Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhà máy Thuỷ điện sông Lô 8B khốn khổ vì dân đòi bồi thường đất phi lý
Như Loan - 12/11/2021 09:54
 
Nhà máy thuỷ điện sông Lô 8B gặp khó trong quá trình tích nước do nhiều người dân cản trở, không chịu nhận hỗ trợ tiền đất và cây trồng trên đất thuộc quyền quản lý của Nhà nước.
Nhà máy Thuỷ điện sông Lô 8B
Nhà máy Thuỷ điện sông Lô 8B.

Nhiều người dân ở xã Phúc Ninh, xã Chiêu yên, xã Tứ quận (Yên Sơn, Tuyên Quang) không chịu nhận hỗ trợ tiền đất và cây trồng trên đất thuộc quyền quản lý của Nhà nước và gây cản trở quá trình tích nước của Nhà máy Thuỷ điện sông Lô 8B do Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Lam Sơn làm chủ dầu tư.

Nhà máy Thuỷ điện sông Lô 8B đóng trên địa bàn xã Phúc Ninh xã Chiêu yên, xã Tứ quận (Yên Sơn, Tuyên Quang) do Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Lam Sơn (Công ty Lam Sơn) có địa chỉ ở phường Chiềng Lê, TP Sơn La, Sơn La làm chủ đầu tư.

Nhà máy có quy mô 27 MW, được xây dựng trên diện tích 52,8 ha (chưa bao gồm diện tích đất mặt nước).

Ngày 1/10/2021, UBND huyện Yên Sơn có quyết định về việc thu hồi đất xây dựng công trình Dự án nhà máy thủy điện Sông Lô 8B (giai đoạn 2 đợt 1) tại các xã  Chiêu Yên, Phúc Ninh và Tứ Quận, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Theo đó, thu hồi 1.935.218 m2 đất do UBND các xã Chiêu Yên, Phúc Ninh và Tứ Quận quản lý  để sử dụng vào mục đích xây dựng công trình: dự án nhà máy thủy điện Sông Lô  8B, trong đó đất giao thông là 926,6 m2; đất thủy lợi 103,6 m2, còn lại là đất mặt nước sông suối kênh rạch.

Theo Quyết định trên, huyện đã tổ chức thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Ông Hoàng Trần Anh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Yên Sơn cho biết, dự án Nhà máy Thuỷ điện sông Lô 8B gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 xây dụng phần nhà máy đã thực hiện xong công tác bồi thường từ năm 2018. Giai đoạn 2, thu hồi đất do UBND xã quản lý (đất Nhà nước). Trên phần đất này có hơn 300 hộ dân tạm canh và xâm canh và có 161 hộ có đất nông nghiệp (đủ điều kiện cấp sổ đỏ) với diện tích 15,3 ha đủ điều kiện bồi thường, 239 hộ còn lại sử dụng đất bờ sông (đất do Nhà nước quản lý, không giao đất cho hộ nào) để canh tác.

Áp dụng quy định tại Điều 25, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ  quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đồng thời áp dụng khoản 5, Điều 17 Quyết định số 06/2015/QĐ-UBND ngày 16/5/2015 của UBND tỉnh Tuyên Quang quy định về bồi thường, hỗ trợ, hỗ trợ tái định cư thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, UBND huyện Yên Sơn đã ra quyết định hỗ trợ 80% bằng giá đất cùng loại cho các hộ dân đã trồng trọt trên đất bờ sông.

Theo quy định, Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Lam Sơn đã tạm ứng 85,7 tỷ đồng để UBND huyện Yên Sơn và Huyện Hàm Yên chi trả tiền đền bù cho người dân. Số tiền này sẽ được khấu trừ vào tiền thuê đất mà Công ty phải trả Nhà nước trong vòng đời của dự án.

Theo ông Lê Văn Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty, tính đến ngày 9/11/2021, đã có 60% hộ dân sử dụng đất bờ sông do Nhà nước quản lý nhận tiền đền bù, còn khoảng 40% hộ chưa chịu nhận tiền hỗ trợ với số tiền khoảng gần 3 tỷ đồng.

Một vài hộ dân thuộc diện được hỗ trợ ở thôn Minh Tân, xã Phúc Ninh trước đây có đơn kiến nghị gửi UBND huyện Yên Sơn để thắc mắc và đề nghị được bồi thường theo khung giá đền bù giải phóng mặt bằng áp dụng với đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho các hộ dân.

Trong công văn trả lời các hộ dân, UBND huyện Yên Sơn khẳng định, do diện tích đất gia đình họ đang sử dụng nằm trong phạm vi thu hồi đất để giải phóng mặt bằng xây dựng Nhà máy Thủy điện Sông Lô 8B là đất của Nhà nước do UBND xã Phúc Ninh quản lý, không đủ điều kiện bồi thường đất nên Nhà nước hỗ trợ bằng 80% giá đất cùng loại. Sau khi tìm hiểu đúng về quy định của pháp luật, hộ ông Khúc Văn Sang đã nhận đủ tiền hỗ trợ

Như vậy, có thể thấy đòi hỏi của người dân là không đúng quy định pháp luật, không có căn cứ để thực hiện. Sự việc cho đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản - xuất kinh doanh, cụ thể người dân đã có những hành vi chống đối các hoạt động tích nước của Nhà máy.

Theo quy định hiện hành khi Dự án có đủ các thủ tục gồm: Giấy phép khai thác tài nguyên nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường;  Quyết định cấp quyền khai thác nước mặt của Bộ TN&MT; Quyết định phê duyệt Quy trình vận hành hồ chứa do UBND Tỉnh Tuyên Quang ban hành; Thông báo nghiệm thu đưa dự án vào vận hành do Sở Công thương tỉnh Tuyên Quang ký; Giấy phép hoạt động điện lực của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) là đủ điều kiện để tích nước vận hành.

Ông Lê Văn Vinh cho biết sở dĩ có việc phát sinh tiền hỗ trợ cho người dân trên đất Nhà nước quản lý là sau khi Nhà máy tích nước chạy thử (12/2020) thì các hộ dân đòi hỏi và chính quyền các cấp cũng phải họp nhiều lần và đi đến thống nhất hỗ trợ 80% một lần cho bà con. Sau khi có chủ trương này, Hội đồng Giải phóng mặt bằng và Nhà máy cùng tư vấn tập trung đo đạc và đã kiểm đếm đầy đủ cho bà con.  Dự án được nghiệm thu vào tháng 12/2020. Từ tháng 12/2020 đến tháng 5/2021, Nhà máy tích nước ở mức 21,9m để phát thử tổ máy. Hiện nước đang ở mức 24,5m/25,5m. Việc tích nước không đủ cao trình thiết kế khiến nhà máy hoạt động không hiệu quả.

Thủy điện 8B chính thức phát điện hàng năm sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia 109,07 triệu kWh, đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 22 tỷ đồng. Nhà máy cũng tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 40 lao động địa phương. Việc chỉ có một số ít hộ dân đòi hỏi được bồi thường đất vô lý, thiếu căn cứ, đang gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho nhà máy, làm ảnh hưởng tới hoạt động của nhà đầu tư tại địa phương.

Theo ông Lê Văn Vinh, doanh nghiệp đầu tư đang rất cần được chính quyền địa phương hỗ trợ và người dân ủng hộ nhận tiền để giải quyết dứt điểm vấn đề này, vì thực tế doanh nghiệp chỉ thực hiện chi trả còn chính sách đền bù giải phóng mặt bằng là do Nhà nước ban hành.

Người dân cần hiểu đúng các quy định pháp luật về bồi thường, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng liên quan đến dự án. Chính sách bồi thường mà UBND huyện Yên Sơn đã thực hiện là vận dụng kịch khung các quy định hiện hành nhằm có lợi cho người dân. Còn những đòi hỏi không có căn cứ pháp luật thì chính quyền địa phương cũng không thể giải quyết. Nếu Hội đồng Giải phóng mặt bằng làm trái các quy định của pháp luật hiện hành, gây thất thoát ngân sách nhà nước có thể chịu các chế tài xử lý nghiêm khắc, với hậu quả khó lường.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư