song địa điểm đầu tư có thể sẽ là TP.HCM hoặc Đồng Nai.

Một diễn biến khác, ở khu vực miền Trung, hôm 3/9, Tập đoàn Samsung đã tới Nghệ An để tìm hiểu cơ chế, chính sách và cơ hội đầu tư vào tỉnh này. Làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An, ông Jae Ho Oh, đại diện của Samsung đã không giấu giếm mối quan tâm tới Dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 2 ở KCN Đông Hồi.

Một nguồn tin cho biết, Quỳnh Lập 2 chỉ là một trong 5 dự án nhiệt điện mà Samsung sẽ tập trung đi khảo sát trong tháng 9 này. Các dự án khác là Vũng Áng 3 (Hà Tĩnh), Quảng Trạch 2 (Quảng Bình), sông Hậu 3 (Hậu Giang) và Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương (Kiên Giang).

Mới chỉ là đi khảo sát, song động thái này của Samsung cho thấy, tập đoàn này đang quan tâm đầu tư vào lĩnh vực hoàn toàn mới tại Việt Nam: năng lượng thay vì điện tử. Và nhìn vào quy mô của các dự án này, có thể thấy, khoản đầu tư có thể sẽ lên tới cả tỷ USD, giống như các dự án mà Samsung điện tử đã đầu tư ở Bắc Ninh và Thái Nguyên.

Nhưng Samsung không phải là tất cả của làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam trong thời gian gần đây, dù hiện tại, vốn đầu tư của tập đoàn này lớn nhất trong số các tập đoàn Hàn Quốc đã và đang đầu tư ở Việt Nam. Hơn thế, phần vốn đầu tư 4,5 tỷ USD của Samsung trên thực tế cũng không hề được tính cho Hàn Quốc, bởi khi vào Việt Nam, tập đoàn này đã đầu tư thông qua công ty con ở Singapore.

Tuy vậy, dù không tính, thì lũy kế đến ngày 20/8/2013, Hàn Quốc vẫn có tới 3.392 dự án đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 25,73 tỷ USD. Riêng 8 tháng đầu năm nay, Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 989 triệu USD. Tính trong 8 tháng đầu năm nay, hay tính lũy kế, thì Hàn Quốc đều là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ tư tại Việt Nam. Nhưng nếu gộp cả khoản đầu tư của Samsung, thì Hàn Quốc vươn lên hạng nhì.

Đóng góp vào con số này là một thế hệ nhà đầu tư có thâm niên ở Việt Nam, như Kumho Asiana, LG, Posco, Doosan, Hyundai, Samsung...

Nhìn vào những cái tên này, có thể nhận thấy, hầu hết các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã có mặt ở Việt Nam. Và không chỉ là có mặt, các tập đoàn này còn đang dốc sức đầu tư thêm vào Việt Nam. Lotte chẳng hạn, hồi năm ngoái đã mua cổ phần tại Legend Hotel ở TP.HCM và đổi tên khách sạn này thành Lotte Legend Hotel, đồng thời mua thêm một khách sạn ở Đà Nẵng.

Tòa nhà Lotte Center, vốn đầu tư 400 triệu USD, của Lotte đang được hoàn thiện ở khu đất đối diện Khách sạn Daewoo (Hà Nội). Tập đoàn này cũng đang không ngừng khuếch trương thanh thế bằng việc liên tục xây dựng các trung tâm thương mại ở nhiều địa phương trong cả nước.

Hay CJ, vừa tuần trước đã ký một thỏa thuận đầu tư phát triển trang trại ớt tại Ninh Thuận - một lĩnh vực đầu tư khác hẳn với những gì hiện tại CJ đang đầu tư ở Việt Nam. Năm ngoái, tập đoàn này đã bỏ ra hơn 73 triệu USD để giành quyền điều hành hệ thống rạp chiếu phim Megastar tại Việt Nam…

Trong khi đó, cả LG và Kumho Asiana cũng đang hiện thực hóa kế hoạch mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Nếu LG định đầu tư thêm cả tỷ USD ở Hải Phòng, thì Kumho đang đầu tư thêm hàng trăm triệu USD vào Bình Dương…

Như vậy, không chỉ là tài chính, bất động sản…, làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam hiện đã có sự đổi chiều và lan sang cả giải trí và công nghệ, đặc biệt là công nghệ. Sự có mặt của Samsung và LG đang tạo động lực kéo các nhà đầu tư vệ tinh Hàn Quốc vào Việt Nam.

Thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt-Hàn
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Park Geun-hye sẽ thăm cấp Nhà nước nước Cộng hòa xã hội...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư