Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhà nước quyết thoái vốn mạnh, có thể thu về 19.000 tỷ đồng
Khánh An - 22/08/2017 14:12
 
Chính phủ tiếp tục công khai danh mục tài sản đầu tư sẽ được cơ cấu lại. Lần này là danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020. Cơ hội làm mới cơ cấu tài sản chuyển sang khu vực tư nhân.
TIN LIÊN QUAN

Thoái vốn mạnh

Khoản tiền thu được từ thoái vốn nhà nước trong năm 2017 sẽ thêm được ít nhất hơn 19.000 tỷ đồng. Con số trên được tính theo mệnh giá của phần vốn nhà nước dự kiến thoái tại 135 doanh nghiệp, nhưng theo giá trị niêm yết trên sàn có thể lên tới hơn 29.000 tỷ đồng.

Trong số này, 26 doanh nghiệp thuộc các bộ, ngành; 109 doanh nghiệp thuộc địa phương và 4 doanh nghiệp sẽ được chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) để thực hiện thoái vốn.

Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020 đã được công bố cụ thể theo từng năm. Trong ảnh: Công ty cổ phần Giày Thượng Đình
Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020 đã được công bố cụ thể theo từng năm. Trong ảnh: Công ty cổ phần Giày Thượng Đình

Đây là một nội dung của Quyết định 1232/2017/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020, vừa được Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ ký thay Thủ tướng vào ngày 17/8/2017.

Nhưng, đó chưa phải là con số cuối cùng mà Nhà nước có thể thu được từ hoạt động thoái vốn của năm 2017.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng, Quyết định 1232/2017/QĐ-TTg có cơ chế quyết liệt để không chỉ thúc đẩy tiến độ mà cả hiệu quả của nhiệm vụ này.

“Thủ tướng Chính phủ đã cho phép các bộ, ngành, địa phương dựa theo tình hình thị trường và thực tế tại doanh nghiệp để quyết định thoái nhanh hơn, tăng tỷ lệ thoái vốn so với tỷ lệ tối thiểu hằng năm đã được phê duyệt. Sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương được xác định rõ”, ông Hùng phân tích.

Hơn thế, số doanh nghiệp thoái vốn trong Danh mục cũng là số tối thiểu. Các bộ, ngành có thể bổ sung thêm doanh nghiệp thực hiện thoái vốn sớm hơn kế hoạch trong từng năm, hoặc đề xuất thêm vào danh mục.

“Tất nhiên, nguyên tắc tối thượng vẫn là hiệu quả, công khai và minh bạch. Đặc biệt, tổng số thu từ thoái vốn vào cuối kỳ phải đạt kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Hùng nhấn mạnh.

Kế hoạch thách thức

Nhìn vào kế hoạch thoái vốn của năm 2017, áp lực rất lớn đang đặt nặng lên vai người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Giao thông  - Vận tải, Bộ Xây dựng, UBND TP. Hà Nội, Bắc Giang... Những đơn vị này có số lượng doanh nghiệp phải thoái vốn khá cao, 7-17 doanh nghiệp, trong khi thời gian còn lại chỉ khoảng 4 tháng.

Không những thế, trong giai đoạn thực hiện kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước 2011-2015, tiến độ thoái vốn nhà nước luôn được ghi nhận là chậm, chỉ đạt yêu cầu ở một số doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh tốt. Thậm chí, không ít trường hợp thoái vốn không theo nguyên tắc thị trường mà dưới nhiều hình thức như cấn trừ công nợ, chuyển nợ thành vốn góp…

Nhưng, đứng ở góc độ thị trường, các số này không quá thách thức khi đọc tên doanh nghiệp trong danh mục (Xem bảng). Khá nhiều tên tuổi đang được thị trường quan tâm, cũng đang chờ đợi cơ hội xuống tiền khi tỷ lệ thoái vốn nhà nước được công bố phù hợp.

Hơn thế, nguyên tắc thoái vốn cũng đã được xác định theo đúng cơ chế thị trường. Đó là có thể thực hiện thoái vốn thành nhiều đợt, nhưng tỷ lệ thoái vốn mỗi đợt phải ở mức từ 20-36% tổng số vốn cần thoái.

Đây là lý do khi cộng lượt doanh nghiệp thoái vốn trong từng năm của giai đoạn 2017-2020 được phê duyệt vượt qua số 375 doanh nghiệp được công bố.

“Việc cho phép các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện theo tín hiệu của thị trường sẽ tạo sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư lớn, tăng tính khả thi và hiệu quả của từng thương vụ. Tất nhiên, để hoàn thành được kế hoạch vẫn là thách thức không nhỏ, cần sự quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương”, ông Hùng thẳng thắn.

Phải nói thêm, việc thực hiện kế hoạch thoái vốn nằm trong mục tiêu khơi thông các dòng vốn, thúc đẩy tăng trưởng của Chính phủ, nên tính  kỷ luật được đặt cao.

Như vậy, không chỉ kế hoạch thoái vốn năm 2017, các kế hoạch thoái vốn các năm tới, nhất là 2018 phải được bắt đầu ngay từ bây giờ thì mới kịp tiến độ.

Cơ hội của thị trường

Cũng phải nói rõ, tính trong số 375 doanh nghiệp còn vốn nhà nước, số vốn nhà nước lên tới khoảng 108.502 tỷ đồng.

Số doanh nghiệp này chưa tính các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, UBND TP.HCM, SCIC và các doanh nghiệp thoái vốn riêng theo quyết định của Thủ tướng (như Habeco, Sabeco, Bênh viện Giao thông vận tải…). Nghĩa là con số trên 100.000 tỷ đồng vốn nhà nước sẽ bán trong giai đoạn tới trong Danh mục chỉ là tối thiểu.

Đáng nói là, cơ hội thay đổi, tái cơ cấu danh mục đầu tư đang mở ra không chỉ rộng mà còn rất khả thi đối với của các nhà đầu tư – kể cả trong nước và nước ngoài – đang quan tâm tới thị trường này.

Bởi, đây là lần đầu tiên Chính phủ công khai danh mục đầu tư nhà nước và tỷ lệ vốn Nhà nước sẽ bán trong các doanh nghiệp. Cộng với kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020 đã được phê duyệt tại Quyết định 58/2016/QĐ-TTg đã được công bố với giá trị sổ sách phần vốn nhà nước thu hồi có thể đạt trên 296.000 tỷ đồng, giới đầu tư có thể hình dung rõ nét nhu cầu tái cơ cấu danh mục tài sản của Nhà nước để chuẩn bị nguồn lực và chiến lược thế chân.

Các nhà đầu tư đã không có dữ liệu để có được cơ hội trong giai đoạn tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trước đây, khi việc thoái vốn được thực hiện riêng lẻ, không có danh mục tổng thể.

Cũng phải nói thêm, hoạt động thoái vốn này khá khác với các khoản thoái vốn Nhà nước hay được nhắc tới trong giai đoạn 2011-2015. Thời điểm này, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước buộc phải thực hiện thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm (bất động sản, chứng khoán, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm và quỹ đầu tư), nghĩa là khoản tiền bán thu về có thể vẫn sẽ nằm trong doanh nghiệp nhà nước. Các hoạt động thoái vốn này chỉ làm thay đổi danh mục đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.

Nhưng lần này, cùng với việc thúc đẩy SCIC thoái vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, việc thoái vốn tại các doanh nghiệp còn vốn Nhà nước sẽ làm thay đổi danh mục tài sản của Nhà nước. Thêm nữa, lần này, Nhà nước bán vốn để thu về ngân sách, dùng để bố trí cho các dự án đầu công; còn các lần thoái vốn kia có thể vẫn thu về doanh nghiệp, thậm chí có thể làm tăng vốn Nhà nước trong doanh nghiệp.

Có nghĩa là, bảng phân bổ tích lũy tài sản theo thành phần kinh tế sẽ được thay đổi theo hướng tiếp tục tăng lên ở khu vực tư nhân.

“Đây chính là một trong những mục tiêu của tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Đây cũng là thông điệp mà thị trường chờ đợi”, ông  Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư