Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhà đầu tư ngoại đổ tiền góp vốn, mua cổ phần
Nguyên Đức - 03/03/2017 08:22
 
Ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, coi đây là giải pháp đầu tư đơn giản nhưng hiệu quả. Bởi vậy, vốn đầu tư theo hình thức này đã tăng nhanh trong thời gian qua.
TIN LIÊN QUAN

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 2 tháng đầu năm 2017, đã có 654 lượt các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện việc góp vốn, mua cổ phần trong các doanh nghiệp ở Việt Nam, với tổng trị giá là 619 triệu USD. Đáng chú ý, con số này đã tăng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2016, một mức tăng chóng mặt.

Năm ngoái, năm đầu tiên Cục Đầu tư nước ngoài thực hiện việc thống kê đầu tư nước ngoài qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, con số cũng đã khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên. Cả năm, có tới 2.547 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần, với tỷ lệ vốn lớn hơn 50% vốn điều lệ hoặc thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện, tổng vốn đầu tư là 3,425 tỷ USD. Khoản vốn này đã góp phần quan trọng để vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2016 lên tới trên 24 tỷ USD, một kỷ lục mới được thiết lập.

ngân hàng Tokyo-Mitsubishi (Nhật Bản) đã rót vốn để sở hữu 20% cổ phần tại VietinBank. Ảnh: Đức Thanh
Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi (Nhật Bản) đã rót vốn để sở hữu 20% cổ phần tại VietinBank. Ảnh: Đức Thanh

Thực tế, việc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần đã xuất hiện từ lâu. Trước đây, các thủ tục đầu tư theo hình thức này được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư 2005, với một số quy định được cho rằng không rõ ràng, khiến các cơ quan cấp chứng nhận đầu tư mỗi nơi hiểu một kiểu. Tuy nhiên, sau khi Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực, mọi chuyện đã khác, đã có những quy định rõ hơn, minh bạch hơn về việc góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo quy định mới, nhà đầu tư nước ngoài không cần xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp Việt Nam, mà chỉ cần làm các thủ tục đăng ký với các cơ quan quản lý nhà nước, tùy từng trường hợp góp vốn, mua cổ phần ở doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài hay không. Thủ tục đơn giản, thuận tiện, khiến ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn đầu tư vào Việt Nam theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, coi đây là giải pháp đầu tư đơn giản nhưng hiệu quả.

Thậm chí, từ tháng 11 năm ngoái, TP.HCM còn cho phép nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần thông qua mạng Internet, thủ tục rất nhanh gọn. Có lẽ, đây cũng chính là một trong những lý do khiến lượng nhà đầu tư nước ngoài đổ dồn về TP.HCM để thực hiện việc góp vốn, mua cổ phần.

Con số đã được Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài thống kê. Đó là năm 2016, có tới 1.935 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần trong các doanh nghiệp tại TP.HCM, với tổng trị giá lên tới 1,8 tỷ USD, bằng gần 53% tổng ngân khoản mà các nhà đầu tư nước ngoài bỏ ra để góp vốn, mua cổ phần ở Việt Nam. Và con số này cũng chiếm tới 53% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào TP.HCM trong năm qua.

Thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư 2014 gồm 2 bước:
Bước 1: Nhà đầu tư nước ngoài nộp hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ kiểm tra việc đáp ứng các điều kiện về: tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ tối đa áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài; hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động và đối tác đầu tư tham gia hoạt động đầu tư; các điều kiện khác theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Nếu việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp đáp ứng đủ điều kiện nêu trên, nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhận được thông báo bằng văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư, nếu không, nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhận được văn bản thông báo nêu rõ lý do.

Bước 2: Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông hoặc thành viên doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh.

Hai tháng đầu năm nay, xu hướng vẫn rất tích cực. Thành phố đã chấp thuận cho 322 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp trong các doanh nghiệp thành phố, với tổng vốn góp đăng ký đạt 313 triệu USD, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ, và cũng đã chiếm hơn phân nửa tổng số tiền mà các nhà đầu tư nước ngoài đã “dốc hầu bao” để góp vốn, mua cổ phần ở Việt Nam. Còn nếu so sánh với tổng nguồn vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư vào TP.HCM trong hai tháng qua (trên 464 triệu USD), thì tỷ lệ này lên tới trên 67%, một tỷ lệ áp đảo.

Nhận định về xu hướng này, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho rằng, thời gian gần đây, vốn đầu tư vào TP.HCM đang có sự chuyển dịch, từ hình thức 100% vốn nước ngoài sang góp vốn kinh doanh. “Điều này cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài đang chọn lựa hình thức đầu tư nào mà họ thấy hợp lý, thuận lợi và hiệu quả, mà không phải thực hiện các khâu như làm thủ tục đầu tư, bồi thường giải tỏa mặt bằng, xây nhà xưởng… ngay từ đầu”, ông Sử Ngọc Anh nói.

Hẳn nhiên, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn sẽ là xu hướng chủ đạo, tuy nhiên, những số liệu thống kê trên cho thấy, đang có một làn sóng mới của các nhà đầu tư nước ngoài trong góp vốn, mua cổ phần ở Việt Nam.

Điều đáng chú ý là, Hàn Quốc cũng vẫn là nhà đầu tư nước ngoài dẫn đầu xu hướng này. Năm 2016, đã có 644 lượt nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, với tổng giá trị gần 900 triệu USD. Nhật Bản đứng hàng thứ hai, với 276 lượt và 433 triệu USD. Tuy giá trị không lớn, chỉ 170 triệu USD, nhưng rất đáng chú ý là các nhà đầu tư Trung Quốc đã có 319 lượt đăng ký góp vốn, mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam.

Con số của hai tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư Hàn Quốc tiếp tục đứng đầu về phần vốn góp thông qua mua cổ phần, với 174 lượt góp vốn, mua cổ phần và giá trị 98,7 triệu USD. Trong khi đó, các nhà đầu tư Trung Quốc đứng thứ hai, với 123 lượt và 97,6 triệu USD.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư