Thưa PGS, là một người có nhiều năm nghiên cứu về cụ Rùa hồ Gươm, đặc biệt lại gắn bó rất lâu với Hà Nội, khi đón nhận thông tin về đề xuất đúc tượng rùa vàng 10 tấn của ông Tạ Hồng Quân, ông có suy nghĩ gì?
Tôi biết ý tưởng này có từ năm 2011, khi đó trong đề án đã có bút tích thể hiện sự ủng hộ của GS Vũ Khiêu, GS Phan Huy Lê, PGS Đặng Văn Bài, nhà sử học Dương Trung Quốc, và tôi cũng đồng tình với đề xuất ấy. Nhưng vào thời điểm ấy, vì lý do này lý do khác mà chưa thực hiện được.
Mới đây, khi Bộ VHTT&DL đề xuất với UBND TP. Hà Nội dựng mô hình 3D tượng khỉ Kong ở khu vực phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm gây nhiều tranh cãi và phản đối, tôi đã nói với anh Tạ Hồng Quân về việc đưa ra lại đề xuất này, vì như vậy sẽ hợp lý hơn việc dựng tượng đài khỉ Kong. Đã có người đề xuất là nên dựng tượng rùa vàng đặt ở đây sẽ hợp lý hơn.
Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý thực tế khu vực Hồ Gươm là khu vực nhạy cảm, làm bất cứ việc gì cũng phải thật thận trọng, mặt khác đây cũng là di tích quốc gia đặc biệt nên càng phải thận trọng hơn.
Hiện đang có khá nhiều ý kiến tranh cãi về việc đúc tượng rùa vàng, chẳng hạn có người nói biểu tượng này là không hợp lý vì nhắc đến rùa là người ta nghĩ ngay đến "chậm như rùa".... Cũng có ý kiến cho rằng làm việc này là lãng phí. Vì sao ông ủng hộ đề xuất này?
Lâu nay chúng ta đều biết đến hình tượng cụ Rùa gắn bó với hồ Gươm. Trước đây, mỗi khi cụ Rùa xuất hiện là dân đến xem rất đông, nó như một sự kiện gợi nhớ lịch sự đánh thắng giặc ngoại xâm của vua Lê vào thế kỷ XV, như một bài học về lịch sử, và được coi là niềm tự hào dân tộc.
Nhưng giờ cụ Rùa đã không còn nên ta có thể thay thế bằng một hình tượng cụ Rùa khác. Đặt tượng Rùa này rất có ý nghĩa, về cả văn hoá và lịch sử.
Nhưng muốn làm được cái này thì trước hết UBND TP Hà Nội, Bộ VH-TT&DL phải chấp thuận, rồi phải có ý kiến của các nhà văn hoá, nhà khoa học, đồng thuận cao thì mới tiến hành được.
Nhiều người nói chúng ta đã có Tháp Rùa ở Hồ Gươm, nhưng tôi cho rằng Tháp Rùa chẳng qua được đặt ở vị trí đắc địa nên người ta quan tâm chứ về mặt kiến trúc - xây dựng thì không có gì độc đáo cả. Vì vậy, bây giờ làm được một tượng rùa đặt ở khuôn viên Hồ Gươm cũng là một cách nhắc nhớ về cụ rùa từng tồn tại ở đây, một biểu tượng gắn liền với di tích quốc gia đặc biệt này.
Vậy nếu tiến hành đề án này, để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả như mong muốn về văn hoá cũng như lịch sử, theo ông chúng ta cần lưu ý những gì?
Trước hết, về hình dáng, không nên vội phản ứng vì hình tượng của các mẫu phác thảo chưa được như ý, vì sau này khi đề án được thông qua thì còn cần cả hội đồng mới quyết định mẫu phác thảo này. Tôi cho rằng nên tham khảo hình dáng cụ Rùa hồ Gươm, phác thảo một cách chân thật, thân thiện chứ vẽ đầu rùa thành đầu rồng thì không ổn. Sau này có thể tổ chức thi để chọn hình mẫu.
Về chất liệu chọn chất liệu trường tồn chứ không nay lập lên rồi mai lại thay hay đập đi được.
Về kích thước không nhất thiết phải là 10 hay 20 tấn, mà chỉ cần vừa phải, hài hoà với không gian chứ không để phá vỡ cảnh quan. Vị trí nên đặt ở trước cửa siêu thị Intimex vì không gian đó rộng, không gian ấy lại gắn với tượng vua Lê, ở đó rất gần tháp Rùa, 4 góc hồ Gươm chỉ có điểm đó là gần nhất, nếu người dân hay khách du lịch muốn ghi lại hình ảnh thì có thể ghi được cả 2 hình ảnh của cả tháp Rùa và hình tượng cụ Rùa hồ Gươm.
Công dân Hà Nội Tạ Hồng Quân, chủ nhân đề xuất “Đúc biểu tượng rùa vàng Hồ Gươm” đặt tại khu vực phố đi bộ Hồ Gươm cho biết theo ý tưởng, tượng rùa vàng hồ Hoàn Kiếm sẽ được thực hiện bằng chất liệu đồng nguyên chất và vàng, dài 2,5 mét, cao 3,5 mét và có trọng lượng khoảng 6-10 tấn đồng.
Ông cũng đề xuất hai phương án đặt tượng rùa vàng là tại chỗ đang đặt đồng hồ Thụy Sĩ hiện nay (ngã tư Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng) hoặc đặt tại vườn hoa nhìn sang tượng đài Lý Công Uẩn và UBND TP Hà Nội.Dự kiến thời gian thực hiện tượng rùa vàng hồ Hoàn Kiếm mất khoảng hai năm. Kinh phí thực hiện sẽ không sử dụng ngân sách nhà nước mà sẽ huy động bằng hình thức xã hội hoá. Ông Tạ Hồng Quân cho biết, ý tưởng dựng tượng rùa vàng hồ Hoàn Kiếm bắt nguồn từ những truyền thuyết lịch sử như rùa vàng giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa, Lê Lợi sau khi đánh đuổi giặc Minh đã hoàn trả gươm thần cho thần Kim Quy… Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng đồng tình nhưng cho rằng, bây giờ khi xây dựng bất cứ một công trình nào trong khu vực hồ Gươm cũng phải thận trọng, nhất là những công trình mang tính biểu tượng tâm linh như tượng rùa vàng thì càng phải thận trọng hơn. |