Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Nhà máy Bột giấy Phương Nam: Càng vận hành càng lỗ
Thanh Hương - 03/11/2014 08:20
 
Nhà máy Bột giấy Phương Nam được UBND tỉnh Long An phê duyệt dự án đầu tư vào cuối năm 2003. Gần 10 năm triển khai và sau khi đã tiêu tới gần 3.000 tỷ đồng, đến nay, khi xây dựng xong, công trình ngàn tỷ đang chuẩn bị… được thanh lý! Trong trường hợp thuận lợi nhất (nguyên liệu đủ cho 12 tháng vận hành và có đủ vốn lưu động), thì mỗi tấn sản phẩm do dây chuyền này sản xuất sẽ chịu mức lỗ 4,6 triệu đồng. Và điều tất yếu sẽ xảy ra là, Nhà máy rơi vào tình trạng càng sản xuất càng lỗ và không có khả năng thu hồi vốn.
TIN LIÊN QUAN

Xem kỳ 1: Nhà máy Bột giấy Phương Nam: Tiêu 3.000 tỷ rồi thanh lý

  Nhà máy Bột giấy Phương Nam: Càng vận hành càng lỗ  
  Nếu đủ vốn và nguyên liệu, Nhà máy vẫn có thể rơi vào tình trạng càng sản xuất càng lỗ và không có khả năng thu hồi vốn  

Chủ mới bó tay

Khi chuyển giao chủ đầu tư Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam từ Tracodi sang Vinapaco, Bộ Tài chính cũng được yêu cầu tiếp tục cho chủ đầu tư vay từ Quỹ Tích lũy trả nợ nước ngoài để thanh toán nợ gốc và lãi vay phải trả cho Ngân hàng Societe General trong 2 năm 2009-2010, với tổng cộng 18,9 triệu euro.

Theo chỉ đạo tại Công văn số 731/QĐ-TTg (ngày 3/6/2009), thì Vinapaco phải nhận nợ bắt buộc với Bộ Tài chính và trả nợ trong thời gian tối đa là 5 năm (thời gian dự kiến từ khi Dự án hoàn thành đi vào hoạt động và có nguồn thanh toán).

Nguồn vốn Tracodi đã đầu tư vào Dự án cũng được chuyển sang Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) là đại diện và SCIC ứng vốn trả lại Tracodi phần đã bỏ ra đầu tư.

Với tư cách là chủ đầu tư mới, Vinapaco cũng đã triển khai nhiều công việc, với mục tiêu đưa Nhà máy vào hoạt động như yêu cầu của Chính phủ. Vinapaco đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, tuy nhiên, trong quá trình chạy thử có tải, cả hệ thống luôn bị tắc nghẽn. Trong đó, khâu sản xuất, chế biến nguyên liệu đầu vào cho chu trình sản xuất là chặt mảnh đã không đạt chất lượng theo yêu cầu. Vì tắc ngay khâu đầu tiên, nên toàn bộ dây chuyền đã không thể tiếp tục chạy thử được.

Vinapaco đã mời chuyên gia của Andritz sang nghiên cứu sự cố để khắc phục. Tổ khảo sát gồm các chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí và công nghiệp giấy Việt Nam cũng được thành lập để khắc phục sự cố trong khâu chặt mảnh. Đồng thời, Viện Công nghệ Giấy và Xenluylo cũng đã tổ chức nghiên cứu thay thế nguyên liệu sản xuất từ đay sang gỗ cứng.

Đáng buồn là, tất cả các kết quả nghiên cứu này đều khẳng định: không có khả năng khắc phục được sự cố, không có hiệu quả về mặt kinh tế và không khả thi.

Ở góc độ khác, vào cuối năm 2012, Bộ Công thương đã tiến hành thẩm định tổng mức đầu tư mới và dựa trên kết quả này, Vinapaco đã phê duyệt tổng mức đầu tư mới là 3.409 tỷ đồng. Số vốn đã giải ngân cho Dự án là 2.948 tỷ đồng, trong đó vốn vay trong nước là 1.952 tỷ đồng, vốn vay nước ngoài là 968 tỷ đồng, vốn khác là 27 tỷ đồng. Vinapaco cũng đã ứng vốn cho Dự án khoảng 87 tỷ đồng.

Chỉ còn nước… thanh lý!

Bộ Công thương cho hay, dù thiết bị của Nhà máy là mới, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhưng lại được nhà thầu cải tiến từ dây chuyền sử dụng nguyên liệu từ gỗ, lần đầu tiên được lắp đặt để sản xuất tại Việt Nam và trên thế giới chưa có dây chuyền nào hoạt động. Vì vậy, khi chạy thử có tải đã phát sinh khiếm khuyết, nên không thể thành công. Bản thân chuyên gia của nhà thầu cũng không cam kết việc dây chuyền sản xuất ra sản phẩm cuối cùng.

Mặt khác, việc sử dụng động cơ có công suất lớn (lên tới 12 MW), sấy nguyên liệu bằng ga chất lượng cao, nên tiêu hao năng lượng lớn, đặc biệt là khâu nghiền và hệ thống sấy bột. Đó là chưa kể máy móc thiết bị theo hợp đồng đã ký không có thiết bị dự phòng và thay thế, ảnh hưởng lớn đến quá trình hoạt động sau này của Nhà máy.

Về phần nguyên liệu đầu vào cũng có sự thay đổi đáng kể so với khi lập dự án. Mức giá mua đay mà Vinapaco thực hiện là 850 đồng/kg, thay vì mức 180 đồng/kg như khi lập dự án. Chưa kể giống đay được trồng năng suất thấp, chỉ đạt bình quân 30-35 tấn/ha. Với định mức tiêu thụ khoảng 6 tấn đay tươi/tấn bột, lượng đay mua được trong 2 năm 2012-2013 chỉ đủ cho nhà máy chạy trong… 14 ngày!

Vinapaco đã thuê tư vấn độc lập tính toán lại hiệu quả của Dự án với các điều kiện thực tế khi tiếp nhận và trở thành chủ đầu tư mới. Trong trường hợp thuận lợi nhất (nguyên liệu đủ cho 12 tháng vận hành và có đủ vốn lưu động), thì mỗi tấn sản phẩm do dây chuyền này sản xuất sẽ chịu mức lỗ 4,6 triệu đồng. Và điều tất yếu sẽ xảy ra là, Nhà máy rơi vào tình trạng càng sản xuất càng lỗ và không có khả năng thu hồi vốn.

Mặt khác, ngay cả trong trường hợp “nghiến răng” vận hành, thì hệ thống xử lý nước thải của Dự án được thiết kế chưa đạt yêu cầu xả thải theo quy chuẩn Việt Nam, nên cần bỏ thêm không dưới 60 tỷ đồng để nước thải đạt chuẩn.

Bởi vậy, tháng 4/2014, Bộ Công thương đã đề nghị Chính phủ cho phép Vinapaco dừng đầu tư Dự án và tiến hành tái cơ cấu toàn bộ Dự án. Ngày 12/5/2014, tại Văn bản số 195/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đề nghị của Bộ Công thương về việc dừng đầu tư Nhà máy Bột giấy Phương Nam, đồng thời giao Bộ Công thương, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Long An xây dựng phương án xử lý với dự án (thanh lý, nhượng bán) trình Chính phủ.

TIN LIÊN QUAN
Vòng quay cảnh báo - thu hồi dự án FDI
Dự án Bột giấy Sojitz tìm được đường ra
Dừng Dự án Nhà máy bột giấy 4.000 tỷ đồng
Doanh nghiệp ngành giấy hết thời đủng đỉnh
Hậu Giang: Dự án hơn nửa tỷ USD lại xin gia hạn

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư