Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Nhà đầu tư kỳ cựu dự báo về chứng khoán Mỹ
Lê Quân - 24/01/2022 08:06
 
Chứng khoán Mỹ đã có một khởi đầu đầy khó khăn trong năm 2022 khi chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite đã điều chỉnh giảm hơn 10%.
Chứng khoán Mỹ đã hai lần rơi vào tình trạng
Chứng khoán Mỹ đã hai lần rơi vào tình trạng "siêu bong bóng" vào năm 1929 và năm 2000. Ảnh: AFP

Giới phân tích chứng khoán nhận định, đợt điều chỉnh vừa qua của Nasdaq Composite chỉ là khởi đầu của một thời kỳ "rất đau đớn" đối với các nhà đầu tư.

Trong báo cáo phân tích thị trường mới đây, ông Jeremy Grantham, nhà đồng sáng lập và chuyên gia phân tích đầu tư của GMO - một quỹ đang quản lý lượng tài sản lên tới 65 tỷ USD - cảnh báo rằng chứng khoán Mỹ đang trong thời kỳ "siêu bong bóng" và sẽ không có kết thúc tốt đẹp.

Điều hành các khoản đầu tư của Quỹ GMO kể từ khi thành lập vào năm 1977, ông Grantham cho rằng đà lao dốc của chứng khoán Mỹ sẽ tương tự như năm 2000 và thời kỳ khủng hoảng tài chính vào năm 2008. "Chúc may mắn! Tất cả chúng ta sẽ cần điều này", ông Grantham nêu.

Chuyên gia này cũng lưu ý rằng chứng khoán Mỹ đã hai lần rơi vào trạng thái "siêu bong bóng", trong đó một lần vào năm 1929 khi thị trường lao dốc dẫn đến cuộc Đại suy thoái năm 1930 và tái diễn vào năm 2000 khi bong bóng dot-com bị vỡ. Đến năm 2006, Mỹ cũng chứng kiến một "siêu bong bóng" khác nhưng điều này xảy ra đối với thị trường nhà ở.

Ông Grantham cho biết nhiều nhà đầu tư không muốn tin rằng chứng khoán Mỹ đã vượt ngưỡng để có thể chứng kiến một sụt giảm sâu hơn, đặc biệt là kể từ khi rơi vào "thị trường con gấu" trong thời gian ngắn vào tháng 3/2020 khi đại dịch mới bắt đầu.

"Trong tình trạng bong bóng, không ai muốn nghe đến thị trường con gấu", ông Grantham nhận định. "Đối với tình trạng bong bóng, đặc biệt là những siêu bong bóng như hiện nay, thường đem lại những trải nghiệm tài chính đáng nhớ nhất trong đời".

Theo ông Grantham, việc Cục Dự trữ liên bang (Fed) hạ lãi suất về 0 và sau đó neo mức lãi suất trong gần 2 năm qua, là nguyên nhân chính khiến chứng khoán Mỹ rơi vào bong bóng. Thị trường được dự báo sẽ rung lắc khi Fed được dự đoán sẽ bắt đầu tăng lãi suất tại cuộc họp vào tháng 3 tới.

"Một trong những lý do chính khiến tôi cảm thấy nản và bất bình với Fed và các cơ quan tài chính khác là việc họ cho phép và dẫn đến những thiệt hại mà các bong bóng gây ra khi chúng xì hơi và làm sụt giảm tài sản của chúng tôi", ông Grantham cho biết. "Khi bong bóng xuất hiện, chúng khiến chúng ta mơ mộng về sự giàu có, kích thích chúng ta chi tiêu. Nhưng sau khi bong bóng vỡ tan, chúng sẽ phá nát hầu hết những giấc mộng đó và nhanh chóng làm suy sụp các tiềm lực kinh tế".

Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng chung nhận định với ông Grantham. Ông Jordan Kahn, Chủ tịch kiêm giám đốc đầu tư của Công ty quản lý tài sản ACM Funds lại cho rằng chứng khoán Mỹ chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội tăng điểm trong ngắn hạn.

Trả lời phỏng vấn của đài CNN, ông Kahn cho biết quỹ đầu tư của ông sẽ chỉ đầu tư khoảng 30% vào các mã cổ phiếu có tiềm năng tăng giá, đồng thời bày tỏ lo ngại tác động khi Fed tăng lãi suất.

Thay vì một vụ nổ bong bóng kinh hoàng, ông Kahn cho rằng thị trường sẽ xuất hiện những bong bóng nhỏ từ tiền ảo và cổ phiếu công nghệ không sinh lời, bởi trước đó các nhà đầu tư "đã có rất nhiều niềm tin mù quáng".

Chứng khoán Mỹ rời đỉnh cao, Dow Jones mất hơn 200 điểm
Chứng khoán Mỹ đêm 22/1 trượt dốc, với cả hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite rời đỉnh cao vừa thiết lập trong phiên trước đó.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư