Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhà đầu tư Singapore “mê” điểm đến Việt Nam
Nguyên Đức - 11/08/2013 07:47
 
Thông qua việc mở rộng đầu tư tại Việt Nam, các doanh nghiệp Singapore tiếp tục khẳng định Việt Nam là một trong những thị trường được ưu tiên hàng đầu để mở rộng mạng lưới kinh doanh trong khu vực.

Công ty NTUC FairPrice, hãng bán lẻ lớn nhất của Singapore, trong tháng 5 vừa qua đã hợp tác cùng với Saigon Co.op chính thức khai trương một đại siêu thị kết hợp phân phối số lượng lớn tại TP.HCM, với tên gọi Co.opXtra Plus. Siêu thị này còn bao gồm cả các hạng mục vui chơi dành cho trẻ em, khu ăn uống, dịch vụ rửa xe và dịch vụ giặt đồ.

Bán lẻ đang là điểm nóng đầu tư của doanh nghiệp Singapore

Đây là mô hình siêu thị mới mà cả NTUC FairPrice và Saigon Co.op muốn phát triển nhằm cạnh tranh với các đối thủ khác, như Metro, Big C và Aeon tại Việt Nam.

Sau khi mở siêu thị đầu tiên này, FairPrice và Saigon Co.op đang chuẩn bị cho việc giới thiệu hai mô hình đại siêu thị Co.opXtra và đại siêu thị kết hợp phân phối số lượng lớn Co.opXtra Plus tại các khu vực khác trên cả nước.

“Chúng tôi cho rằng, liên doanh này sẽ mang lại lợi ích cho cả Singapore và Việt Nam. Đối với Việt Nam, chúng tôi sẽ giới thiệu nhiều sản phẩm mới với giá cả hợp lý. Cũng tương tự như vậy, những sản phẩm đa dạng của Việt Nam như gạo và hải sản sẽ được đưa vào thị trường Singapore”, ông Tan Kian Chew, Tổng giám đốc Điều hành NTUC FairPrice, nói.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên, NTUC FairPrice vào thị trường Việt Nam. Công ty này đã tham gia liên doanh với Saigon Co.op từ tháng 12/2010 và việc mở rộng đầu tư này cho thấy, NTUC FairPrice vẫn duy trì niềm tin rất lớn tại thị trường này.

Nền kinh tế Việt Nam đã phát triển chậm lại kể từ năm 2008 khi phải đối mặt với những thách thức, như lạm phát cao và tình trạng bất ổn của hệ thống ngân hàng, cũng như cầu tiêu dùng sụt giảm. Trong nửa đầu năm nay, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ là 4,9% và điều này đã gây quan ngại cho không ít nhà đầu tư nước ngoài.

Mặc dù vậy, đối với nhiều công ty Singapore, Việt Nam vẫn là một điểm nóng để tăng cường đầu tư. Không chỉ có NTUC FairPrice, nhiều công ty khác cũng đã mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian qua.

Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Singapore là quốc gia lớn thứ hai đầu tư vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm, với 61 dự án mới, tổng vốn cam kết 2,48 tỷ USD. Ngoài ra, các công ty Singapore cũng đã đăng ký mở rộng đầu tư tại 21 dự án, với tổng vốn cam kết 1,2 tỷ USD.

Cũng cần phải nói rằng, nhiều công ty lớn của Singapore đã đầu tư vào Việt Nam ngay khi nền kinh tế được mở cửa đón dòng vốn đầu tư nước ngoài vào năm 1987, như Sembcorp, Ascendas, CapitaLand, Keppel Corporation… Hiện những công ty này vẫn tiếp tục thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam thông qua các dự án mở rộng đầu tư.

Sembcorp, trong tháng 9 tới, thông qua liên doanh với Becamex Corporation, sẽ chính thức khởi công việc xây dựng Dự án Khu công nghiệp và đô thị rộng hơn 1.000 ha tại Quảng Ngãi. Đây là dự án thứ 5 của VSIP tại Việt Nam và là dự án đầu tiên tại khu vực miền Trung. Ngoài ra, Sembcorp cũng đã nhận được sự đồng ý của Chính phủ đối với việc nghiên cứu xây dựng một nhà máy nhiệt điện có công suất 1.200 MW tại Quảng Ngãi.

Trong lĩnh vực y tế, Công ty Chandler Corporation, trong tháng 6 năm nay cũng đã chính thức đặt bước chân đầu tiên vào Việt Nam thông qua việc mua lại 80% cổ phần tại Bệnh viện Hoàn Mỹ. Ông Martin Robinson, Giám đốc Điều hành trong lĩnh vực y tế của Chandler Corporation, nói rằng, Công ty sẽ không chỉ dừng ở đó, khi nhu cầu về dịch vụ y tế tại Việt Nam đang tăng rất nhanh. “Chúng tôi sẽ đánh giá và tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới cùng với đội ngũ quản lý tại Hoàn Mỹ”, ông Robinson nói.

Lĩnh vực giáo dục cũng là một mảng tiềm năng đối với các công ty Singapore. Công ty Kinderworld cũng đang mở rộng thương hiệu Pegasus tại những thành phố lớn của Việt Nam, nhằm cung cấp các chương trình giáo dục trên khắp cả nước. Hiện Kinderworld đang xây dựng Dự án Pegasus International UniCollege tại Đà Nẵng và tiếp sau đó sẽ là tại Vũng Tàu, Nha Trang và TP.HCM.

Có thể nói, một trong những nhân tố tác động tích cực đến quan hệ đầu tư Việt Nam và Singapore là mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa hai quốc gia. Tuần trước (1/8), Việt Nam và Singapore đã kỷ niệm 40 năm quan hệ thiết lập ngoại giao. Hai nước cũng đang tích cực chuẩn bị để nâng tầm mối quan hệ lên mức đối tác chiến lược.

Trên thực tế, kể từ năm 2005, Việt Nam và Singapore đã ký kết Hiệp định khung kết nối kinh tế nhằm tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai nước. Hiệp định này tập trung vào 6 lĩnh vực, bao gồm giáo dục và đào tạo, tài chính, viễn thông, đầu tư, thương mại và dịch vụ và giao thông. Theo đánh giá của các nhà đầu tư Singapore, hiệp định này đã góp phần rất quan trọng vào việc thúc đẩy đầu tư từ Singapore sang Việt Nam, khi các cơ quan chính phủ của hai nước thường xuyên làm việc với nhau để tháo gỡ những rào cản mà các nhà đầu tư gặp phải.

Vào thời điểm này, mặc dù chi tiết về thỏa thuận đối tác chiến lược chưa được công bố, nhưng trong thời gian thăm Singapore vào tháng 6 năm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố mối quan hệ đối tác chiến lược sẽ góp phần đưa hợp tác đầu tư Singapore và Việt Nam lên tầm cao mới.

Việt Nam - Singapore hướng tới quan hệ đối tác chiến lược
Nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Singapore, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử -...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư