Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Nhà đầu tư Hàn Quốc tấp nập đổ vốn vào ngân hàng Việt
Hà Tâm - 11/10/2017 09:05
 
Từ đầu năm đến nay, liên tiếp các nhà đầu tư tài chính đến từ Hàn Quốc tích cực tìm kiếm cơ hội gia nhập thị trường ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là phân khúc tài chính tiêu dùng. Việc Lotte Card đang đàm phán mua lại Techcom Finance là ví dụ điển hình.
TIN LIÊN QUAN

Chiến lược “trọn gói” của Lotte

Mới đây, Ngân hàng Techcombank đã phê duyệt hợp đồng và các tài liệu giao dịch liên quan đến việc bán 100% vốn tại Techcom Finance. Đối tác đang đàm phán mua lại là Lotte Card - công ty con của Tập đoàn Lotte. Nếu thương vụ được thông qua, Lotte  Card sẽ là công ty thẻ Hàn Quốc đầu tiên có mặt tại Việt Nam, cung cấp các dịch vụ cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng qua thẻ…

.
.

Hiện tại, cho vay tiêu là thị trường béo bở, đem lại nguồn lãi ngàn tỷ cho các công ty tài chính trên thị trường Việt Nam, trong đó nổi bật là FE Credit. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng VPBank - ngân hàng mẹ của FE Credit - thừa nhận, cho vay tiêu dùng đã bão hòa, cho vay tiền mặt dẫu đang tăng trưởng tốt, song cho vay qua thẻ mới là xu hướng của tương lai. Đây cũng là hướng đi mà FE Credit đang đẩy mạnh.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tuy giao dịch qua thẻ còn khiêm tốn, song xu hướng chi tiêu qua thẻ đang tăng lên mạnh mẽ, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang thúc đẩy Đề án thanh toán không dùng tiền mặt.

Lotte Card gia nhập thị trường thẻ Việt Nam thời điểm này chính là thiên thời, địa lợi. Chưa kể, công ty này còn có sự hậu thuẫn của lực lượng khách hàng hùng hậu thuộc Tập đoàn Lotte, vốn đã cắm rễ tại Việt Nam hơn 10 năm.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng nhận định, với tiềm lực đến từ các nhà đầu tư Hàn Quốc, chắc chắn Lotte Card sẽ nhanh chóng mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam.

Sự “đổ bộ” đáng gờm của nhà đầu tư Hàn Quốc

Không chỉ Lotte Card mà nhiều nhà đầu tư tài chính đến từ Hàn Quốc đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội ở thị trường tài chính Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, đã có thêm 3 ngân hàng Hàn Quốc hợp tác với các ngân hàng, công ty bảo hiểm trong nước.

Với dịch vụ tốt, điều kiện vay thông thoáng..., các ngân hàng, công ty tài chính Hàn Quốc sẽ đe dọa thị phần bán lẻ của các ngân hàng trong nước.

Cụ thể, tháng 7/2017, Ngân hàng Daegu Bank ký kết hợp tác toàn diện với OCB. Trước đó, Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với BIDV, còn Woori Bank Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác với Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI).

Hiện ở Việt Nam, đã có 2 ngân hàng 100% vốn Hàn Quốc (trong 8 ngân hàng 100% vốn nước ngoài) là Shinhan và Woori Bank. Ngoài ra, nhiều ngân hàng lớn khác của Hàn Quốc đã thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam, như KEB Hana, Industrial Bank of Korea, Kookmin, Busan, Nonghyup, Ngân hàng Nông nghiệp Hàn Quốc… Các ngân hàng đến từ Hàn Quốc đang đứng vị trí số 1 trong số các nhà đầu tư nước ngoài hiện diện tại thị trường ngân hàng Việt Nam.

Với dịch vụ tốt, lãi suất thấp, điều kiện vay thông thoáng, các ngân hàng, công ty tài chính đến từ Hàn Quốc như Shinhan, Woori, tới đây là Lotte Card… sẽ còn đe dọa thị phần bán lẻ của không ít ngân hàng trong nước. Thậm chí, ngay cả với mảng cho vay doanh nghiệp, nếu chủ quan, các ngân hàng lớn trong nước cũng sẽ để khách hàng rơi vào tay các nhà băng xứ kim chi. Cách đây không lâu, lãnh đạo Ngân hàng Keximbank Hàn Quốc đã bày tỏ ý định cấp tín dụng cho các tuyến metro tại TP.HCM, đặc biệt là tuyến metro 4b-1 vào Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc với lĩnh vực tài chính của Việt Nam chưa có dấu hiệu dừng lại. Giới chuyên gia cảnh báo, ngân hàng trong nước cần tăng cường năng lực “phòng thủ”. Với lợi thế vốn rẻ dồi dào, công nghệ hiện đại, am hiểu thị trường Việt Nam, lực lượng khách hàng hùng hậu…, chắc chắn ngân hàng Hàn Quốc sẽ là đối thủ đáng gờm của các ngân hàng Việt Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư