Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Nhà đầu tư Trung Quốc chán "bắt dao rơi" trên thị trường chứng khoán
Tư Thuần - 29/09/2023 08:46
 
Khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư Trung Quốc đang có sự thay đổi rõ rệt khi “ruồng bỏ" thị trường chứng khoán và gửi tiền tại ngân hàng.

Trong nhiều năm qua, người dân Trung Quốc có câu chuyện đùa rằng quốc gia này có hàng triệu kẻ ngốc với rất nhiều tiền. Đó là những người luôn ùa vào các xu hướng đầu tư mới trên thị trường chứng khoán hết lần này tới lần khác.

Chẳng hạn thời điểm năm 2015, khi thị trường chứng khoán sụp đổ, dư âm để lại đối với nhà đầu tư cũng không kéo dài. Chỉ vài năm sau, một cơn sóng mới lại xuất hiện, dòng tiền quy mô hàng tỷ USD lại rót vào chứng khoán với các cổ phiếu “trendy" (theo xu hướng). 

Vậy nhưng 3 thập kỷ kể từ khi Sàn Giao dịch chứng khoán Thượng Hải mở cửa, dường như nhà đầu tư dần trở nên “chai sạn" cảm xúc. Họ không còn muốn lao vào "bắt dao rơi".

Bằng chứng rõ ràng nhất có thể nhìn vào là từ số liệu tiền tiết kiệm và các khảo sát ở khu vực đô thị. Tính tới cuối tháng 8, lượng tiền gửi tại các tài khoản tiền gửi cá nhân/hộ gia đình đạt mức kỷ lục 132 nghìn tỷ nhân dân tệ (18 nghìn tỷ USD), vượt qua cả GDP của Trung Quốc năm ngoái. 

Người dân duy trì rót tiền vào ngân hàng ngay cả khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hạ lãi suất liên tục.

Lượng tiền gửi mới theo các năm


Xu hướng gửi tiết kiệm tại Trung Quốc đã được biết tới rộng rãi kể từ thời điểm đại dịch. Tuy nhiên, số liệu thực tế cho thấy diễn biến này bắt đầu từ đầu năm 2018. Vào thời điểm này, các cá nhân/hộ gia đình đã mệt mỏi với những biến động thất thường của thị trường.

Theo đó, dòng tiền đầu tư vào các sản phẩm như chứng khoán, trái phiếu, tín phiếu đã duy trì đà giảm kể từ sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc năm 2015, theo khảo sát của PBOC.

Đường màu xanh thể hiện xu hướng gửi tiền tiết kiệm và đường màu đen thể hiện việc ưa chuộng các sản phẩm đầu tư.


Khẩu vị rủi ro thay đổi gây ra "cơn đau đầu" cho Chính phủ Trung Quốc, nhất là khi các chính sách mới được công bố nhằm cổ vũ tâm lý thị trường đều không hiệu quả. Tháng 8/2023, Trung Quốc lần đầu tiên giảm thuế, phí giao dịch kể từ năm 2008, công bố thêm các chính sách hỗ trợ thị trường chứng khoán. Vậy nhưng, đà tăng của chỉ số CSI 300 chỉ duy trì trong vài phút khi mở phiên và “tắt ngúm" sau đó. Tương tự, thị trường bất động sản cũng trong tình cảnh ảm đạm lâu dài, dù nhiều chính sách mới được công bố.

Hiện tại, Chỉ số Shanghai Composite Index ở quanh ngưỡng 3.100 điểm, thấp hơn 40% so với mức đỉnh đạt được vào năm 2007. Tại thị trường bất động sản, giá nhà đã giảm ít nhất 15% so với mức đỉnh tại hơn một nửa số thành phố vệ tinh cấp 2, cấp 3.

Để so sánh, theo số liệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), người dân Mỹ đang đặt 39% tài sản vào thị trường tài chính - đầu tư và chỉ 13% tài sản dạng tiền mặt và tiền gửi. 

Không riêng Trung Quốc, thực tế tại nhiều thị trường, khẩu vị rủi ro của nhiều nhà đầu tư đã thay đổi. Nhà đầu tư có tiền mặt, nhưng không tham gia thị trường mà quyết định đứng ngoài lề.

Nhà đàm phán EU: Quan hệ thương mại với Trung Quốc "rất mất cân bằng"
Trưởng đoàn đàm phán thương mại của Liên minh châu Âu (EU) đánh giá rằng, quan hệ thương mại của khối này với Trung Quốc "rất mất cân bằng".
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư