Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Nhà đầu tư không chùn tay, dòng tiền vẫn chảy ồ ạt vào các startup Trung Quốc
Lê Quân - 27/10/2021 21:45
 
Các nhà đầu tư quốc tế rót vốn nhiều hơn vào các startup Trung Quốc trong quý III/2021, bất luận việc Bắc Kinh siết quy định đối với doanh nghiệp muốn IPO tại Mỹ.
Siêu ứng dụng gọi xe Didi huy động được 4,4 tỷ USD từ hoạt động niêm yết trên Sàn chứng khoán New York vào cuối tháng 6/2021. Ảnh: Reuters
Siêu ứng dụng gọi xe Didi huy động được 4,4 tỷ USD từ thương vụ niêm yết tại New York vào cuối tháng 6/2021. Ảnh: Reuters

Các số liệu công bố gần đây cho thấy, vốn đầu tư mạo hiểm của nước ngoài vào Trung Quốc trong quý III đã tăng lên so với quý trước, đưa tổng vốn đầu tư mạo hiểm chảy vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong 9 tháng đầu năm vượt kết quả của cả năm 2020.

Sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đến các startup Trung Quốc vẫn tăng lên, ngay cả khi Bắc Kinh khởi động quý III với những quy định pháp lý chặt chẽ hơn. Chỉ vài ngày sau khi siêu ứng dụng gọi xe Didi Global niêm yết thành công tại New York vào ngày 30/6 và huy động được 4,4 tỷ USD, Bắc Kinh nhanh chongs hạ lệnh buộc công ty này tạm dừng tiếp nhận người dùng mới trong quá trình xem xét vấn đề an ninh. Cổ phiếu Didi đến nay đã "bay hơi" hơn 35% kể từ khi IPO.

Vài tuần sau đó, chính quyền Trung Quốc bất ngờ ra quy định yêu cầu các công ty dạy thêm sau giờ học chính khóa phải cắt giảm thời gian hoạt động. Cổ phiếu của Tal Education và nhiều công ty kinh doanh dịch vụ dạy thêm được niêm yết tại Mỹ, đã tuột dốc hơn 90% tính đến thời điểm hiện tại.

"Các nhà đầu tư nước ngoài chắc chắn đã trở nên rất thận trọng", ông Jason Hsu, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty quản lý đầu tư Rayliant Global Advisors nhận định. "Tôi nghĩ sẽ mất một thời gian để tâm lý thận trọng đó đảo chiều", ông Jason Hsu dự đoán.

Kể từ cuối tháng 7, Cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc đã ra sức trấn an các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi các đơn vị quản lý quỹ đang hoạt động ở nước này bị buộc phải giải trình những biến động đối với hoạt động đầu tư ở nước ngoài.

"Trung Quốc vẫn cần vốn nước ngoài. Tôi không nghĩ rằng vốn trong nước của Trung Quốc sẽ đủ để hỗ trợ tăng trưởng", ông Fan Bao, Chủ tịch Ngân hàng đầu tư China Renaissance Group đánh giá.

Trung Quốc đã đề ra một chương trình nghị sự về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó vốn tư bản là một "công cụ rất quan trọng". "Nhưng nếu quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kết quả đạt được không như ý muốn và thậm chí tệ hơn, công cụ đó sẽ bị loại bỏ", Chủ tịch Renaissance bình luận trên đài CNBC.

Theo dữ liệu của Công ty phân tích tài chính Preqin, các nhà đầu tư châu Á vẫn quan tâm nhiều nhất đến Trung Quốc, so với những nhà đầu tư châu Âu hoặc Bắc Mỹ. Bằng chứng là số lượng các thương vụ mua lại và đầu tư mạo hiểm của nhà đầu tư châu Á thực hiện tại thị trường Trung Quốc đã tăng lên trong quý III.

"Các nhà đầu tư châu Á và châu Âu tỏ ra bình tĩnh hơn rất nhiều trước tình hình thị trường Trung Quốc hiện nay", ông Bao nhận định, đồng thời cho biết trong số các đối tác đầu tư của Renaissance Group rót vốn vào Trung Quốc, lượng khách hàng đến từ Bắc Mỹ rất ít.

Tuy nhiên, Renaissance Group vẫn có ý định huy động đô la Mỹ để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp muốn niêm yết tại Hong Kong. Chủ tịch Renaissance Group đánh giá, hiện rất khó để huy động vốn bằng nhân dân tệ bởi nền kinh tế Trung Quốc không thực sự mạnh như bề ngoài.

Trên thực tế, dòng vốn đầu tư vào các startup Trung Quốc chỉ chảy dồn vào một số lĩnh vực nhất định. Ông Hongye Wang, đối tác tại Công ty đầu tư mạo hiểm Antler cho biết: "Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư vào Trung Quốc hiện nay giống như con dao hai lưỡi". Chuyên gia này lý giải, thị trường Trung Quốc chắc chắn sẽ mang lại lợi nhuận, nhưng cũng xuất hiện những lo ngại rằng liệu Bắc Kinh có gia tăng các quy định pháp lý đối với doanh nghiệp không.

Việc tiếp cận các số liệu chính xác, đặc biệt là về hoạt động huy động vốn ở Trung Quốc là không hề dề dàng. Nhưng kết quả phân tích dữ liệu của KPMG hé lộ, dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào thị trường Trung Quốc trong quý III là 23,7 tỷ USD, tăng 1,2 tỷ USD so với quý trước. Mức tăng này phù hợp với xu hướng được báo cáo bởi Preqin và CB Insights.

"Các nhà đầu tư mạo hiểm ở Trung Quốc hiện khá thận trọng do có nhiều thay đổi quy định khác nhau đang diễn ra, đặc biệt là trong lĩnh vực fintech, dạy thêm, và hoạt động niêm yết đại chúng ở nước ngoài", Allen Lu, Trưởng bộ phận kiểm toán công nghệ, truyền thông và viễn thông (TMT) tại KPMG Trung Quốc cho hay. "Các lĩnh vực khác như công nghệ y tế, phần cứng và giải pháp thị trường tiêu dùng, vẫn đang thu hút vốn đầu tư khá lớn ở Trung Quốc", Allen Lu nói thêm.

Điển hình, Sequoia Capital China là nhà đầu tư mạo hiểm bận rộn nhất trong quý III với mức trung bình 1,5 giao dịch mỗi ngày, trong đó có một số khoản đầu tư lớn vào lĩnh vực sản xuất chip, chăm sóc sức khỏe, và phần mềm công nghiệp, theo ghi nhận của CB Insights.

Vào tháng 3/2021, Trung Quốc đã đề ra kế hoạch phát triển 5 năm tới và xa hơn thế. Theo đó, Bắc Kinh sẽ đặc biệt tập trung vào việc chế tạo chip bán dẫn của riêng mình trong bối cảnh bị Mỹ hạn chế tiếp cận các công nghệ quan trọng.

Theo Eric Xin, Giám đốc quản lý cấp cao Citic Capital, định hướng phát triển chip bán dẫn riêng đã thu hút một làn sóng đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc theo cách tương tự cách đây hai thập kỷ. Bong bóng dotcom từng chứng kiến các nhà đầu tư đổ xô vào các công ty internet như Pets.com, trước khi giá cổ phiếu ngã nhào vào năm 2000.

Các chuyên gia cảnh báo, đã xuất hiện những dấu hiệu còn đáng ngại hơn việc Trung Quốc siết chặt quy định pháp lý. Ông Zhengdong Ni, nhà sáng lập Công ty đầu tư mạo hiểm Zero2IPO Group cho biết, ngày càng có nhiều quỹ chỉ tập trung vào các dự án đơn lẻ. Đại diện Zero2IPO Group lý giải, khoảng 60% số tiền huy động được bởi các công ty đầu tư mạo hiểm và các quỹ khác đều chảy vào các quỹ có quy mô nhỏ hơn 100 triệu nhân dân tệ.

Các nhà phân tích của Công ty đầu tư tư nhân Siguler Guff đã lưu ý rằng năm 2014, thời điểm mà Alibaba được SoftBank hậu thuẫn lên sàn chứng khoán, mức thua lỗ của doanh nghiệp này vẫn tăng lên bất luận dòng vốn đầu tư tăng lên.

Mùa hè năm nay, giới phê bình đã chỉ trích rằng các quy định lỏng lẻo trước đây mà Trung Quốc áp dụng đã vô tình tạo cơ hội cho các công ty dạy thêm và các nhà phát triển bất động sản thu hút được lượng vốn lớn nhiều hơn so với khả năng.

Năm 2014, Alibaba đã lập kỷ lục thế giới về lượng vốn huy động từ niêm yết. Cổ phiếu Alibaba hiện giao dịch cao hơn giá chào bán khoảng 150%, nhưng sau khi bị Bắc Kinh "nắn gân", cổ phiếu của tập đoàn này rớt giá đến 40% trong 1 năm trở lại đây.

Đối thủ của PayPal chi 317 triệu USD để thâu tóm một startup Mỹ
SumUp mua lại startup thanh toán Fivestars để mở rộng hoạt động tại thị trường Mỹ và nhằm đến cạnh tranh với những "gã khổng lồ" như PayPal...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư